![]() |
Trung Quốc áp dụng chính sách giảm kép để giảm áp lực học tập cho trẻ. Ảnh: SupChina. |
Trước đây, bà Zoe Pan (43 tuổi, sống ở Bắc Kinh) chi khoảng 300 nhân dân tệ (hơn 41 USD) cho mỗi giờ học thêm của con trai. Nhưng hiện tại, bà phải trả thêm 150 nhân dân tệ (hơn 20 USD) vì các lớp dạy thêm ngày càng hiếm. Tất cả là bởi vì chính sách giảm kép mà chính phủ Trung Quốc đưa ra vào năm 2021 nhằm giảm bớt áp lực học tập cho trẻ.
Tìm cách lách luật
Tháng 7/2021, chính phủ Trung Quốc bất ngờ công bố lệnh cấm học thêm nhằm xoa dịu nỗi lo nuôi dạy con của phụ huynh, đồng thời giảm bớt khối lượng học tập cho trẻ.
Động thái này đảo lộn ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 120 tỷ USD của nước này, khiến các phụ huynh không ngừng lo lắng vì sợ con mình sẽ bị tụt hậu nếu không được học thêm.
Dù chính phủ Trung Quốc và chính quyền địa phương nhiều lần cảnh báo, thậm chí áp dụng chế tài xử phạt, nhiều phụ huynh vẫn kiên quyết tìm lớp dạy thêm cho con.
![]() |
Trước khi có chính sách giảm kép, thị trường dạy thêm ở Trung Quốc thu về hàng tỷ USD doanh thu. Ảnh: Reuters. |
Một phụ huynh ở thành phố Bắc Kinh cho biết ngay sau khi có lệnh cấm vào năm 2021, bà đã ngay lập tức tìm lớp học thêm mới cho con. Con gái bà đã phải theo học một lớp dạy thêm "bí mật", địa điểm học chỉ được thông báo vào ngày học để tránh bị cảnh sát hoặc người dân xung quanh phát hiện.
"Đôi khi, các lớp học thêm được tổ chức tại nhà của học sinh, cũng có lần, chúng tôi phải ra ngoại ô để cho con học thêm lớp toán kéo dài trong 2 giờ rồi lại trở về thành phố", người mẹ này chia sẻ.
Đến năm 2023, khi mọi thứ đã ổn định hơn, con gái của phụ huynh này không cần phải di chuyển lớp học thêm mà được theo học ở một địa điểm cố định. Người mẹ nói rằng kể từ sau dịch Covid-19, công tác kiểm soát học thêm bớt gay gắt hơn, phụ huynh cũng tự coi đó là một hình thức "nới lỏng" lệnh cấm, miễn là các trung tâm dạy thêm không thông báo tuyển sinh công khai.
Ở Thượng Hải, một phụ huynh họ Hu cũng nói rằng việc tìm lớp học thêm cho con sau lệnh cấm học thêm trở nên khó khăn hơn. Bà từng phải gửi "tiền tiêu vặt" cho giáo viên để đảm bảo con trai học lớp 5 có được một suất tại trung tâm dạy thêm.
Để "lách luật", các lớp học thêm hiện tại không còn gọi theo những môn học truyền thống, mà thay bằng cái tên mỹ miều hơn. Ví dụ, lớp Toán được gọi là lớp Tư duy logic, lớp Tiếng Anh lại được gọi là lớp Kịch...
"Suất học ở các trung tâm này hot đến nỗi tôi phải liên hệ với giáo viên ít nhất trước một tháng để đặt chỗ", bà Hu nói.
Học phí tăng vọt
Ở Trung Quốc, thành tích học tập là yếu tố để cạnh tranh trên thị trường việc làm, nhất là trong thời điểm nền kinh tế chững lại, tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng. Điều này khiến nhiều gia đình lo lắng con mình sẽ gặp khó khăn trên con đường sự nghiệp nếu như không được học thêm đủ nhiều.
