Theo ghi nhận của phóng viên, lượng khách tới mua cà phê mang về ở một số chuỗi cửa hàng lớn trong đó The Coffee House cũng chưa quá đông. Từ 7h đến khoảng hơn 10h sáng, cơ sở ở Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy) mới bán được cỡ 15 đơn. |
Lượng khách đến mua trực tiếp khá ít, chủ yếu là gọi ship về. Cửa hàng cũng bố trí bàn chặn ở lối ra vào nhằm tránh tiếp xúc gần. Ngoài ra, thực đơn cũng được dán trên mặt bàn để khách tới mua có thể dễ dàng lựa chọn. Trả lời Zing, ông Lê Bá Nam Anh, Tổng Giám đốc The Coffee House, cho biết thực đơn ngày mở lại cơ bản vẫn như cũ. Tuy nhiên, một số món thiếu nguyên vật liệu sẽ bị tạm bỏ khỏi thực đơn. Khi khách hàng đặt trên ứng dụng sẽ có thông báo về vấn đề này. |
Hiện tại, các cửa hàng mở lại chỉ có từ 2 đến 3 nhân viên phục vụ để đảm bảo quy định phòng chống dịch. Việc mở lại cửa hàng không gặp nhiều vấn đề do đã có sự chuẩn bị từ trước và quen với cách làm trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, đại diện hãng cho biết số lượng tài xế hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu đặt mua của khách. Do đó, việc giao hàng có thể chậm trễ hơn bình thường. Những dãy bàn ghế từng đầy ắp khách ngồi giờ được thu gọn do không sử dụng tới. |
"Chúng tôi đặt mục tiêu tiêm chủng tối đa cho nhân viên để đảm bảo an toàn cho họ cũng như khách hàng. Ngoài ra, cửa hàng cũng ưu tiên sử dụng công nghệ để giảm tiếp xúc. Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác với một số ví điện tử để giảm rủi ro khi sử dụng tiền mặt", đại diện The Coffee House chia sẻ. Đối với chuỗi này, doanh thu không phải mục tiêu được đặt nặng hiện nay. Thay vào đó, họ đang tập trung mở dần các cửa hàng theo lộ trình nhưng chú trọng đảm bảo an toàn cho nhân viên. |
Các mặt hàng bánh cũng chưa đầy đủ như thời điểm trước dịch. Việc thiếu nguyên liệu, nguồn cung hàng đang là vấn đề nhiều quán cà phê gặp phải khi mở cửa lại. |
Atelier Coffee Roaster (Tôn Thất Thiệp, Ba Đình) cũng đã mở lại từ hôm 17/9. Tuy nhiên, lượng khách cũng không quá nhiều. Trong khoảng 2 giờ, quán cũng chỉ có lác đác 5-6 khách tới mua. |
Quán này được đánh giá là điểm yêu thích với những dân sành cà phê với hệ thống thiết bị hiện đại. Trong hình, thiết bị pha cà phê tích hợp nhiều tính năng như đánh sữa, tự vệ sinh... có giá khoảng 300 triệu đồng. |
Phạm Ngọc Thạch, nhân viên pha chế của quán, chia sẻ: "Hiện tại, chúng tôi chỉ nhập số lượng nhỏ, vừa đủ để tính toán. Hạn sử dụng tốt nhất của cà phê là khoảng một tháng. Do đó, đợt giãn cách vừa rồi, chúng tôi phải bỏ đi số lượng cà phê khá lớn. Dùng tiếp cũng được nhưng hương vị sẽ không tốt. Khách hàng của chúng tôi đa số là khách quen, họ đặc biệt coi trọng hương vị". |
Anh Lê Anh Khoa (sống ở quận Ba Đình) là khách quen của quán. Anh cho biết ngày thường, mình hay mua khoảng 2 đến 3 cốc cà phê. "Tôi thích hương vị cà phê pha máy. Chất lượng, hương vị cà phê ở quán này luôn được quản lý tốt nên tôi hay tới đây. Điểm này cũng gần nhà nữa. Thời gian giãn cách, tôi nhịn luôn cà phê chứ không uống nổi đồ đóng gói", anh chia sẻ. |
Một số vị khách nước ngoài cũng thích thú khi được cầm trên tay cốc cà phê sau nhiều ngày giãn cách. |
Tại quán ForDeer trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy), việc mở lại vẫn chưa được hoàn tất. Trong sáng 18/9, các nhân viên mới bắt đầu tới quán dọn dẹp và kiểm tra lại đồ pha chế, nguyên liệu. Họ dự kiến mở lại vào 21/9. |
Mặt bàn bám lớp bụi dày sau thời gian dài không hoạt động. |
Nhân viên cơ sở này cho biết thực đơn không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, họ không chắc có thể nhập đủ nguyên liệu cần thiết. Do đó, một số món có thể bị tạm bỏ. |
Các sản phẩm cà phê đóng chai như thế này đang trở nên phổ biến hơn trong thời điểm dịch bệnh. Khách hàng có thể mua về và để tủ lạnh trong 2 ngày. |