Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm gì khi bị rắn độc tấn công?

Người bị rắn độc cắn có thể tử vong trong thời gian ngắn nếu sơ cứu sai cách hoặc nhập viện chậm trễ.

Bị rắn độc cắn là tai nạn thường gặp trong mùa mưa. Nhiều nạn nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong do chủ quan, thiếu kiến thức sơ cứu. Do đó, nhận biết các loài có nọc độc và cách sơ cứu là điều quan trọng để sống sót nếu không may bị rắn cắn.

Hai loại rắn độc phổ biến ở Việt Nam

Theo TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ở Việt Nam, rắn hổ và rắn lục là hai loài phổ biến.

Ở nhóm rắn hổ, các loài thường gặp là hổ mang bành, hổ đất, hổ mèo, cạp nia, cạp nong và hổ mang chúa. Rắn hổ mang bành hay gặp ở miền Bắc. Đặc điểm nhận dạng của loài này là hoa văn hình kính hai gọng ở phía sau gáy. Rắn hổ mèo có chữ “V” trên đầu hoặc hình mặt mèo, hay gặp ở miền Nam. Rắn hổ đất có hình mắt kính dạng tròn trên đầu. Loài này có thể gặp ở các vùng, miền trên cả nước.

cach so cuu khi bi ran can anh 1

Hổ mang là loài rắn độc phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: BBC.

Ngoài ra, hai loài nguy hiểm thuộc nhóm rắn hổ là cạp nia và cạp nong. Màu sắc là điểm dễ nhận biết để phân biệt hai loại rắn này. Cạp nia có khoang màu trắng - đen xen kẽ. Phần thân rắn cạp nong có các khoang màu vàng - đen.

Nhóm rắn độc nguy hiểm thứ hai là các họ lục, bao gồm chàm quạp, lục xanh, hoa cải, mũi hếch… Các loài này cư ngụ khắp vùng, miền trên cả nước. Đặc điểm nhận dạng của rắn lục là đầu hình tam giác, mắt có con ngươi hình ê-líp dựng đứng.

Cấp cứu tối khẩn

Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, rắn hổ cắn thường gây các triệu chứng như đau, phù nề lan tỏa, hoại tử, nhiễm trùng cơ hội tại vị trí vết thương. Ngoài ra, nạn nhân có thể bị liệt cơ, suy hô hấp, rối loạn tiêu hóa, tổn thương thận cấp, suy đa tạng.

Rắn lục cắn thường có dấu hiệu đặc trưng gồm tổn thương tại chỗ (đau, sưng, chảy máu, tụ máu), chảy máu toàn thân (chân răng, niêm mạc mũi, xuất huyết tiêu hóa, tiểu ra máu) và rối loạn đông máu trên xét nghiệm (giảm tiểu cầu và nồng độ fibrinogen trong huyết tương, tăng thời gian đông máu).

cach so cuu khi bi ran can anh 2

Bệnh nhân bị rắn độc cắn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ thường áp dụng nhiều biện pháp như huyết thanh kháng nọc, thở máy, lọc máu liên tục nếu suy đa tạng. Ngoài ra, bệnh nhân cần được truyền kháng sinh phòng nhiễm trùng cơ hội, huyết thanh kháng độc tố uốn ván và điều chỉnh các rối loạn đông máu…

Hiện nay, ở Việt Nam, hai loại “thuốc giải độc” phổ biến là huyết thanh kháng nọc rắn hổ và rắn lục. Tuy nhiên, việc sử dụng huyết thanh hay điều trị triệu chứng phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh.

Bác sĩ Tình cho biết huyết thanh kháng độc chứa các Globulin, có khả năng trung hòa đặc hiệu nọc rắn. “Thuốc giải” này được lấy từ huyết thanh ngựa khỏe mạnh (đơn giá) hoặc một số loại nọc rắn (đa giá). Huyết thanh kháng nọc rắn không thay thế cho các biện pháp điều trị nội khoa khác.

Khi bị rắn hổ, lục hoặc các bò sát có nọc độc khác cắn, kể cả chưa xác định loài, nạn nhân cần được xem như trường hợp cấp cứu tối khẩn. Họ cần được sơ cứu kịp thời, đúng cách và đến cơ sở y tế đảm bảo khả năng hồi sức tốt, có sẵn các loại huyết thanh kháng nọc độc.

Thông thường, bác sĩ dựa vào dấu hiệu lâm sàng kết hợp hỏi bệnh nhân để chẩn đoán loại rắn cắn. Vì vậy, nạn nhân nên mang xác rắn đến bệnh viện hoặc chụp lại hình ảnh của chúng.

Khi bị rắn cắn, tùy thuộc vào mức độ nọc độc xâm nhập và thể trạng, nạn nhân có những dấu hiệu lâm sàng khác nhau. Trường hợp nhiễm độc nặng, người bị rắn cắn có thể tử vong trong thời gian ngắn.

cach so cuu khi bi ran can anh 3

Người đàn ông ở Tây Ninh phải lọc máu liên tục do nọc độc rắn hổ mang chúa. Ảnh: Nguyên Hạnh.

Cách sơ cứu

TS.BS Lê Xuân Dương, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết sơ cứu đúng cách có vai trò quyết định để giữ mạng sống cho người bị rắn độc cắn.

Trước tiên, nạn nhân cần được trấn an tâm lý, bất động và băng nẹp các chi. Việc vận động khiến nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn.

Nạn nhân hoặc người sơ cứu có thể dùng vải để băng vết thương và cố định chi bằng nẹp cứng. TS Dương nhấn mạnh khi bị rắn lục cắn, nạn nhân không nên băng ép vì có thể làm vết thương nặng thêm.

Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn, người bị rắn cắn cần được hô hấp nhân tạo, ép tim tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến cấp cứu.

Trên đường đến bệnh viện, nạn nhân cần đặt vùng bị thương thấp hơn tim, có thể buông thõng tay, chân nếu bị cắn ở vị trí này.

“Ngay cả khi xác định là loài lành, người bị rắn cắn cần được xử trí và theo dõi tại bệnh viện trong 12 giờ đầu. Nếu đến bệnh viện sau 24-48 giờ, kết quả điều trị có thể kém hoặc không hiệu quả”, TS Dương nhấn mạnh.

Cứu bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn vào đùi P.V.T. (38 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trong tình trạng thở máy sau khi bị rắn hổ mang chúa cắn.

Cứu hai bé trai bị rắn hổ cắn

Hai bé trai ở Tây Nguyên nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở máy.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm