Sáng 23/9, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải trình về kỳ thi quốc gia chung trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Măc dù đồng tình với phương án thi của Bộ nhưng hàng loạt câu hỏi về cách thức tổ chức đã được các đại biểu quốc hội đặt ra.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong buổi giải trình sáng 23/9. |
Thi theo cụm: Đảm bảo công bằng, minh bạch?
Theo phương án của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ không do các địa phương chủ trì mà chia thành các cụm.
Việc tổ chức thi theo hình thức này khiến các đại biểu băn khoăn và đặt hàng loạt các câu hỏi như tiêu chí nào để lựa chọn các trường đại học đủ năng lực? Nếu xảy ra tình trạng tiêu cực vì có nơi không tổ chức nghiêm dẫn đến điểm thi chênh lệch, kết quả ở miền núi cao hơn Hà Nội thì xử lý như thế nào? Khi phát hiện sai phạm, Bộ có tổ chức thi lại để đảm bảo công bằng không?
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Luận cho biết việc thi theo cụm sẽ tổ chức liên tỉnh giống như tuyển sinh đại học bằng hình thức ba chung trong những năm qua. Trước đây, sau khi thi xong tốt nghiệp, học sinh phải đến các cụm để tiếp tục tham gia kỳ tuyển sinh. Nhưng với thay đổi này, thí sinh chỉ cần đi một lần đến cụm thi.
Về những băn khoăn xung quanh sự minh bạch, công bằng giữa các cụm thi, ông Luận khẳng định nếu không đổi mới kỳ thi này thì vẫn phải đảm bảo chất lượng mặt bằng giống nhau. Việc tổ chức thi vẫn còn một số nơi xảy ra sai sót như báo chí đã đưa tin nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt, còn phần lớn vẫn diễn ra nghiêm túc. Hơn nữa, việc giải quyết sai phạm sẽ phải bằng áp dụng nhiều giải pháp chứ không chỉ bằng một cơ chế đồng nhất.
Dự kiến, cả nước sẽ có khoảng 20 cụm thi. Cách thức tổ chức này đã được thực nghiệm, triển kha trong nhiều năm, nhận được sự đồng tình để có thể nhân rộng.
Khi giao cho các trường đại học chủ trì phụ trách các cụm thi thì đây sẽ là đơn vị có đủ năng lực, chịu trách nhiệm chính về sự nghiêm túc, công bằng, khách quan của kỳ thi. Và như vậy, không phải trường nào cũng được đứng ra chủ trì cụm thi. Bộ sẽ căn cứ vào năng lực của các trường (cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm tổ chức thi) để xác định cơ sở giáo dục nào được tham gia vào công tác này.
Đối với các địa phương không có cụm thi do đại học chủ trì, Bộ cũng sẽ tham gia thanh tra, cử các trường cùng giám sát để cố gắng có được kết quả tin cậy. Công tác tổ chức giám sát, thanh tra sẽ diễn ra rất chặt chẽ. Thậm chí, sau khi đã có kết quả, thanh tra vẫn tiếp tục làm việc. Nhiều trường hợp thí sinh đã trúng tuyển đại học nhưng khi bị phát hiện gian lận vẫn bị xử lý.
Với những học sinh ở vùng miền núi do địa bàn đi lại khó khăn, hoặc chỉ có mục tiêu đỗ tốt nghiệp sẽ được thi ở địa phương. Tuy nhiên, các em chỉ thi ở cụm địa phương vẫn có cơ hội được xét tuyển vào đại học vì sẽ có một số trường tuyển sinh chỉ dựa vào kết quả tốt nghiệp và học tập phổ thông.
Đề thi sẽ được thiết kế như thế nào?
Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu chất vấn đó là đề thi sẽ được thiết kế như thế nào để đạt được 2 mục đích vừa xét tuyển tốt nghiệp, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bộ trưởng cho hay không thể giải thích cụ thể được vì đó là bí mật quốc gia. Tuy vậy, ông khẳng định những thay đổi trong đề thi không làm cho các học sinh bị sốc, bất ngờ mà sẽ tác động tích cực giống như kỳ thi năm 2014.
Đề thi tiếp tục khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng một cách máy móc, sử dụng tài liệu mà chủ yếu kiểm tra năng lực của các em.
Đề thi sẽ tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực của học sinh - Ảnh: Tuấn Mark. |
Cụ thể, đề thi sẽ có định dạng tương tự tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, nhưng sẽ tăng cường câu hỏi mở. Đề thi cũng đảm bảo vừa có phần cơ bản để xét tốt nghiệp, vừa có phần phân hóa nhằm mục đích tuyển sinh đại học.
“Đây có phải là đổi mới cuối cùng không? Và liệu những năm tiếp theo có đổi mới kỳ thi nữa hay không?”, đó là câu hỏi băn khoăn của nhiều đại biểu đặt ra cho tư lệnh ngành giáo dục.
Với câu hỏi này, ông Phạm Vũ Luận chỉ cho biết khi chương trình, SGK mới được ban hành thì phương án thi sẽ được đổi mới 100%. Nhưng đối với các em học sinh đang theo học chương trình, SGK cũ thì không thể thi theo cách cũ mãi được, mà phải có sự đổi mới để đảm bảo nâng dần chất lượng giáo dục.
Ông đánh giá phương án thi của hai năm nay đều hướng tới mục tiêu đánh giá năng lực người học, việc đổi mới đã bước đầu thành công, được dư luận đồng tình.