Thời gian “đèn đỏ” xuất hiện là khác nhau ở mỗi người (thường từ 2-7 ngày). Nếu bạn thấy thời gian đèn đỏ xuất hiện nhiều hoặc ít hơn 1,2 ngày so với bình thường và không đi kèm những dấu hiệu đáng lo ngại như quá đau đớn hoặc chảy máu quá nhiều, thì không cần phải lo lắng.
Tuy nhiên, nếu kinh nguyệt kéo dài quá 7 ngày hoặc đột nhiên xuất hiện nhiều thay đổi về thời gian xuất hiện kinh nguyệt trong ít nhất 3 chu kỳ liên tiếp, thì bạn nên đi khám bác sĩ.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến kinh nguyệt kéo dài bất thường.
Rất nhiều nguyên nhân khiến kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường. Ảnh: Getty. |
Sử dụng vòng tránh thai
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến những ngày đèn đỏ kéo dài là đặt vòng tránh thai trong tử cung. Vòng tránh thai có 2 loại chính: không chứa hormone và có chứa hormone. Cả 2 loại đều có khả năng khiến kinh nguyệt kéo dài, đặc biệt là giai đoạn mới đặt vòng. Thực chất, kinh nguyệt kéo dài là một trong những tác dụng phụ của vòng tránh thai không chứa hormone. Vòng tránh thai chứa hormone được cho là có thể rút ngắn thời gian hoặc thậm chí khiến kinh nguyệt không xuất hiện. Tuy nhiên, loại vòng này vẫn có thể khiến kinh nguyệt kéo dài và chảy máu nhiều hơn trong một số chu kỳ đầu tiên sau khi đặt. Điều cần lưu ý là nếu kinh nguyệt không quay trở lại bình thường sau 3 chu kỳ, bạn nên đi khám bác sĩ vì có thể vòng tránh thai bị lệch khỏi vị trí hoặc không phù hợp với cơ thể.
Mang thai
Nghe có vẻ kỳ lạ vì chúng ta vẫn biết rằng một trong những dấu hiệu mang thai là kinh nguyệt không xuất hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khá phổ biến khiến kinh nguyệt trở nên bất thường, trong đó có hiện tượng chảy máu kéo dài, là mang thai. Do vậy, bất cứ khi nào bạn thấy hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường và nghi ngờ khả năng mang thai, bạn nên đi khám bác sĩ để làm những xét nghiệm cần thiết.
Sử dụng các biện pháp tránh thai có tác động tới hormone
Bất cứ tác động nào lên nồng độ hormone trong cơ thể đều có thể khiến kinh nguyệt kéo dài. Hiện có rất nhiều biện pháp tránh thai can thiệp tới hormone khác nhau, do đó bạn có thể lựa chọn những biện pháp khác nếu thấy một biện pháp cụ thể nào đó không phù hợp với cơ thể.
Sảy thai
Rất nhiều trường hợp sảy thai xảy ra khi người phụ nữ thậm chí chưa nhận ra rằng mình đã mang thai. Một dấu hiệu sảy thai là kinh nguyệt kéo dài và chảy nhiều máu. Thời gian đèn đỏ xuất hiện nên quay trở lại bình thường sau 1, 2 chu kỳ. Nếu kinh nguyệt kéo dài bất thường tới hơn 3 chu kỳ thì bạn nên đi khám bác sĩ. Cứ 1 trên 100 phụ nữ bị sảy thai lặp lại nên việc làm các xét nghiệm để chẩn đoán những vấn đề sức khỏe ảnh hưởng tới khả năng mang thai như lạc nội mạc tử cung là rất cần thiết. Lạc nội mạc tử cung cũng có thể khiến kinh nguyệt kéo dài.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng này đặc biệt nguy hiểm vì gây ảnh hưởng lên trung bình 10% phụ nữ trong độ tuổi mang thai và có thể gây vô sinh. Hội chứng này gây ảnh hưởng lên nồng độ hormone, gây tăng cân, lông tóc phát triển quá mức ở cả các bộ phận như mặt, ngực, tay chân và khiến kinh nguyệt kéo dài.
Bệnh tuyến giáp
Trung bình, cứ 1 trên 8 phụ nữ mắc bệnh nhược giáp tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tuyến giáp nằm ở cổ và kiểm soát các hormone có vai trò điều khiển rất nhiều bộ phận trong cơ thể, bao gồm tốc độ cơ thể đốt cháy calo, tốc độ nhịp tim, và cả kinh nguyệt. Khi nồng độ hormone tuyến giáp giảm có thể khiến kinh nguyệt kéo dài và chảy nhiều máu bất thường. Một trong những dấu hiệu khác của bệnh nhược giáp là tăng cân, mệt mỏi, rụng tóc.
Rối loạn máu
Kinh nguyệt kéo dài còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh rối loạn máu như rối loạn đông máu, hoặc do cơ thể đang thiếu hụt một loại vitamin hoặc khoáng chất nào đó.
U xơ tử cung
U xơ tử cung là bệnh rất phổ biến ở phụ nữ. Trung bình, 80% phụ nữ có khả năng xuất hiện ít nhất 1 khối u xơ trước khi 50 tuổi. Căn bệnh này không quá nguy hiểm như ung thư và cũng không có biểu hiện rõ ràng, và một trong những biểu hiện là kinh nguyệt kéo dài. Trong những trường hợp các khối u gây đau đớn hoặc phát triển quá mức, bác sĩ sẽ xem xét phương án phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Ung thư cổ tử cung
Kinh nguyệt kéo dài hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu bất thường giữa 2 chu kỳ kinh nguyệt đều là các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung.
Giai đoạn mãn kinh
Mãn kinh nghĩa là kinh nguyệt không xuất hiện trong ít nhất 12 tháng, xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi khoảng 50. Tuy nhiên, cơ thể bắt đầu giảm nồng độ hormone nữ giới thậm chí từ những năm 35 tuổi. Khi điều này xảy ra, bạn có thể thấy hiện tượng kinh nguyệt kéo dài hơn hoặc rút ngắn đi, chu kỳ kinh nguyệt thất thường hơn. Những trường hợp mãn kinh sớm thậm chí còn có thể xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi ngoài 20, 30. Do đó, bạn nên đi khám bác sĩ nếu trong gia đình có tiền sử mắc bệnh này hoặc bạn có những dấu hiệu khác của mãn kinh như đời sống tình dục suy giảm, mất ngủ.