Zing.vn trích dịch bài viết trên BBC, đề cập đến vấn đề con người ngày càng mất niềm tin về những gì họ thấy trên mạng xã hội. Điều này có thể xuất phát từ sự thiếu trung thực, quảng cáo "không có tâm"... của một bộ phận influencer hoặc KOL, tức nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Tháng 7 vừa qua, Tiffany Mitchell - blogger về lối sống đến từ Nashville, Mỹ - đăng tải một số hình ảnh cô nằm bên vệ đường và nói rằng mình bị tai nạn môtô.
Tuy nhiên, sau rất nhiều lời hỏi thăm, động viên đến từ hơn 200.000 follower của Mitchell, những bình luận nghi ngờ cô "sống ảo", "nói dối" bắt đầu xuất hiện.
Làn sóng chỉ trích blogger người Mỹ nổ ra khi Buzzfeed đăng tải bài viết về sự việc.
Theo đó, hàng loạt thắc mắc được chỉ ra như các bức ảnh "đẹp quá mức cần thiết" khi chỉ ghi lại hiện trường vụ tai nạn trên đường.
Tiffany Mitchell dường như có nhiều hơn một chiếc mũ bảo hiểm. Máu ở đâu? Tại sao nữ blogger phải nhắc tên thợ xăm hình cho mình trong bài đăng? Và chi tiết đáng chú ý nhất là một chai nước có nhãn hiệu xuất hiện nổi bật trong khung hình.
Mitchell bị tố dàn dựng vụ tai nạn. Cô thậm chí nhận nhiều lời dọa giết từ những người quá khích.
Tiffany Mitchell vấp phải nghi án "sống ảo" khi chia sẻ bức ảnh và nói mình bị tai nạn xe máy. Ảnh: Lindsey Grace Whiddon. |
Nhiếp ảnh gia Lindsey Grace Whiddon - bạn thân Tiffany Mitchell - có mặt bên nữ blogger vào "hôm xảy ra tai nạn".
"Xem lại các bức ảnh, tôi có thể hiểu vì sao nhiều người lại nghĩ sự việc được dàn dựng. Nếu không có mặt ở đó, tôi cũng khó tin rằng chúng thực sự xảy ra", Whiddon nói.
Nữ nhiếp ảnh gia cam đoan sự việc không phải là một màn kịch. Cô bạn Tiffany Mitchell cũng không hề biết ảnh được chụp lại cho tới vài tiếng sau đó.
Mitchell sau đó đã gỡ bài đăng và tải lên một video để bảo vệ chính mình.
Nữ blogger nói rằng bạn trai James Cloninger của mình đã qua đời trong một tai nạn môtô vào năm 2016. Với cô, đây là nỗi mất mát lớn còn dai dẳng đến giờ.
Tiffany Mitchell phủ nhận việc dàn dựng vụ tai nạn. Cô giải thích mình ngã xe do vào cua gấp trên con đường ở tiểu bang Tennessee.
Sau khi bị nhiều người chỉ trích, thậm chí nhắn tin dọa giết, nữ blogger người Mỹ gỡ bài đăng. Tuy nhiên, cô một mực khẳng định mình không dàn dựng vụ tai nạn. Ảnh: Tanya Chen. |
Nữ blogger cùng cô bạn nhiếp ảnh gia đã gửi một số tấm hình chưa được công bố tới BBC cho thấy cảnh sát và xe cứu thương xuất hiện sau khi tai nạn xảy ra. Qua kiểm tra dữ liệu, các bức ảnh được xác định là bản gốc.
Mitchell cho biết xe cứu thương được người đi đường gọi giúp và các vết thương của cô đã được băng bó lại. Tuy nhiên, cô từ chối đến bệnh viện vì không có biểu hiện bị chấn động nào vào thời điểm đó.
Về hai chiếc mũ bảo hiểm xuất hiện trong hình, nữ blogger giải thích một thuộc về mình, chiếc còn lại của bạn của cô - người đàn ông ở cạnh Mitchell trong ảnh.
