Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỹ năng phòng chống cướp giật trên phố

Tội phạm ở Sài Gòn đang gây bất an cho người dân. Zing.vn giới thiệu bài viết của ông Đoàn Văn Báu-TS Tâm lý học, ĐH An ninh Nhân dân về những kỹ năng phòng chống cướp giật.

Để bảo đảm an toàn khi di chuyển trên đường phố, người đi đường cần trang bị một số kỹ năng phòng, chống hành vi cướp giật tài sản sau:

Kỹ năng phòng ngừa trước khi ra đường

Hạn chế đeo các loại trang sức đắt tiền như dây chuyền, vòng đeo tay... khi ra đường. Nếu cần thiết phải đeo, khi di chuyển bằng xe máy cần phải mặc áo khoác che kín trang sức, tránh bị kẻ xấu phát hiện hoặc gây khó khăn, vô hiệu hóa hành vi cướp giật.

Nếu đi ôtô cần phải dự tính được địa điểm đến, xác định điểm dừng đỗ an toàn để tránh cướp giật hoặc yêu cầu người cùng đi chú ý bảo vệ.

Hiệp sĩ bắt cướp giật trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: C.T

'Hiệp sĩ' Sài Gòn nhận 10 cuộc gọi báo cướp mỗi ngày

"Hiệp sĩ" Nguyễn Việt Sin cho biết có ngày anh và nhóm nhận hơn 10 cuộc gọi trình báo cướp giật, trộm tài sản đề nghị được giúp đỡ. Tội phạm luôn thủ sẵn "hàng nóng" rất nguy hiểm.

Nếu sử dụng ĐTDĐ, iPad... cần chú ý kích hoạt các chức năng bảo mật như mật khẩu, định vị, tìm kiếm... để giúp cơ quan chức năng xác định vị trí, thu hồi hoặc vô hiệu hóa thiết bị bị cướp giật.

Khi ra đường đi bộ, nếu cần mang theo túi xách, ví cầm tay có chứa tài sản giá trị hoặc giấy tờ quan trọng cần đeo chắc chắn trước bụng hoặc bên tay phải theo hướng di chuyển, bỏ vào túi áo khoác...

Nếu di chuyển bằng xe máy nên bỏ túi xách, ví vào cốp xe, nếu xe không có cốp nên để ở phía trước, buộc chặt, dùng áo khoác, áo mưa trùm lên. Không nên đeo túi xách sau lưng hoặc treo bên trái xe theo hướng di chuyển.

Nếu di chuyển bằng ôtô một mình nên để túi xách ở ghế phụ, chú ý khóa khóa cửa nếu xe không có chế độ tự động khóa, tránh trường hợp đối tượng lợi dụng đường đông, mở cửa để giật.

Kỹ năng phòng, chống cướp giật khi di chuyển

Nếu đi bộ nên đi ngược chiều với hướng di chuyển của các phương tiện lưu thông, chú ý đi sâu vào phía trong vỉa hè, tránh xa làn đường dành cho xe gắn máy. Cần chú ý những người di chuyển bên cạnh và phía sau (nhiều trường hợp kẻ gian xuống xe di chuyển theo người đi bộ, giật tài sản rồi lên xe máy tẩu thoát).

Cướp giật uy hiếp người dân Sài Gòn

Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo ngành công an triệt phá nhưng nạn cướp giật ở Sài Gòn vẫn uy hiếp người dân từng ngày và luôn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người.

Nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi cần đi thật nhanh đến chỗ đông người hoặc vào cửa hàng, quán ăn để kẻ xấu không thể ra tay. Khi cần nghe điện thoại nên dừng lại, quan sát xung quanh, di chuyển đến vị trí an toàn hơn, vừa nghe điện thoại vừa đề phòng cướp giật.

Nếu di chuyển bằng xe máy, trước hết cần phải tuân thủ luật giao thông đường bộ, di chuyển đúng làn đường, dừng xe đúng vạch quy định. Nếu phát hiện có đối tượng di chuyển ngay phía sau hoặc bên trái khả nghi có thể bất ngờ tăng tốc. Quan sát kính chiếu hậu, nếu nghi can di chuyển theo, nếu xác định chắc chắn là kẻ cướp giật nên tấp vào lề hoặc tạm thời dừng xe ở địa điểm an toàn để tránh bị xâm hại.

