Tại Bệnh viện E (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hiền (35 tuổi, ở Hải Dương) mới đây đã mổ thành công lấy thai nhi nặng 3,1 kg trong niềm vui không chỉ của chị và gia đình mà còn của tập thể bác sĩ, những người đã theo sát hành trình của chị trong suốt 6 năm.
Lần đầu tiên chị Hiền đến khám và điều trị tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, tức ngực, môi và đầu chi tím tái. Chị không thể làm việc. Thậm chí, nếu cố gắng làm việc chị sẽ bị ngất xỉu. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ Trung tâm tim mạch chẩn đoán bệnh nhân này mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp từ nhỏ với tình trạng thất phải hai đường ra, đảo gốc động mạch, teo phổi, thiểu sản tâm thất phải, cần được phẫu thuật. Trước đó, một số bệnh viện đã từ chối phẫu thuật vì nguy cơ tử vong cao. Tại Trung tâm tim mạch, các bác sĩ vẫn quyết định phẫu thuật giành lại sự sống cho bệnh nhân.
TS.BS Đỗ Anh Tiến, Phó khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực - Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, cho biết bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp dạng một tâm thất là nhóm bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp. Với dạng bệnh lý tim bẩm sinh, một tâm thất đủ kích thước và chức năng để bơm máu đi nuôi cơ thể thì chỉ có duy nhất một phương pháp điều trị, đó là phẫu thuật Glenn 2 hướng sau đó là phẫu thuật Fontan.
Vì vậy, GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E - cho hay việc nữ bệnh nhân này sinh con thành công là kỳ tích bởi mức độ phức tạp và nguy hiểm của căn bệnh khiến chị Hiền đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Việc lấy chồng và có con được xem là xa xỉ với nữ bệnh nhân này.
Niềm vui vô bờ bến của nữ bệnh nhân khi sinh con thành công. Ảnh: T.X. |
Ngày 27/8/2013, khi bệnh nhân 29 tuổi, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật Glenn 2 hướng. Ca mổ diễn ra thuận lợi, bệnh nhân phục hồi tốt. Vì thế, một năm sau, các bác sĩ Trung tâm tim mạch quyết định phẫu thuật Fontan cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không còn bị tím tái, cơ thể hết mệt mỏi, trở lại cuộc sống và lao động bình thường.
Sau ca mổ, các bác sĩ Trung tâm tim mạch tiếp tục theo dõi sự tiến triển của bệnh nhân sau phẫu thuật, khả năng phục hồi cũng như các biến chứng lâu dài. Trong thời gian này, bệnh nhân Hiền đã lập gia đình và có thai.
Trong quá trình mang thai, các bác sĩ tim mạch phải chỉnh thuốc để không ảnh hưởng thai nhi. Với người phụ nữ bình thường khi có thai, quả tim hoạt động tăng lên gấp nhiều lần để đảm bảo quá trình hô hấp cũng như trao đổi chất cho sự phát triển của thai nhi. Đối với bệnh nhân này, do quả tim chỉ có một tâm thất nên tần suất hoạt động nhiều hơn so với các sản phụ bình thường, khiến sản phụ rơi vào tình trạng mệt mỏi quá sức, tổn hao sức khỏe và có thể đối mặt với nguy cơ tử vong.
Do đó, các bác sĩ tim mạch và sản khoa phải phối hợp với nhau để theo dõi, thăm khám định kỳ và tư vấn kịp thời đầy đủ cho bệnh nhân. Thậm chí, 6 tháng cuối của thai kỳ, bệnh nhân phải trọ gần Bệnh viện E để tiện cho việc theo dõi thai kỳ.
Bác sĩ nội trú Nguyễn Thùy Nhung, Phó khoa Phụ sản, cho biết trong suốt quá trình mang thai của sản phụ, các bác sĩ tim mạch và sản khoa của Bệnh viện E cùng với gia đình bệnh nhân “nín thở” theo dõi theo từng nhịp đập của tim thai và trái tim sản phụ. Điều đáng mừng, sức khỏe của người mẹ đã rất tốt để thai nhi phát triển đủ 9 tháng 10 ngày, không đối mặt với nguy cơ sinh non.
GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E - chia vui với gia đình nữ bệnh nhân. Ảnh: T.X. |
“Sau khi tiến hành hội chẩn với GS Thành, TS Tiến và các bác sĩ chuyên ngành sản khoa, tim mạch, gây mê…, các bác sĩ quyết định mổ cho sản phụ. 10h20 sản phụ được đưa vào phòng mổ. 11h45 ngày 14/4, người mẹ đã nghe thấy tiếng khóc đầu đời của con trong niềm vui vỡ òa của tập thể thầy thuốc ở Bệnh viện E”.
GS.TS Lê Ngọc Thành khẳng định trường hợp này giúp xóa bỏ quan điểm phụ nữ bị bệnh tim không nên lấy chồng và mang thai, sinh con.
Tại Bệnh viện E, theo thống kê, thời gian gần đây, số lượng phụ nữ có thai bị bệnh tim và thai nhi có bệnh lý tim bẩm sinh đến khám và theo dõi tăng gấp nhiều lần. Trung bình, mỗi tháng, các bác sĩ tiếp nhận khoảng 15-20 ca sản phụ mắc bệnh tim và thai nhi mắc tim bẩm sinh.