"Tôi không hiểu sao một số người lại tin rằng tôi dàn dựng tai nạn để gây chú ý và quảng cáo cho nhãn hàng nào đó. Tôi luôn thành thật 100% về sự hợp tác của mình với các thương hiệu và sẽ thông báo cho người hâm mộ biết điều đó", Mitchell khẳng định.
Sau đó, đại diện SmartWater - thương hiệu nước đóng chai xuất hiện trong ảnh của Tiffany Mitchell - cũng tuyên bố không ký bất cứ hợp đồng nào với nữ blogger.
"Thật buồn khi nhiều người mù quáng tin vào những gì họ đọc được trong bài viết xuất bản mà không được sự đồng ý của tôi. Họ chỉ biết tấn công người thực sự gặp tai nạn và đang bị chấn thương", Tiffany Mitchell nói.
Dân mạng hoài nghi về các bài đăng trên mạng ảo
Người tin tưởng, kẻ ngờ vực những khía cạnh khác nhau trong câu chuyện của Tiffany Mitchell. Tuy nhiên, phản ứng trái chiều cho thấy con người ngày càng hoài nghi về những gì họ thấy trên mạng xã hội.
Một ví dụ về chuyện influencer và KOL không thành thật tuyên bố với follower bài đăng của mình nhằm quảng cáo cho nhãn hàng, thay vì xuất phát từ sở thích cá nhân, là Jemma Lucy - ngôi sao truyền hình thực tế người Anh.
Lucy bị Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo (ASA) cấm quảng cáo kiếm tiền sau khi tiết lộ tại trang cá nhân rằng bản thân đang uống loại cà phê giảm cân trong thời gian mang thai.
ASA cho biết bài đăng vi phạm nhiều quy tắc, bao gồm khuyến khích các hoạt động không an toàn trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, đây không được xác định là bài viết quảng cáo. Lucy nói mình không hề được trả tiền.
Việc một số cá nhân giả bộ ký hợp đồng quảng cáo với các thương hiệu rồi vô tư đăng bài "PR fake" tại trang cá nhân được gọi là "street cred".
Họ làm vậy bởi cho rằng việc càng có nhiều nhãn hàng tìm đến càng chứng tỏ họ là người có danh tiếng.
Ngôi sao truyền hình thực tế người Anh bị "tuýt còi" vì nghi ngờ quảng cáo cà phê giảm cân khi đang mang thai. Ảnh: Jemma Lucy. |
"Người xem nói rằng họ luôn muốn thấy sự thật. Tuy nhiên, khi đề cập tới các nội dung được hiển thị trên new feed, những gì họ chọn là 'phiên bản đẹp đẽ' của thực tế", Sara Tasker, - người nghiên cứu về Instagram và tác giả của Hashtag Authentic - nói.
"Họ không muốn thấy cảnh dọn dẹp, con mèo ốm nhom hay bồn rửa bẩn thỉu trong bếp".
Người nổi tiếng liên tục chạy các thuật toán của Instagram để tăng lượng follower và giúp họ có được nhiều hợp đồng quảng cáo hơn. Đây là một cuộc cạnh tranh phổ biến.
"Từ quan điểm của influencer, bạn muốn đăng tải những thứ mà người xem muốn thấy bởi nó càng lan truyền mạnh hơn khi càng nhiều cá nhân xem được. Influencer cũng trải qua thời gian khó khăn hơn so với celeb để có được lòng tin từ đám đông", bà Sara Tasker nói.
Nữ chuyên gia cho rằng không công bằng khi nói những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội không có tài cán gì ngoài việc sáng tạo nội dung.
Theo kinh nghiệm của bà, người nổi tiếng còn tệ hơn khi không tiết lộ về việc quảng cáo cho các thương hiệu và lừa dối fan, thế nhưng họ không phải chịu trách nhiệm về điều đó.
Việc "bị bóc mẽ" dường như không gây tổn hại nào tới blogger Tiffany Mitchell khi số lượng follower cô tăng thêm vài nghìn so với tháng trước.
"Tôi sẽ tiếp tục chia sẻ bài viết như vẫn làm từ trước và có trách nhiệm nhất có thể với mọi từ ngữ và hình ảnh của mình", cô nói.