Không nên vừa chạy xe vừa nghe điện thoại, kể cả người ngồi phía sau. Cần phải tìm vị trí an toàn, tấp vào lề đường, dựng xe, bước hẳn xuống, quan sát xung quanh, khi đảm bảo an toàn mới nghe điện thoại.

Cần chú ý cảnh giác tại thời điểm mới lên xe, chuẩn bị khởi động máy và lúc dừng, tắt máy khi đến nơi. Đây là thời điểm các đối tượng cướp giật thường ra tay.

Nếu di chuyển bằng ôtô cá nhân hoặc taxi cần cảnh giác thời điểm lên và xuống, đây là thời điểm bọn cướp thường bám theo để ra tay. Trước khi lên xe, cần chú ý quan sát xung quanh, nếu thấy đối tượng khả nghi đang theo dõi hãy nhìn thẳng về phía chúng, vừa lên ôtô vừa nhìn để chúng không dám ra tay.

Trước khi xuống xe, cần phải quan sát xung quanh, cảm thấy an toàn mới bước ra, nhanh chóng di chuyển vào địa điểm cần đến.

Cẩn thận dùng điện thoại khi ra đường. (Ảnh minh họa)

Khi dừng ôtô ở đèn đỏ hoặc làn đường bị kẹt, nếu phát hiện có 2 xe máy dừng song song với cửa trước theo hướng di chuyển, nhiều khả năng đối tượng sử dụng thủ đoạn bẻ kiếng chiếu hậu. Cần phải chủ động, bấm cửa xuống một khoảng vừa đủ để có thể hô hoán người đi đường khi bị bẻ kính hoặc cũng là một động tác cảnh báo khiến đối tượng không dám ra tay.

Kỹ năng xử lý tình huống khi bị cướp giật

Nếu đang đi bộ mà bị cướp giật cần phải nhanh chóng phản xạ, cố gắng vừa chạy theo một đoạn ngắn vừa hô to "cướp, cướp" để người khác hỗ trợ. Nếu người dân hoặc lực lượng chuyên trách bắt được đối tượng, cần phải hợp tác với cơ quan công an để lấy lời khai, nhận lại tài sản.

Nếu đối tượng tẩu thoát, cần nhanh chóng trấn tĩnh để ghi nhớ biển số xe, đặc điểm nhận dạng nghi can. Sau đó cần trình báo ngay cơ quan công an. Phối hợp với công an sử dụng chức năng định vị, tìm kiếm điện thoại thông minh hoặc vô hiệu hóa thiết bị khi xét thấy không thể truy tìm.

Đang di chuyển bằng xe gắn máy bị cướp giật, nếu là 2 thanh niên thì nên truy đuổi, hô to "cướp, cướp" để người đi đường hỗ trợ. Người ngồi sau cần phải chú ý các đối tượng di chuyển phía sau làm nhiệm vụ cản địa, cảnh báo cho người cầm lái, kịp thời xử lý, chống trả khi bị đối tượng cản địa, đạp xe để tránh gây tai nạn.

Trinh sát tuần tra 24/24h ở khu trung tâm Sài Gòn

Công an quận 1 (TP HCM) cho biết, các trinh sát chia làm 4 ca, mỗi ca 6 cán bộ chiến sĩ luân phiên nhau có mặt 24/24h ở khu trung tâm để tuần tra, kiểm soát, săn bắt cướp giật.

Nếu xác định đúng kẻ làm nhiệm vụ cản địa, không cần tiếp tục truy đuổi người trực tiếp cướp giật mà quay sang khống chế kẻ cản địa, giao cho công an. Cho dù nghi can có chối cãi, nhận mình là người hỗ trợ truy đuổi cũng không nên để đối tượng đi mà cần phải chờ lực lượng công an đến hỗ trợ, xác minh.

Nếu di chuyển bằng xe gắn máy một mình mà bị cướp, chỉ truy đuổi khi xác định được không có đối tượng cản địa, phải làm chủ được tốc độ, vừa đuổi theo vừa hô to "cướp, cướp". Nếu nghi can tẩu thoát, nhanh chóng đến cơ quan công an trình báo để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Trong trường hợp bị dàn cảnh gây tai nạn, đánh nhau, đánh ghen... cần phải bình tĩnh rút chìa khóa xe, bảo quản tài sản. Nếu đối tượng sử dụng vũ lực lập tức hô to "cướp, cướp" để nhận được sự hỗ trợ của người đi đường, không nên giải thích, phân bua với kẻ xấu.

