Trung Đông là lãnh thổ ít được nghệ sĩ Kpop quan tâm. Các ngôi sao Kpop thường xuyên biểu diễn ở châu Á, châu Mỹ và châu Âu, nhưng hiếm khi đến các nước Hồi giáo vì khác biệt văn hóa. Tuy nhiên, đây là câu chuyện của quá khứ.
Hàng loạt sự kiện âm nhạc và lễ hội Kpop diễn ra ở Trung Đông trong vài năm qua. Ngày 10/9, hơn 10 nghệ sĩ Kpop, bao gồm P1 Harmony biểu diễn tại sân vận động Etihad ở Abu Dhabi - một trong những địa điểm giải trí và âm nhạc mang tính biểu tượng nhất ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Ngày 30/9-1/10, sự kiện âm nhạc nổi tiếng KCON lần đầu tiên được tổ chức tại Boulevard Riyadh ở Ả Rập Xê Út. Sự kiện quy tụ các nhóm nhạc tên tuổi như New Jeans, ATEEZ, STAYC và The Boyz.
Thị trường tiềm năng cho Kpop
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Ả Rập Xê Út Badr bin Abdullah bin Mohammed bin Farhan Al Saud cũng có chuyến thăm đến Seoul vào tháng 6. Ông có cuộc gặp với Lee Soo Man, người sáng lập SM Entertainment - công ty quản lý của SNSD, EXO, NCT và aespa. Hai người thảo luận về sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa. Lee Soo Man nói với bộ trưởng ông muốn sản xuất âm nhạc cho Ả Rập Xê Út (Spop) và xây dựng hệ sinh thái văn hóa cho những người trẻ tuổi ở đó.
Tầm ảnh hưởng Kpop ở Trung Đông bắt đầu thể hiện rõ ràng từ năm 2019. Năm đó, BTS trở thành nghệ sĩ quốc tế đầu tiên tổ chức concert tại Sân vận động Quốc tế King Fahd ở Riyadh. Ba tháng trước đó, Super Junior là nghệ sĩ châu Á đầu tiên biểu diễn tại vương quốc này.
Lee Gyu Tag - phó giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học George Mason Hàn Quốc - dự đoán các ngôi sao Kpop ngày càng tích cực quảng bá ở nước Hồi giáo. Ông đánh giá đây là một thị trường âm nhạc tiềm năng.
Các thành viên BTS biểu diễn tại Sân vận động Quốc tế King Fahd ở Riyadh, Ả Rập Xê Út năm 2019. Ảnh: Big Hit Music. |
"Nhiều quốc gia ở Trung Đông có dân số trẻ, thích âm nhạc và văn hóa đại chúng. Họ cũng có sức mạnh kinh tế được thúc đẩy bởi xuất khẩu dầu", Lee Gyu Tag nói với The Korea Times.
Theo dữ liệu mới nhất của tổ chức tư vấn độc lập, Phòng thí nghiệm Chính sách Thanh niên, hơn 28% dân số Trung Đông (108 triệu người) ở độ tuổi 15-29. Nền tảng dữ liệu Statista tiết lộ Trung Đông chiếm 31,3% sản lượng dầu toàn cầu. Họ sản xuất 28,2 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2021.
Giáo sư giải thích: “Nếu một nhóm nhạc Kpop gây được tiếng vang lớn ở Trung Đông, họ có thể lan truyền tên tuổi đến những quốc gia Hồi giáo khác trên thế giới. Việc đó giúp họ tăng sự hiện diện trên thị trường quốc tế. Tôi nghĩ Ả Rập Xê Út sẽ là điểm đến đầu tiên vì đây là một trong những quốc gia Trung Đông đi đầu trong lĩnh vực văn hóa".
Năm 2016, Ả Rập Xê Út công bố Tầm nhìn Ả Rập Xê út 2030 - kế hoạch cải cách kinh tế và xã hội nhằm giảm sự phụ thuộc của đất nước vào dầu thô. Bộ trưởng Văn hóa Ả Rập Xê-út nói với tờ The Korea Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây, mục tiêu của bộ là đưa ngành văn hóa đóng góp hơn 23 tỷ USD vào nền kinh tế năm 2030.
