Lá thư cảm ơn của anh Thành gửi qua An ninh Hải Phòng, bày tỏ biết ơn sự giúp đỡ tận tình của trung tá Ngô Thị Ánh Tuyết - cán bộ tiếp dân Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (QLHC về TTXH, Công an quận Lê Chân) với anh.
Lá thư kín 3 trang giấy được anh viết tay cẩn thận. Anh Thành kể năm 2005, do bị bạn bè lôi kéo đã vướng vào cờ bạc, ma túy và mắc bệnh hiểm nghèo. Sau khi sa vào tội lỗi, anh bị kết án 3 năm tù.
Trung tá Ngô Thị Ánh Tuyết hướng dẫn người dân làm tờ khai. |
Trải qua 3 năm đằng đẵng trong tù, đấu tranh với bệnh tật, anh bảo chỉ biết lấy niềm mong ngóng ngày trở về đoàn tụ với gia đình, vợ con làm khát vọng, động lực để vượt qua thực tại.
Năm 2008, trong niềm hân hoan được mãn hạn tù, những tưởng anh trở về sẽ được bố mẹ, người thân dang tay chào đón. Thế nhưng, anh kể khi đặt chân đến cửa nhà đã rụng rời khi được tin vợ không chịu được tai tiếng do có chồng đi tù nên bế con bỏ đi. Bố mẹ anh - người anh yêu thương nhất cũng không vượt qua được sự dèm pha của người đời, lạnh lùng xóa tên anh khỏi sổ hộ khẩu.
Đau khổ, bế tắc, anh Thành bơ vơ, lạc lõng. Hàng ngày anh đi bới rác kiếm tiền nuôi sống bản thân và mua thuốc chữa bệnh. Đêm đêm, anh chọn gầm cầu, góc chợ làm chốn nương thân.
Gần 10 năm sống trong cảnh không gia đình, không hộ khẩu, không Chứng minh nhân dân, đi xin việc ở đâu cũng không được vì chẳng có giấy tờ tùy thân. Cô đơn, đói rét bủa vây lấy anh. Nhiều lần Thành nhờ Cảnh sát khu vực (CSKV) hướng dẫn thủ tục đăng ký hộ khẩu nhưng tất cả đều vô vọng vì bố mẹ anh kiên quyết không cho mượn hộ khẩu gốc.
Bức thư của anh Nguyễn Văn Thanh. |
Giữa năm 2016, theo lời khuyên của nhiều người dân, anh Thành tìm đến Đội QLHC về TTXH Công an quận Lê Chân. Tại đây anh gặp trung tá Ngô Thị Ánh Tuyết - cán bộ tiếp dân và được chị hướng dẫn tận tình. Nhưng cũng như nhiều lần trước đó, anh Thành không hy vọng điều kỳ diệu đến với mình
Còn chị Tuyết, ngay khi tiếp nhận hồ sơ của anh Thành, nữ trung tá luôn canh cánh, xót xa cho cho hoàn cảnh của công dân này. Chị mong muốn tìm cách giúp đỡ.
Cán bộ hộ tịch lục tìm dữ liệu để thiết lập đủ hồ sơ, vì cần đến giấy tờ gì anh Thành cũng không đáp ứng được. Suốt nhiều ngày, nữ trung tá tìm gặp anh để bổ sung thông tin nhưng biệt vô âm tín.
Với tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ, dù công việc cơ quan bận rộn cả ngày, tối về lại vướng con nhỏ, chị Tuyết vẫn sắp xếp thời gian, công việc để tìm đến nhà gặp bố mẹ anh Thành với mong muốn vận động, thuyết phục hai bác chấp nhận cho con nhập hộ khẩu. Chị Tuyết kể đến lần thứ 3 các bác mới tiếp chuyện.
Qua tiếp xúc, bằng sự cởi mở, chân thành, chị Tuyết đã phân tích cho bố mẹ anh Thành hiểu việc những người như anh cần được giúp đỡ, hòa nhập, để có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành công dân tốt.
Chị phân tích nếu gia đình và mọi người không yêu thương giúp đỡ Thành, nguy cơ anh sẽ trở lại con đường cũ. Việc này không chỉ khiến anh Thành đau khổ mà người thân trong gia đình cũng phiền lòng. Nghe chị Tuyết phân tích, bố mẹ Thành đã chấp nhận cho con nhập hộ khẩu vào gia đình.
Khoảng một tháng sau đó, với tinh thần làm việc trách nhiệm, tận tâm của trung tá Ngô Thị Ánh Tuyết, thủ tục nhập hộ khẩu của anh Thành đã hoàn tất.
Ngày đến nhận hộ khẩu, Thành cầm sổ lật đi lật lại trang giấy có ghi tên mình mà mắt nhòe vì hạnh phúc. Trong niềm xúc động dâng trào, anh nắm chặt tay chị Tuyết, nói trong tiếng nấc nghẹn: “Cảm ơn chị, chị là người đã cho tôi một cuộc sống mới. Tôi như thấy mình được sinh ra lần thứ 2”.