Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Vẫn canh cánh nỗi lo gian lận

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc phối hợp, chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ tiếp tục với một số điều chỉnh về kỹ thuật theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Kỳ thi diễn ra từ ngày 24 đến 27/6 tại tất cả tỉnh, thành phố. Mỗi tỉnh có một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp các trường ĐH, học viện, CĐ do bộ điều động.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp Sở GD&ĐT chuẩn bị tổ chức kỳ thi, trong đó ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương.

Chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tại tỉnh đảm bảo tổ chức thi và tuyển sinh an toàn, trung thực, khách quan. Các tỉnh có kế hoạch hướng dẫn và hỗ trợ để thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển thuận lợi, có phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra.

gian lan thi dai hoc anh 1
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Tiền Phong.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương chú trọng công tác vận chuyển, bảo quản đề thi và đảm bảo an toàn cho cán bộ các trường ĐH, CĐ tham gia tổ chức thi tại địa phương. Tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp tại tỉnh.

Ngay từ khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi “hai trong một”, nhiều ý kiến chuyên gia đã bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ gian lận, coi thi chỗ chặt chỗ lỏng dẫn đến mất công bằng cho thí sinh giữa các địa phương.

Cán bộ Khảo thí và kiểm định chất lượng của một địa phương chia sẻ dù điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhưng kỳ thi vẫn do con người điều hành, do đó vẫn sẽ có kẽ hở.

Ví như, việc sở GD&ĐT các tỉnh chủ trì phối hợp cán bộ các trường ĐH, sẽ có chuyện địa phương “mua chuộc” để được cán bộ coi thi coi lỏng, tạo điều kiện cho thí sinh làm bài. Trong khi đó, một số địa phương sẽ tổ chức thi nghiêm túc từ khâu coi thi, chấm thi dẫn đến việc mất công bằng giữa các thí sinh.

Cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, mới đây, đã chia sẻ trong hội thảo về kinh nghiệm tổ chức thi cũng cho rằng cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay sẽ dồn áp lực về cho địa phương, tạo ra kẽ hở để một số địa phương lợi dụng.

Cũng theo ông Dũng, cách thức tổ chức như hiện nay phân quyền không hợp lý, những người cố tình lợi dụng kẽ hở sẽ coi đây là cơ hội, còn đối với người làm nghiêm túc thì “áp lực kinh khủng”, và chuyện gian lận thi như ở Hòa Bình, Sơn La... có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Ông Dũng phân tích khi tổ chức thi, bộ lo không biết các địa phương tổ chức như thế nào, còn người giữ vai trò đứng đầu ngành giáo dục địa phương như ông lại lo các điểm thi trên địa bàn như thế nào. Bộ lo các điểm thi cách xa trung tâm như Tây Bắc, Tây Nguyên thì ông lại lo những điểm thi cách sở 50-70 km từ những khâu như bảo quản đề thi, bảo quản bài thi như thế nào.

TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nói từ những sai phạm của các địa phương trong kỳ thi năm 2018, bộ đã có một số điều chỉnh về kỹ thuật như lắp camera giám sát, các trường ĐH sẽ chấm bài thi thay vì sở GD&ĐT chấm thi như trước…

Tuy nhiên, theo ông Dong, các điều chỉnh này đều không đảm bảo sẽ có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc bởi cán bộ trường ĐH chấm thi cũng không khác cán bộ sở GD&ĐT, nếu bị lòng tham và đồng tiền mua chuộc. Việc lắp camera cũng có cách “lách” nếu những người làm thi ở đó có kế hoạch và cố tình vi phạm.

“Vì thế, chỉ có cách là tổ chức thi theo cơ chế khác mới bàn đến chuyện an toàn, nghiêm túc, còn tổ chức thi như hiện nay gian lận có thể xảy ra bất cứ nơi nào”, ông Dong nói.

Cũng theo ông Dong, từ kỳ thi năm 2018, một số địa phương xảy ra gian lận thi cử rúng động như vậy nhưng chưa thấy rõ trách nhiệm của những người đứng đầu. Thậm chí, có người còn né tránh báo chí, tránh dư luận từ đầu đến cuối sự việc.

Vì thế, trong năm nay, nên quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu ở địa phương, nếu địa phương nào để xảy ra sai phạm, tiêu cực sẽ bị xử lý một cách rõ ràng. Bởi vì, đội ngũ chưa trong sạch, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

“Việc quy trách nhiệm như vậy cũng sẽ khiến những người đứng đầu giám sát chặt chẽ quy trình và làm việc có trách nhiệm hơn”, ông nói.

Gian lận thi cử cần được xử lý theo đúng pháp luật Những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 là rất nghiêm trọng, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.

Những bài thi tự luận điểm cao sẽ mang ra chấm kiểm tra

Ở kỳ thi THPT quốc gia 2019, việc các địa phương được Bộ GD&ĐT giao chấm môn tự luận đã dấy lên lo ngại về viễn cảnh sửa điểm thi ở các môn này.

https://www.tienphong.vn/giao-duc/ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-van-canh-canh-noi-lo-gian-lan-1410690.tpo

Theo Nguyễn Hà / Báo Tiền phong

Bạn có thể quan tâm