Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kpop 'làm ngơ' hành vi bắt chước phong cách để bành trướng rộng hơn

Ca sĩ, nhóm nhạc tại châu Á có phong cách tương tự thần tượng Hàn Quốc có thể bị coi là đạo nhái, bắt chước. Song, đó cũng được coi là cách khiến Kpop có sức ảnh hưởng lớn hơn.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, lý giải vì sao các nhóm nhạc Kpop, công ty âm nhạc tại Hàn Quốc thường "nhắm mắt làm ngơ" khi có nhiều ca sĩ, ban nhạc tại các nước khác thường bắt chước theo phong cách, ngoại hình, trang phục của họ.

Nhóm nhạc Ballistik Boyz đến từ Nhật Bản đã trở thành chủ đề bàn tán tại Hàn Quốc vào năm ngoái sau khi album đầu tay mang tên nhóm đạt thứ hạng cao nhất tại bảng xếp hạng âm nhạc Oricon ở xứ hoa anh đào.

Trong khi một số fan hâm mộ chúc mừng chiến thắng, nhiều khán giả chỉ trích nhóm bắt chước phong cách, hình ảnh của nhóm nhạc nam BTS của Kpop. Ngay cả tên viết tắt của nhóm - BTZ - cũng na ná giống tên của boyband nổi tiếng hàng đầu hiện nay.

Đặt lên bàn cân so sánh, Ballistik Boyz có nhiều điểm tương đồng với nhóm nhạc đàn anh, từ tên tuổi, số lượng thành viên đến phong cách âm nhạc.

Cả hai nhóm đều có 7 thành viên, bao gồm 3 rapper và 4 giọng ca chính. Âm nhạc chủ đạo mang màu sắc hip hop. Chưa kể đến ngoại hình, trang phục, kiểu tóc, khán giả còn chỉ ra vô số điểm mà nhóm nhạc Nhật Bản “đạo nhái” theo BTS.

Kpop cũng bắt chước nền âm nhạc khác

Kể từ khi làn sóng Hallyu bắt đầu xâm chiếm ra ngoài biên giới Hàn Quốc vào giữa những năm 2000, khán giả có thể bắt gặp các nhóm nhạc, ca sĩ có phong cách na ná Kpop ở nhiều quốc gia khác.

Nhóm AOS tại Trung Quốc và ban nhạc Candy Maifia ở Thái Lan chỉ là số ít ví dụ.

Trên thực tế, nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc có bắt chước và pha trộn âm nhạc từ các nước khác như Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác. Mục đích của hành động này là phát triển những đặc điểm riêng biệt, thế mạnh của mình như kết hợp nhiều thể loại nhạc khác nhau và nhấn mạnh vào vũ đạo, MV ca nhạc.

Theo lý giải của Korea Times, mô phỏng theo là hiện tượng thấy thường xuyên trong lịch sử văn hóa đại chúng, vì vậy các thương hiệu của Kpop hiếm khi có hành động chống lại hành vi copycat (bắt chước, đạo nhái).

Còn những người hoạt động trong ngành công nghiệp này cho biết có một lý do đằng sau khác.

“Các thương hiệu âm nhạc tại Hàn có xu hướng tin rằng việc những nhóm nhạc khác copycat hình ảnh của họ chứng minh cho sức ảnh hưởng và mức độ phủ sóng của Kpop”, Lee Gyu-tag, Giáo sư Nghệ thuật tại Đại học Hàn Quốc George Mason, đánh giá.

“Các nhóm nhạc ra đời sau thường không thể đánh bại hoặc thay thế các nghệ sĩ Kpop về âm nhạc và những yếu tố khác. Song, nỗ lực mô phỏng của họ cho thấy Kpop là thể loại nhạc chất lượng và độc đáo”, vị giáo sư nói thêm.

Miễn phí đi đôi với phủ sóng

Theo ông Lee, các công ty âm nhạc Hàn Quốc cũng “nhắm mắt làm ngơ” trước các vi phạm bản quyền hoặc hình ảnh với lý do tương tự.

“Họ nghĩ rằng nội dung âm nhạc có thể đến được với nhiều người hơn nếu bỏ qua vi phạm trên các nền tảng như YouTube và Twitter”, ông nói.

Trên thực tế, Hani, thành viên nhóm EXID bất ngờ được công chúng chú ý hơn sau một video ghi lại cảnh cô biểu diễn được fan đăng tải lên YouTube và nhận về nhiều lời khen.

Về cơ bản, người hâm mộ đã vi phạm bản quyền hình ảnh ngôi sao khi chia sẻ lên mạng mà không có sự cho phép. Song, công ty chủ quản của Hani không có động thái gì vì nó đã giúp nữ ca sĩ nổi tiếng hơn.

bat chuoc nhom nhac kpop anh 5

Trên mạng xã hội và nhiều nền tảng khác, Kpop đang chứng minh sức mạnh khi có lượng khán giả theo dõi đông đảo. Ảnh: YouTube.

“Mặt khác, các nhà chức trách cũng có quan điểm rằng việc phổ biến các sản phẩm Kpop miễn phí sẽ đem lại sức phủ sóng lớn hơn. Niềm tin ấy không phải không có cơ sở, khi nội dung liên quan đến Kpop thống trị nhiều nền tảng trực tuyến phổ biến hiện nay và thu hút lượt theo dõi khổng lồ mỗi ngày”, vị giáo sư phân tích.

Còn với các nhóm nhạc ở châu Á theo đuổi hình ảnh giống nghệ sĩ Hàn Quốc, ông Gyu-tag cho hay họ “chưa có đủ khả năng vượt trội so với các ban nhạc Kpop”.

“Trong 20 năm, một số người từng tuyên bố Kpop sẽ chùn bước sau khi thị trường âm nhạc ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan mở rộng. Tuy nhiên, để dẫn đầu, các quốc gia này cần đáp ứng các điều kiện chính trị và kinh tế”.

“Trung Quốc có tiền, nhưng thị trường kiểm duyệt gắt gao. Các nghệ sĩ Nhật Bản có nhiều tự do hơn nhưng không cố gắng vươn ra ngoài thị trường quốc tế bởi chủ yếu muốn đáp ứng khán giả trong nước. Còn các nước Đông Nam Á vẫn chưa đủ tiềm lực tài chính để thúc đẩy ngành công nghiệp âm nhạc của riêng họ”, ông kết luận.

Người Hàn độc thân xem video 'hạnh phúc vợ chồng' để bớt cô đơn

Các clip miêu tả khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân như vợ chồng đi trăng mật, cùng có con được thế hệ trẻ lười yêu tại Hàn tìm xem để vơi bớt sự buồn chán.

Trà My

Bạn có thể quan tâm