Nguyên nhân dẫn đến say tàu xe?
Theo PGS.TS Chu Quốc Trường, chuyên khoa Y học cổ truyền, tình trạng say tàu xe do giảm lưu lượng tuần hoàn máu não nói chung và do tiền đình ốc tai nói riêng trước những kích thích bất thường, không có quy tắc với cơ thể về vị trí, vận tốc và phương hướng. |
Để tránh say xe bạn nên ngồi ở vị trí nào?
ThS.BS Khâu Minh Tuấn, Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115, cho hay bạn nên ngồi ở vị trí sao cho mắt, tai trong có thể cảm nhận và nhìn cùng một chuyển động. Trong xe hơi, người say tàu xe nên ngồi ở ghế trước và nhìn cảnh quan ở phía xa. |
Người bị say xe không nên làm gì?
Theo BS Khâu Minh Tuấn, người bị say tàu xe không đọc sách báo, xem điện thoại, nói chuyện khi đang đi xe, máy bay, ngồi vào ghế quay mặt về phía sau. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh các mùi mạnh và thực phẩm nhiều gia vị ngay trước và trong khi đi xe. |
Cách chống say tàu xe hiệu quả, an toàn cho bà bầu?
Bác sĩ Từ Thị Thu Thủy, nguyên bác sĩ Bệnh viện 198, cho biết uống nước gừng, trà gừng, ngậm gừng tươi giúp phòng chống say tàu xe hiệu quả. Để gừng phát huy công dụng, mẹ bầu có thể uống nước gừng, trà gừng trước khi lên xe. |
Tác hại nghiêm trọng của việc say xe đối với phụ nữ mang thai?
TS.BS Lê Thị Thu Hà, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết phụ nữ mang thai bị say xe, nôn ói nhiều ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thai kỳ. Nó có thể gây tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, làm hạ đường huyết. Động tác nôn ói còn làm co thắt cơ thành bụng, cơ trơn đường ruột, gây tăng áp lực bên trong ổ bụng dẫn đến tình trạng dọa sẩy thai hoặc sẩy thai. |
Thực phẩm nào có thể gây say xe?
Nước ngọt và đồ uống có ga có thể gây kích thích dạ dày, càng dễ gây say xe hơn. |
Tác dụng phụ khi cho trẻ em dùng miếng dán chống say tàu xe?
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, những tác dụng phụ thường gặp ở trẻ em khi dùng miếng dán chống say tàu xe là hoảng loạn, gặp ác mộng, chóng mặt, mất phương hướng, tim đập nhanh, rối loạn tâm thần, nói sảng. Các triệu chứng này có thể khỏi khi được điều trị nhưng sẽ ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ, do đó tuyệt đối không nên dùng cho trẻ em. |
Chất scopolamine có trong miếng dán say tàu xe chống chỉ định dùng cho trẻ em bao nhiêu tuổi?
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay hoạt chất scopolamine được chống chỉ định dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, trên các loại miếng dán chống say tàu xe bán phổ biến ở Việt Nam vẫn ghi có thể dùng cho trẻ em từ 8 tuổi trở lên, khiến nhiều trẻ bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của miếng dán. |