Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ký ức kinh hoàng ngày 11/9 của học sinh Mỹ

Ngày 11/9/2001, nhiều học sinh Mỹ đánh mất sự ngây thơ sau khi nếm trải nỗi đau khủng bố. Họ bắt đầu trường thành trong ''một nước Mỹ thận trọng hơn bao giờ hết''.

Trung học Stuyvesant ở New York là một trong những trường danh tiếng nhất thành phố. Nhiều học sinh trở thành sinh viên các đại học hàng đầu và có sự nghiệp thành công. Nhưng 14 năm trước, họ từng chứng kiến cảnh tượng địa ngục qua ô cửa phòng học khi hai chiếc phi cơ lao vào tháp đôi ở Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), cách trường chỉ ba tòa nhà.

Sáng hôm đó, trên đường đến trường, Adrian Carrasquillo ngắm nhìn tòa tháp đôi theo thói quen. Cậu không ngờ rằng, chỉ vài tiếng sau, biểu tượng của thành phố sụp đổ. Những học sinh vốn sống trên đất nước luôn cách xa các chiến trường bắt đầu học cách trưởng thành trong "một nước Mỹ thận trọng hơn bao giờ hết''.

Cảnh hai tòa tháp đôi sụp đổ nhìn từ cửa số lớp học thuộc trường Trung học Stuyvesant ngày 11/9/2001. Ảnh: Fox News.

Lớp Carrasquillo nghe tin ''một chiếc máy bay nhỏ lao vào tháp Bắc'' trong giờ thể dục. Cậu thừa nhận, ban đầu, một số học sinh trong lớp hơi... mừng vì không cần tập luyện. Họ chạy vội đến phòng thí nghiệm Hóa học để có thể nhìn rõ chuyện gì đang xảy ra. Chỗ chỉ cách nơi họ đứng vài tòa nhà trở thành địa ngục sau vụ tấn công đầu tiên.

Sau đó, cả lớp đến phòng học Vật lý. Thầy giáo cố xoa dịu nỗi sợ hãi bằng một câu chuyện cười. Tuy nhiên, tiết học không thể bắt đầu vì các học sinh kiên quyết yêu cầu ông bật TV. Hình ảnh chiếc máy bay thứ hai lao vào tháp phía Nam hằn sâu vào ký ức của những cô cậu học trò

''Tôi vẫn nhớ cảm xúc lẫn lộn của bản thân lúc đó. Tôi nghĩ rằng, đây là khởi đầu một cuộc chiến tranh và không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo'', Carrasquillo nói.

Quản lý nhà trường ngay lập tức liên lạc với văn phòng Hội đồng thành phố nhưng chưa ra lệnh di tản vì lý do an toàn. Nhưng khi vụ tấn công thứ hai xảy ra và tháp phía Bắc sụp đổ, ông nhanh chóng thay đổi quyết định.

Học sinh ra ngoài từ cửa sau và được hướng dẫn chạy theo hướng Bắc. Nhiều người cố nhìn sang phải về phía WTC. Tòa nhà thứ hai đổ ầm xuống, tạo ra đám khói bụi khổng lồ tràn về phía cổng trường.

Một huấn luyện viên của Stuyvesant hét lên: "Chạy về phía Bắc, nhanh!''

Họ chạy, các nữ sinh bật khóc, nhiều người cố ngoảnh lại với hy vọng cảnh tượng tàn khốc ấy có thể biến mất hoặc chỉ để xác nhận họ đang cách xa cái chết. 

Khi đã đến chỗ an toàn, các học sinh tụ tập lại và đến nhà cậu bạn Spencer. Tại đó, họ ăn, cố bình tĩnh để theo dõi cảnh tượng khủng khiếp trên TV được truyền từ hiện trường vụ khủng bố. Tất cả các kênh truyền hình đều chiếu cảnh tòa tháp từng là biểu tượng của thành phố dần biến thành bình địa, những nạn nhân cố gắng bỏ chạy khi tro bụi bao phủ các tuyến phố. Hình ảnh nhiều người nhảy xuống từ cửa sổ vì không chịu nổi sức nóng là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với Adrian Carrasquillo và các bạn.

Ngày 9/10/2001, học sinh trường Stuyvesant đi học trở lại sau thảm họa kinh hoàng. Ảnh: Fox News

Thảm kịch 11/9 không chỉ ảnh hưởng những người có mặt hay ở gần hiện trường. Sau hơn một thập kỷ, ngày đau thương ấy vẫn để lại ký ức sâu sắc trong lòng các sinh viên đại học Saint Joseph (SJU) tại Philadelphia. 14 năm trước, họ chỉ là những học sinh lần đầu tiên nếm trải nỗi đau dù chỉ chứng kiến thảm cảnh qua TV.