Tiềm năng đi cùng rủi ro
Với các quốc gia Trung Đông, việc mở cửa tiếp cận Kpop là một phương tiện để thúc đẩy nền văn hóa và giải trí của họ, Eum Ik Ran, giáo sư tại Đại học Dankook nhận định.
"Để chuẩn bị cho tình trạng cạn kiệt dầu có thể xảy ra, các nước Trung Đông đã tìm cách đa dạng hóa kinh tế bằng cách phát triển các ngành công nghiệp khác ngoài dầu mỏ, chẳng hạn văn hóa, du lịch và tài chính", Eum Ik Ran nói với The Korea Times.
"Các quốc gia này đang tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc Hàn Quốc để loại bỏ hình ảnh bảo thủ và cho thế giới thấy họ đã cởi mở hơn. Họ tin cách tiếp cận đó có thể giúp thu hút nhiều khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài hơn", Eum Ik Ran nhận định.
Chuyên gia tiếp tục: "Thay vì đặt ra nhiều hạn chế với những người trẻ tuổi và yêu cầu họ tuân theo thuyết Wahhabism - một phong trào cải cách Hồi giáo không khoan dung, phản đối tất cả hành động không được Kinh Qur'an chấp nhận - giờ đây, họ đang mở các cánh cửa. Họ muốn đạt được quyền lực mềm và phổ biến văn hóa. Trước đây, các nước Trung Đông chú trọng nhiều hơn đến quyền lực cứng xuất phát từ kinh tế và quân sự. Nhưng ngày nay, họ đang chuyển sang ưu tiên quyền lực mềm, tham gia cuộc chiến giành ưu thế trong lĩnh vực văn hóa để trở thành trung tâm văn hóa".
Nhóm nhạc nữ New Jeans biểu diễn tại KCON được tổ chức ngày 30/9 và 1/10 tại Boulevard Riyadh ở Ả Rập Xê Út. Ảnh: ADOR. |
Tuy nhiên, việc chinh chiến ở thị trường Trung Đông cũng tồn tại nhiều rủi ro vì tôn giáo và khác biệt văn hóa. Hai chuyên gia nhấn mạnh các ngôi sao Kpop cần hiểu và tôn trọng văn hóa Hồi giáo nếu không muốn vướng rắc rối.
Năm 2015, nhóm nhạc nam Kpop B1A4 gây tranh cãi sau khi ôm hôn fan nữ Malaysia trong buổi biểu diễn ở quốc gia Đông Nam Á. Nhiều người dân địa phương khẳng định các cô gái bị quấy rối bởi nhóm nhạc Kpop. Truyền thống của người Hồi giáo là cấm phụ nữ đội khăn trùm đầu tiếp xúc thân thể với người đàn ông không quen biết ở nơi công cộng.
"Có vẻ ngành công nghiệp Kpop cần nhiều chuyên gia Trung Đông hơn. Họ là những người hiểu biết rộng rãi về văn hóa Hồi giáo và thông thạo tiếng Ả Rập. Vì tôn giáo không thể tách rời chính trị ở nhiều quốc gia này nên các công ty giải trí nên cẩn thận vạch ra kế hoạch trước khi thâm nhập thị trường. Qua đó, họ có thể đối phó với các quy định và rủi ro bất ngờ ập đến do vấn đề tôn giáo gây ra", chuyên gia bày tỏ.
Eum Ik Ran nói thêm Kpop nên hạn chế hoạt động thương mại quá mức. Chuyên gia giải thích: "Nhiều người yêu Kpop vì nó có âm thanh và vẻ ngoài khác với thể loại âm nhạc họ quen thuộc. Nhưng thực tế rất nhiều công ty quản lý chỉ coi những nhóm nhạc như một cái máy và sản xuất các bài hát theo hướng công nghiệp. Âm nhạc kiểu này chỉ được người trẻ yêu thích. Vì sự bền vững của ngành công nghiệp âm nhạc, các công ty cần đưa ra nhiều chiến lược hơn để nhắm đến mọi thế hệ khán giả".