Với những người xa quê, những ngày này chỉ có thể cảm nhận Tết qua Facebook, qua báo mạng, tin nhắn với bạn bè, người thân. Đã 4 năm liên tiếp không về Việt Nam, khi kể cho những người bạn ở New Zealand về ngày Tết cổ truyền, bao ký ức ùa về khiến tôi rưng rưng.
Hồi còn nhỏ, Tết của tôi bắt đầu từ những ngày giữa tháng chạp. Cả nhà ăn cơm chiều sớm rồi ra vườn tuốt lá mai. Có năm tuốt lá ngay rằm, có năm sau rằm một vài hôm tùy vào độ lớn của búp mai. Người lớn trong nhà nhìn cây mai sẽ đoán được ngày nào nên bắt đầu tuốt lá, xong rồi hồi hộp chờ xem mai có nở đều vào đúng ngày mùng Một hay không.
Tết rõ nét hơn từ ngày tảo mộ. Con cháu của cả dòng họ năm nào cũng hẹn nhau đi tảo mộ lúc 2-3h sáng, rồi trưa về nhà thờ họ. Có lẽ ngày tảo mộ là ngày quý giá nhất để cảm nhận sợi dây gắn kết với tổ tiên, với họ hàng.
Tôi đi xa nhà từ năm 14-15 tuổi, mà nhờ những ngày này mà mình mới biết được ai là họ hàng thân thích, ai là anh em cột chèo. Đám nhỏ thế hệ F2, F3 như tôi đều sống ở Sài Gòn, nhưng hiếm khi nào gặp nhau ở Sài Gòn, chỉ có những ngày giỗ, Tết, tảo mộ mới gặp nhau ở quê.
Ký ức về Tết gắn với ngày tảo mộ, tưởng nhớ ông bà. Ảnh: Lê Quân. |
Hồi tôi còn học cấp 2, Tết cũng được đánh dấu bằng ngày cắm trại ở trường. Đây là dịp duy nhất trong năm được ngủ ở trường với tụi bạn. Sáng cắm lều rồi chơi game, trưa chiều nấu nướng, ăn uống, tối thì ca hát, nhảy múa, khuya thì ăn chè, ăn cháo, chơi đánh bài quẹt lọ, rồi thi nhau thức tới sáng. Ngày cắm trại thường là ngày 23 tháng chạp, cũng là ngày đưa ông Táo, rồi sau đó là bắt đầu những ngày nghỉ Tết cho tới mùng 6 mới đi học lại.
Từ hồi khoảng lớp 4, lớp 5 cho tới tận lớp 9, Tết của tôi còn có những ngày theo ngoại đi bán chợ. Bắt đầu từ hôm nghỉ học về nhà ngoại, mỗi ngày theo ngoại đi chợ huyện mua sỉ các loại rau củ hoặc đi tới vườn mua tận gốc rồi mang đi bán lẻ ở chợ quê.
Cái không khí chợ Tết ở quê hồi xưa thích lắm, nắng chang chang, nóng ong ong và cũng rất nhiều màu, nhiều mùi. Trong thâm tâm, tôi đoán rằng mùi hương là thứ khó có thể được thay thế bằng công nghệ, có đi đâu làm gì thì cái mùi chợ Tết quê rất khó mà quên được.
Chợ Tết cũng có những đặc trưng rất riêng. Ảnh: Vũ Thế Sơn. |
Tết cũng là những ngày bà nội mua cải về phơi nắng để làm cải chua, chuẩn bị nước để nhận dưa giá, rồi mua ba rọi, hái dừa xiêm cho nồi thịt kho tàu. Hồi nhỏ còn có những ngày ngồi cong lưng gọt gừng để làm mứt - cái món ám ảnh tuổi thơ vì làm rất cực mà xong rồi tôi lại ăn không được vì cay. Tết có cả những ngày gói bánh tét, nào bánh tét chuối, bánh tét chay, bánh tét thịt mỡ.
Tới giờ, tôi vẫn còn nhớ cái nồi bánh tét to được nấu cả đêm dưới gốc cây ổi sau nhà. Lâu rồi, nhà tôi không còn làm mứt, không gói bánh tét, chắc cũng hơn hai chục năm rồi, từ hồi có thể bước chân ra chợ là có hết mọi thứ.
Hỏi tôi có thích Tết không? Tôi nghĩ cảm giác thích Tết của mình đã dừng lại từ hồi hết tuổi teen, hết teen thì cũng hết Tết. Nhất là từ khi đi làm, mỗi năm tới Tết mình cũng kêu rầm trời giống như mấy cái status mọi người hay treo lên Facebook, đại loại kiểu "đang yên đang lành thì bỗng nhiên Tết".
Nhưng mà rồi mấy ngày này thấy nhớ Tết quá xá. Mùa này, nếu ở Sài Gòn, thế nào cũng rủ người này người kia đi ăn uống cuối năm. Chúng tôi gặp nhau tán chuyện trên trời dưới biển, cũng có khi gặp nhau chỉ để im lặng ngồi uống ly cafe, nhìn lại một năm trôi qua như thế nào.
Mùa này cũng là mùa tặng nhau đặc sản của quê, đứa này đứa kia tranh thủ đặt lạp xưởng, mắm chua, thịt ngâm nước mắm,... từ quê lên. Tôi đoán rằng Tết là cái cớ tuyệt vời để trả nợ những ân tình, nhất là với những người mà mình có cơ duyên được gặp và được thương yêu. Biết rằng đã là ân tình thì không cứ phải chờ tới Tết, nhưng với tôi, cảm giác yêu thương nhau vào những ngày Tết ấm áp hơn ngày thường nhiều lắm.
Chưa khi nào, tôi nhớ Sài Gòn như những ngày này.