Dù phụ huynh lo lắng, chính phủ Trung Quốc và chính quyền các địa phương vẫn quyết định áp dụng lệnh cấm. Sau khoảng một năm chính sách giảm kép có hiệu lực, nước này cho biết số lượng trung tâm dạy thêm đã giảm 96%, từ 124.000 trung tâm xuống còn hơn 4.900.
![]() |
Dù có chính sách giảm kép, áp lực học tập của trẻ vẫn khó giảm vì phụ huynh quá coi trọng thành tích. Ảnh: VCG. |
Thị trường dạy thêm công khai giảm mạnh, phụ huynh buộc phải tìm đến thị trường chợ đen để tìm lớp học thêm cho con. Nhưng do lệnh cấm siết chặt, thiếu giáo viên, học phí các lớp học thêm chợ đen tăng cao, trong khi chất lượng lớp học vẫn giảm và thêm nguy cơ bị chính quyền địa phương phát hiện.
Trước khi có chính sách giảm kép, phụ huynh ở thành phố Bắc Kinh chi trung bình 350 nhân dân tệ cho một giờ học thêm của con. Nhưng sau khi học thêm bị siết, mức học phí đã tăng lên 500 nhân dân tệ/giờ.
Chi phí sinh hoạt tăng cao có thể là một yếu tố khiến học phí tăng, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu giáo viên. Bởi vì các giáo viên không còn dám nhận lớp, sự bị bắt sẽ phải nộp phạt, thậm chí mất việc ở trường.
"Trước lệnh cấm, chúng tôi có thể cho con học thêm ở các trung tâm lớn, có thương hiệu. Nhưng giờ đây, chúng tôi chỉ có thể tìm lớp dựa vào truyền miệng từ phụ huynh khác để tránh bị phát hiện", bà Pan nói với Straits Times.
Các phụ huynh cũng nói thêm rằng nhu cầu học kèm 1:1 - điều vốn được coi là vùng xám pháp lý trong thị trường dạy thêm ở Trung Quốc, cũng bắt đầu tăng, khiến tình trạng thiếu hụt người dạy thêm ngày càng trầm trọng.
Ở các tỉnh, thành nhỏ hơn, phụ huynh cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự, thậm chí học phí tăng mạnh hơn ở thành phố lớn. Những giáo viên từng dạy ở trung tâm tư nhân lớn bắt đầu chuyển sang mở lớp theo nhóm nhỏ, hoặc dạy kèm 1:1 để tránh bị phát hiện. Để bù đắp "sự mất mát" về số lượng học sinh, họ quyết định tính phí cao hơn.
Chính phủ Trung Quốc đặt ra chính sách giảm kép để trẻ bớt áp lực học tập, nhưng bệnh thành tích của cha mẹ nước này vẫn không giảm, thậm chí trầm trọng hơn trước. Điều này khiến nhiều trẻ thêm mệt mỏi, thậm chí chính các em đứng ra tố cáo việc học thêm bất hợp pháp vì không chịu nổi áp lực học tập.
Vào tháng 1/2024, một học sinh THCS ở tỉnh Hồ Bắc đã báo cảnh sát về lớp học thêm bất hợp pháp mà em đang theo học. Em này phàn nàn khối lượng học tập quá lớn nhưng vẫn bị ép học.
Tại tỉnh Quảng Châu, những người dạy thêm "chui" nếu bị phát hiện sẽ phải trả học phí cho phụ huynh, đồng thời nộp phạt với số tiền 12.000-110.000 nhân dân tệ, tương đương 1.600-15.000 USD.
Tháng 6/2024, thành phố Hợp Phì cũng tiến hành 77 cuộc đột kích vào các cơ sở dạy thêm bất hợp pháp. Những cơ sở này tổ chức dạy thêm ở khách sạn, chung cư và thường gắn mác "tư vấn giáo dục" để tránh bị phát hiện, theo People's Daily.
Tỉnh Giang Tô cũng tiến hành truy quét các lớp dạy thêm trá hình dưới dạng "tư vấn", "trông trẻ" trong vòng 2 năm, khiến số lượng trung tâm dạy thêm giảm từ 9.000 xuống còn 205.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.