Khi di chuyển bằng ôtô một mình, nếu bị đối tượng dàn cảnh tai nạn giao thông để trộm, cướp thì phải bình tĩnh để tài sản trong xe, khóa cửa rồi mới xuống giải quyết. Nếu đối tượng gây gỗ, dùng vũ lực thì nên hô to "cướp, cướp" để nhận được sự hỗ trợ của người đi đường.

Trong trường hợp bị đối tượng ép xe, bẻ kính chiếu hậu xét thấy an toàn mới truy đuổi, cần bấm cửa kính, hô to "cướp, cướp", bóp còi xe liên tục để người đi đường hỗ trợ. Không nên bất chấp, truy đuổi đối tượng dễ dẫn đến gây tai nạn.

Nếu đối tượng tẩu thoát cần nhanh chóng đến cơ quan công an trình báo. Nếu cần có thể tìm đến "chợ trời" để tìm chuộc lại kính xe, khi giao dịch cần bố trí phương tiện ghi âm, ghi hình làm bằng chứng tố giác hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cho cơ quan công an.

Nhận biết kẻ cướp giật như thế nào?

Theo "hiệp sĩ" Lâm Hiếu Long, những đối tượng cướp giật thường đi xe độ, thay đổi kết cấu, mặc áo dài tay và bịt kín mặt, khi di chuyển hay ngó ngang dọc. Những người này thường nhìn vào phụ nữ để quan sát "con mồi" có đeo nữ trang hay điện thoại, giỏ xách trên người hay không. Nếu phát hiện nạn nhân có mang theo tài sản, các đối tượng cướp giật sẽ đứng quan sát xem có ai đi theo rồi ra tay chớp nhoáng. Những kẻ cướp giật chuyên nghiệp thường đi 2 xe máy để hỗ trợ nhau.

Hiện có thêm một dạng cướp mới là đi xe SH để ngụy trang, tránh sự đề phòng của người dân cũng như công an. Bên cạnh đó, một loại tội phạm nguy hiểm không kém là dàn cảnh cướp tài sản. Nhóm này thường tập trung 8-10 người, cả trai lẫn gái đi trên đường cười đùa, khiến nhiều người không đề phòng. Khi khi phát hiện "con mồi", một người được phân công chạy lên va quẹt hoặc đạp xe cho nạn nhân té ngã. Sau đó, nhóm đi phía sau giả vờ đỡ nạn nhân dậy rồi lợi dụng sơ hở cướp xe bỏ chạy.

Còn "hiệp sĩ" Minh Tiến cho hay, việc nhận dạng được đối tượng cướp là cực kỳ khó, chúng ngụy trang rất giỏi, chỉ có những người trong nghề công an hay "hiệp sĩ" mới có khả năng nhận diện chính xác. Theo anh, hiện nay cướp được chia thành 2 loại: thứ nhất là chạy xe máy trên khắp các tuyến đường, phát hiện "con mồi" thì ra tay cướp giật; thứ hai là ngồi một chỗ tại các quán nước, trước trụ ATM, khi thấy nạn nhân rút tiền bước ra thì chúng sẽ bám theo, đợi thời cơ thích hợp ra tay.

Việc nhận diện tội phạm là rất khó, tuy nhiên theo anh Tiến, người dân cần lưu ý một số điểm sau: Luôn nhìn gương chiếu hậu xem có ai dõi theo mình qua nhiều tuyến phố hay không; khi dừng đèn đỏ chú ý xem có ai hay nhìn về phía mình; khi vừa ra khỏi trụ ATM hay vừa rút điện thoại trong bóp mà có người bên cạnh đứng dậy hoặc có hành động khả nghi thì phải đề phòng ngay.

Công an TP HCM tung nhiều lực lượng trấn áp tội phạm

Để kéo giảm tệ nạn cướp giật theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và chính quyền, Công an TP HCM tăng cường nhiều lực lượng ra quân trấn áp các loại tội phạm.

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu

Bạn có thể quan tâm