Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lái xe về miền Tây đón Tết: 90 phút cho 5,5 km đường quốc lộ

Có thêm tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giúp rút ngắn thời gian di chuyển về miền Tây, tuy nhiên tình trạng ùn ứ vẫn không thể tránh khỏi.

Thông thường, tôi mất khoảng 2 giờ 30 phút để chạy từ TP.HCM về TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cho quãng đường 140 km. Chuyến đi về quê lần này khá cận Tết nên tôi nghĩ mất khoảng gấp đôi thời gian thông thường, nghĩa là khoảng 5 giờ chạy xe.

Cao tốc thông thoáng, khó chạy được tốc độ tối đa

Chuyến đi bắt đầu lúc 20h30, tôi lựa chọn xuất phát vào thời điểm này để tránh được khung giờ tan ca và hạn chế việc chạy quá khuya. Google Maps hiển thị thời gian di chuyển dự kiến là khoảng 2 giờ 40 phút, tất nhiên đây chỉ là dự kiến.

Trai nghiem lai xe ve mien Tay don Tet anh 1

Google Maps dự kiến thời gian di chuyển khoảng 2 giờ 40 phút.

Phương tiện tôi sử dụng là một chiếc VinFast Fadil nhỏ gọn, chỉ đi một mình kèm theo ít hành lý và quà Tết nên chiếc xe hạng A này vẫn còn khá rộng rãi, thoải mái.

Từ trung tâm TP.HCM đến đầu tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương khoảng 30 phút, càng ra khỏi nội ô, lượng xe ngày càng đông nhưng vẫn có thể di chuyển đều. Vào đến cao tốc, tôi nhận ra lượng phương tiện đổ về miền Tây chủ yếu là ôtô con và xe tải chở hàng. Có lẽ dịch Covid-19 khiến cho người dân e ngại việc về quê bằng xe khách.

Dù tốc độ tối đa được phép chạy là 100 km/h, tôi hiếm khi có thể đạt được con số này vì nhiều phương tiện chạy chậm hơn vẫn đi vào làn bên trái. Thậm chí một vài đoạn đường các xe phải nối đuôi vì 2 phương tiện chạy song song với tốc độ chậm.

Trai nghiem lai xe ve mien Tay don Tet anh 2

Xảy ra ùn tắc nhẹ ở điểm giao của 2 tuyến cao tốc về miền Tây.

Gần 21h, tôi đến nút giao với tuyến cao tốc mới xây Trung Lương - Mỹ Thuận. Khu vực này ùn tắc nhẹ vì nhiều phương tiện chưa xác định được lối đi mong muốn, CSGT phải túc trực ở đây để hướng dẫn.

Tuyến cao tốc mới có 2 làn xe và chỉ cho phép chạy 80 km/h, tuy nhiên quy định cấm xe container cũng giúp giảm tải một phần cho cao tốc. Điều tôi e ngại nhất trên tuyến đường này là không có làn dừng khẩn cấp, trường hợp xe gặp sự cố bất ngờ, buộc phải đỗ xe vào lề sẽ khá nguy hiểm.

Nâng cấp ánh sáng cho chiếc xe là điều tôi ưng ý nhất, nhờ bộ đèn Bi-LED nên tôi dễ dàng quan sát phía trước khi chạy trên cao tốc với nhiều đoạn không trang bị đèn chiếu sáng. Về độ ồn, một chiếc xe hạng A như VinFast Fadil khó có thể so với các mẫu xe cỡ lớn hay SUV, tuy nhiên tôi không đòi hỏi hơn ở một mẫu xe bình dân.

Nhiều lối ra trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn chưa hoàn thành. Người lái buộc phải chạy đến điểm cuối cao tốc là quốc lộ 30, điều này gây bất tiện cho những người có điểm đến là thị xã Cai Lậy hay huyện Cái Bè của tỉnh Tiền Giang.

Ùn ứ trên quốc lộ

Gần đến lối ra ở quốc lộ 30, xe cộ bắt đầu ún ứ vì nhiều lái xe chưa biết đi hướng nào quay về quốc lộ 1 để lên cầu Mỹ Thuận. Tôi mất hơn 30 phút để thoát khỏi cao tốc và có mặt trên quốc lộ 30 hướng ra quốc lộ 1.

Trai nghiem lai xe ve mien Tay don Tet anh 3

Lượng phương tiện trên cao tốc chủ yếu là ôtô con, xe tải...

Tưởng chừng việc kẹt xe đã kết thúc và tôi sẽ có mặt ở nhà sau khoảng 40 phút nữa, thế nhưng việc ùn tắc dần trở nên tồi tệ hơn tại ngã 3 An Thái Trung (Tiền Giang), đây là điểm giao nhau giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 30. Lượng phương tiện quá lớn gồm xe máy, ôtô, xe tải... đổ về đây khiến cho nơi này trở thành nút thắt.

Từ ngã 3 An Thái Trung đến cầu Mỹ Thuận chỉ khoảng 5,5 km nhưng tôi mất gần 90 phút để di chuyển, tốc độ trung bình 3,6 km/h. Nhiều người dân đi xe máy dừng trên cầu Mỹ Thuận để nghỉ ngơi khiến cho bề rộng mặt cầu vốn đã hẹp nay còn hẹp hơn, phần nào gây thêm ùn tắc.

Trai nghiem lai xe ve mien Tay don Tet anh 4

Xe máy dừng trên cầu Mỹ Thuận cản trở giao thông.

Gần 1h sáng ngày hôm sau, tôi đã về đến nhà. Tôi mất khoảng 4 giờ 30 phút để đi quãng đường 140 km, không quá chênh lệch với thời gian tôi dự đoán ban đầu. Dù cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ cho chạy 80 km/h, tuyến đường này cũng giúp rất nhiều trong việc giảm tải cho quốc lộ 1. Hy vọng sau này cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành sẽ giúp đường về miền Tây trở nên thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Những mẫu SUV đắt nhất tại Việt Nam

Range Rover SV LWB 2022 là cái tên mới nhất gia nhập danh sách những chiếc SUV đắt giá nhất tại Việt Nam, bên cạnh Rolls-Royce Cullinan, Bentley Bentayga hay Aston Martin DBX.

Fadil vượt xa Grand i10, Accent soán ngôi Vios trong năm 2021

Hyundai Accent, Toyota Corolla Cross vươn lên giành ngôi đầu doanh số phân khúc. Ford Ranger, Toyota Camry tiếp tục có thị phần áp đảo các đối thủ.

Vĩnh Phúc

Bạn có thể quan tâm