Âm thanh tồi tệ nhất với một đứa trẻ là tiếng khóc của mẹ. Cảnh tồi tệ nhất với một đứa trẻ là hình ảnh đất nước nó đang sụp đổ qua lăng kính truyền hình. Điều tồi tệ nhất trong cảm nhận của một đứa trẻ là những chuyện kinh hoàng vẫn xảy ra dù nó không hiểu tại sao.

'Hôm đó, cô giáo tiểu học của tôi bật TV lên trong lớp học. Tôi cảm thấy kỳ lạ khi cô làm gián đoạn tiết học như vậy. Và rồi chúng tôi nghe thông báo sơ tán khẩn cấp, trường học đóng cửa. Mẹ đón tôi về nhà. Bố mẹ và bạn của bố ngồi trong phòng khách, nhìn chằm chằm vào TV. Họ rất buồn. Sự im lặng bao trùm toàn bộ căn phòng. Tôi nhìn TV, quay sang nhìn họ rồi bật khóc'', Alli Murray, sinh viên ngành Truyền thông tại SJU, kể lại.

"Khi đó, tôi đang học lớp ba. 'Mẹ cậu ổn chứ?', tôi hỏi người bạn thân Alex sau khi nghe tin về vụ khủng bố. Các bạn trong lớp vẫn chăm chú theo dõi TV. Cô ấy sững sờ: 'Tớ không biết. Sáng nay, mẹ tớ có một cuộc họp ở WTC'. Tôi lặng lẽ choàng vai cô ấy nhưng không biết phải an ủi thế nào. Chúng tôi nghe thông báo từ loa trường, gọi Alex lên văn phòng.

''Một lút sau, cô ấy chạy vào lớp, ôm lấy tôi và nói: Cuộc họp bị hủy bỏ khi mẹ tớ đang trên đường đến đó nên mẹ chỉ đi dạo quanh khu vực ấy thôi. Một lần nữa, tôi không nói nên lời. Vài tiếng thở phào nhẹ nhõm vang lên trong lớp. Chúng tôi chắc chắn rằng, thế giới của những đứa trẻ lớp ba như bọn tôi đã an toàn nhưng không dám chắc phần còn lại của thế giới vẫn ổn'', Jessica Sweeney, sinh viên ngành Anh ngữ, nói.

''Hôm đó, hàng lang trường học vang lên tiếng TV, chúng thường được sử dụng trong các dịp đặc biệt. Những học sinh lớp hai như chúng tôi nghĩ đó là dấu hiệu của một niềm vui bất ngờ. Nhưng các giáo viên tỏ ra nghiêm trọng. Họ ở trong phòng họp cả ngày. 

''Sau đó, tôi về nhà. Bố mẹ cũng rất lạ. Họ không hỏi tôi về những chuyện trải qua trên lớp như thường lệ. Bố mẹ theo dõi tin tức và tắt TV ngay khi thấy tôi. Họ bảo tôi rằng, kẻ xấu đã lao máy bay vào tòa nhà. 

''Bình thường, tôi đi ngủ lúc 23h nhưng tối hôm đó, tôi lén xem TV. Tôi nhìn thấy cảnh máy bay lao vào tòa nhà, khói bụi bao trùm mọi nơi và khóc. Trước đó, tôi nghĩ, điều tồi tệ nhất trên đời là việc các chàng trai cấm những cô gái chơi bóng tường với họ. Nhưng tại thời điểm ấy, tôi nhận ra bản thân không thể tiếp tục ngây thơ nữa'',  Mary Kate Viggiano, sinh viên ngành Truyền thông, kể.

Vụ khủng bố WTC là cú đánh nghiêm trọng lên nền an ninh nước Mỹ, mở đầu cho cuộc chiến chống khủng bố gắt gao hơn bao giờ hết. Những ký ức kinh hoàng ấy không chỉ là vết sẹo trong lòng người dân tại cường quốc hàng đầu thế giới mà còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong ký ức những học sinh. 

Từ ngày 11/9/2001, Mỹ ''đánh mất sự ngây thơ''. 

Hàng nghìn trường học tại Nepal mở cửa trở lại sau thảm họa

Hàng nghìn trường học trên khắp Nepal ngày 31/5 đã chính thức mở cửa trở lại đón học sinh, năm tuần sau trận động đất kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hơn 8.600 người.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm