Đây là nội dung gây sốc đối với nhiều người trong buổi hội thảo khoa học "Đào tạo kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", diễn ra tại ĐH Tài chính - Marketing sáng 26/10.
Kỹ năng mềm không gắn với giá trị sống đúng sẽ rất nguy hiểm
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Đệ, ĐH Văn Lang, TP.HCM, đặt vấn đề có hay không việc chạy theo guồng quay kỹ năng mềm, học kỹ năng nào để có nhiều lợi ích mà bỏ quên giá trị đạo đức khác.
“Ngày nay, nhiều vấn đề rất nóng như chạy chức, chạy quyền, chạy việc, đạo văn, thuê người viết báo cáo, bài báo khoa học, có phải là kỹ năng mềm hay không? Nếu không thì đó là kỹ năng gì?”, ông Đệ đặt câu hỏi.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiền, ĐH Tài chính - Marketing, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Nhật. |
Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiền, ĐH Tài chính - Marketing khẳng định việc chạy chức, quyền, chạy việc, đạo văn cũng là một loại kỹ năng mềm. Nói cách khác, đó là kỹ năng sống trong môi trường công việc, là kỹ năng cần có với mỗi người. Điều quan trọng là chủ thể vận dụng kỹ năng định nghĩa như thế nào về giá trị, mục đích sống và sự thành công là gì. Tùy giá trị mỗi người theo đuổi, họ sẽ vận dụng kỹ năng mềm mình có được để phục vụ cho mục đích họ muốn.
"Hiện nay, nhiều cá nhân trong xã hội chỉ biết xem trọng, đặt nặng tiền tài vật chất. Khi đó, thành công của họ không còn là lợi ích của xã hội”, thạc sĩ Hiền nói.
Đừng để thất bại trong suy nghĩ
Ông Đỗ Thanh Năm, Hội doanh nghiệp quận Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ câu chuyện vận dụng kỹ năng mềm của mình thời còn là sinh viên. Theo ông, khả năng vươn lên rất quan trọng, đôi khi sẽ quyết định số mệnh của mỗi người trong nghịch cảnh.
Ông Đỗ Thanh Năm chia sẻ góc nhìn từ phía doanh nghiệp. Ảnh: Minh Nhật. |
Thời sinh viên, ông Năm cùng bạn bè kiếm tiền bằng cách đi dạy kèm. Sau đó, ông nhận ra rằng gia sư không giúp ích gì cho công việc tương lai. Ông quyết tâm xin việc làm thử để học hỏi kinh nghiệm.
“Tôi cùng bạn mang hồ sơ đi khắp nơi. Các bạn chắc không thể hình dung những năm 90 là thời kỳ chuyển từ kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, sinh viên đi xin việc doanh nghiệp rất khó khăn. Cả một ngày đi, đến tối, chúng tôi vẫn không xin được việc. Ngày hôm sau, bạn tôi bỏ cuộc, quay lại con đường dạy kèm nhưng tôi nhất quyết không", ông Năm kể.
Hôm sau, ông quay lại tìm người quản lý của trung tâm dịch vụ mà hôm qua tôi đã gặp để xin việc. Ông Năm muốn trao đổi ý tưởng về việc kinh doanh. "Tôi nói có chiếc xe đạp, có thể chở hàng đi giao tận nhà cho khách, như thế sẽ bán được nhiều hàng hơn", ông Năm kể lại.
Theo ông Năm, ý chí vươn lên, không sợ thất bại cũng là một loại kỹ năng mềm có thể tôi luyện. Thầy giáo trong trường phải khơi gợi, khuyến khích để sinh viên phát huy điều đó.
“Khi giao đề tài, dự án cho sinh viên, tôi nói chỉ em mới làm được đề tài này và làm thành công. Sinh viên lao đầu vào làm ngày, làm đêm và thành công. Đó cũng là kỹ năng mềm khi đi dạy. Trao đổi ý tưởng mới với cấp trên, tôi không nói mình có ý này, mà bảo rằng nhiều người bàn về vấn đề này, anh A, chị B có nói thế này…. Đó cũng là kỹ năng mềm. Tôi cho rằng kỹ năng mềm luôn đi cùng kỹ năng cứng và nếu ai vận dụng được điều này thì sẽ thành công”, ông Năm nói.