Một kỳ thi hai mục tiêu
Sáng 29/7, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và phương hướng nhiệm vụ năm học mới.
Điểm đáng lưu ý trong hội nghị này đó là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã công bố 3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia chung nhằm xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ quan trọng cho việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Các phương án này sẽ được đưa ra để lấy ý kiến của dư luận sau đó sẽ quyết định chính thức vào thời điểm trước khi bắt đầu năm học mới.
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: "Phương án 1, 2 thực ra là một. Đó là không bắt học sinh phải thi tất cả các môn. Hai phương án này chỉ khác nhau ở điểm đó là học sinh được lựa chọn thi theo bài thay vì theo môn. Còn phương án 3 là theo nguyên lý học gì thi nấy".
Ông cho rằng Bộ GD-ĐT quyết định chọn phương án nào cần tính tới việc đổi mới toàn diện từ hệ thống, chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp giảng dạy, học tập và phải lâu dài.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị tổng kết năm học sáng 29/7 - Ảnh: An Hoàng. |
Phó thủ tướng cũng cho biết: "Kỳ thi quốc gia chung sẽ ra đề cho các học sinh rất bình thường cũng có thể tốt nghiệp". Quan trọng hơn, mục đích thứ hai của kỳ thi này sẽ cung cấp "số đo của từng học sinh" cho các trường đại học, cao đẳng để phục vụ công tác tuyển sinh.
Đó là số đo chuẩn kiến thức của học sinh từng môn, từng bài, từng ngành tự nhiên, xã hội, hoàn toàn không còn khái niệm tổng điểm, điểm chuẩn như hiện nay.
“Như vậy, việc lựa chọn phương án thi như thế nào phải phụ thuộc vào các trường đại học, cao đẳng cần chúng ta đánh giá gì về học sinh. Cụ thể, các trường muốn đánh giá từng môn riêng hay một bài thi chung như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội”, Phó thủ tướng chia sẻ.
Ông cũng chỉ ra ưu điểm của kỳ thi này: "Sau khi có kết quả, các trường đại học, cao đẳng sẽ dựa trên cơ sở đó để lựa chọn thí sinh phù hợp.
Điều đó tránh được tình trạng một học sinh 17-18 tuổi nhất là con nông nhân bắt buộc phải chọn trường trước khi thi mà chưa biết yêu cầu của trường đó như thế nào, thậm chí nằm ngoài khả năng của mình.
Như vậy, với đổi mới này, học sinh sẽ có nhiều cơ hội vào đại học hơn, nhất là các cháu nghèo, chưa có được sự định hướng của người lớn".
Cần duy trì kỳ thi chung nghiêm túc lâu dài
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước mắt kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng đều không thể bỏ: "Chúng ta có dám khẳng định các cơ sở giáo dục đều gương mẫu trong sạch, có thể tin tưởng vào học bạ của các thầy cô trên lớp? Và chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam tốt như các nước. Những người vào học và ra trường đều là xứng đáng? Kỹ sư ra kỹ sư, đại học ra đại học, thạc sĩ ra thạc sĩ?".
Vì vậy, việc tổ chức một kỳ thi chung sẽ đáp ứng hai mục tiêu trên sẽ giảm chi phí, tốn kém cho xã hội và áp lực không cần thiết cho thí sinh.
Theo đánh giá của các trường đại học, cao đẳng kỳ thi tuyển sinh hàng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức nghiêm túc, công bằng. Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung có kết quả đáng tin cậy như vậy cần được thực hiện lâu dài (Ảnh: Tuấn Mark). |
Tuy nhiên, để đạt được hai mục tiêu này, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam toàn ngành giáo dục phải tổ chức một kỳ thi quốc gia chung thực sự nghiêm túc, tạo được uy tín với xã hội và các trường đại học, cao đẳng.
"Nếu chúng ta làm tốt thì các trường đại học sẽ không tổ chức một kỳ thi riêng. Còn nếu các trường không tin vào kết quả của chúng ta thì vẫn phải tiếp tục tổ chức thi. Như vậy thì tác dụng của kỳ thi quốc gia cũng có nhưng sẽ ít đi", Phó thủ tướng bày tỏ.
Nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT tỏ ra lo ngại việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung sẽ gây khó khăn cho công tác coi, chấm thi..., ông Đam khẳng định: "Nếu khó khăn cho ngành giáo dục nhưng có lợi cho xã hội, cho học sinh chúng ta vẫn nên làm. Chúng ta phải đặt lợi ích của xã hội, của các cháu học sinh lên trước".
Phó thủ tướng cũng cho rằng việc tổ chức kỳ thi nghiêm túc ngành giáo dục đã từng làm nhưng chỉ trong vòng 1-2 năm sau đó lại như cũ. Vì vậy, đổi mới thi lần này cần phải quyết tâm thực hiện nghiêm túc trong thời gian dài.
Xem chi tiết ba phương án tổ chức kỳ thi quốc gia chung do Bộ GD-ĐT đề xuất TẠI ĐÂY.