Theo đề án này, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng liên tiếp nhau như hiện nay sẽ được thay bằng một kỳ thi quốc gia chung hỗ trợ cho cả hai mục tiêu trên.
Đề thi được thiết kế chủ yếu theo phương pháp trắc nghiệm khách quan, kết hợp một số câu hỏi tự luận ngắn cho các môn có nhu cầu bổ sung.
Kỳ thi này sẽ gồm ba môn đơn (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và hai bài kiểm tra kết hợp là Khoa học tự nhiên (bao gồm Vật lý, Hóa, Sinh ), Khoa học xã hội và nhân văn (bao gồm Văn, Sử, Địa, Chính trị).
Hiệp hội cũng đề nghị trước mắt nên tổ chức thi mỗi năm ít nhất 2 lần, tương ứng với các thời điểm đầu hai học kỳ của các trường đại học, trong tương lai có thể tăng thêm số lần thi.
Kết quả của kỳ thi này sẽ được sử dụng như sau: Thí sinh đạt điểm trung bình của 5 môn thi là cơ sở để xét trình độ tốt nghiệp THPT. Bảng điểm của các môn thi cho từng thí sinh là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển thí sinh vào ngành học mà họ xin dự tuyển.
Đối với một số trường đại học có yêu cầu đặc biệt hoặc yêu cầu cao hơn về chất lượng đầu vào có thể xem đây là điểm sơ tuyển. Trên cơ sở đó, các trường này có thể tổ chức thêm các kỳ thi về năng khiếu, kiến thức nâng cao, phỏng vấn để lựa chọn thí sinh.
Đề án này đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét và có văn bản chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tham khảo và khẩn trương xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2015.
Bộ GD-ĐT cần phải công khai phương án này vào đầu quý 3/2014 như kết luận của Thủ tướng chính phủ tại cuộc họp về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vào đầu năm 2014.