Đứt dây chằng gối là chấn thương phổ biến trong thi đấu thể thao. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bị đứt dây chằng gối không phải là VĐV chuyên nghiệp. Điều này khiến họ phải đối mặt với rủi ro cao hơn về khả năng phục hồi, đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn cho các bác sĩ trong việc tìm ra phác đồ điều trị phù hợp.
Khó phục hồi do tiếp cận sai phương pháp điều trị
Vận động viên thi đấu chuyên nghiệp thường được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe đặc biệt trước, trong và sau giải đấu. Do đó, việc điều trị chấn thương dây chằng tại các trung tâm y khoa nước ngoài là hoàn toàn khả thi. Ngoài ra, với nền tảng thể lực tốt và kinh nghiệm vận động lâu năm, vận động viên có lợi thế lớn trong giai đoạn tập phục hồi hậu phẫu.
Còn người bị đứt dây chằng do tai nạn trong lao động, giao thông hoặc các hoạt động thể thao phong trào sẽ gặp khó trong việc điều trị và phục hồi, do hạn chế về thể lực cũng như khả năng tiếp cận các cơ sở điều trị uy tín.
Người bị đứt dây chằng khó hồi phục nhanh nếu tiếp cận phương pháp điều trị không phù hợp. |
Một lợi thế nữa của vận động viên đã qua đào tạo bài bản là khả năng nhận biết tình trạng chấn thương tốt hơn người thường. Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong khả năng cử động của khớp chân cũng đủ để họ đánh giá mức độ chấn thương.
Trong khi đó, nhiều người dù gặp chấn thương nặng vẫn ngó lơ, sau một thời gian vết thương diễn tiến nặng hơn, làm giảm khả năng chữa trị. Chưa kể, việc thiếu thông tin và không có nhiều lựa chọn cơ sở điều trị phù hợp khiến không ít người khó tiếp cận phương pháp hỗ trợ phục hồi hiệu quả.
Giải pháp cho người gặp chấn thương khớp gối
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Công Dũng - nguyên bác sĩ thể thao Bệnh viện Nhân dân 115 - nhìn nhận các trường hợp bị đứt dây chằng gối nhưng không phải vận động viên cần có giải pháp riêng phù hợp thể trạng, không thể sử dụng công thức hay phác đồ điều trị chung cho tất cả.
“Cách duy nhất để người bệnh nhanh chóng trở lại cuộc sống là mổ tái tạo dây chằng mới. Hiện nay, kỹ thuật mổ nội soi dây chằng được nhiều chuyên gia y khoa khuyến khích ứng dụng là All-Inside. Phương pháp này có ưu điểm dây chằng tái tạo to và chắc, người bệnh có thể sử dụng dây chằng trọn đời sau duy nhất một lần phẫu thuật”, bác sĩ Dũng cho biết.
Theo bác sĩ Dũng, phương pháp này có thể thực hiện trong nước, không tốn kém quá nhiều do đó tiết kiệm được tiền bạc, thời gian và sức lực cho người bệnh cũng như gia đình.
Phương pháp All-Inside có một kỹ thuật cấp tiến hơn là 2 bó 3 đường hầm, cho ra thành phẩm dây chằng chắc chắn hơn kỹ thuật một bó cũ. Hệ cơ xương khớp sau tái tạo vận động trơn tru, phục hồi gần như 90% chức năng khớp gối.
Người bệnh có thể yên tâm lựa chọn phương án này, vì kỹ thuật 2 bó 3 đường hầm đã được báo cáo thành công trong nhiều hội nghị khoa học trong và ngoài nước. Thậm chí, phương pháp này từng được Arthroscopy Techniques - một trong hai tạp chí “truy cập mở” hàng đầu tại Mỹ về lĩnh vực nội soi khớp - công nhận và đăng tải.
Bác sĩ Trương Công Dũng trình bày báo cáo về kỹ thuật tái tạo dây chằng chéo trước 2 bó 3 đường hầm trong Hội thảo xương khớp (tháng 7 tại Đà Nẵng). |
“Sở dĩ kỹ thuật này phù hợp người bệnh hơn vì các chương trình vật lý trị liệu đã có sẵn tại nhiều phòng khám và bệnh viện chuyên khoa trong nước. Nếu áp dụng đúng bài tập và tái khám đều đặn trong 3 tháng thì khả năng phục hồi cao. Điểm quan trọng nữa là hạng mục phẫu thuật này được áp dụng thanh toán bảo hiểm tại hầu hết cơ sở ở TP.HCM, giúp chi phí điều trị giảm chỉ bằng 1/10 so với mổ tại nước ngoài”, bác sĩ Trương Công Dũng nhấn mạnh.
Không những giúp bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt thường ngày, việc tái tạo dây chằng còn cho phép họ chơi thể thao bán chuyên nghiệp. Tỷ lệ người bệnh quay trở lại thể thao được báo cáo lên đến 95% và không có trường hợp biến chứng sau phẫu thuật dẫn đến thoái hóa khớp. Đây là công nhận to lớn cho hiệu quả của phương pháp All-Inside 2 bó 3 đường hầm.
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Công Dũng từng giữ chức Tổng thư ký Hội Y học Thể thao TP.HCM, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, đặc biệt là chấn thương thể thao. Tại World Cup Hàn Quốc năm 2017, ông là bác sĩ chính cho đội tuyển Việt Nam.