Bắt nạt tại nơi làm việc là vấn nạn luôn có thể xảy ra trong môi trường làm việc. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels. |
Bắt nạt nơi công sở không phải là vấn đề mới, nhưng luôn có nguy cơ xảy ra tại nhiều môi trường làm việc. Paul Farrer, người sáng lập kiêm chủ tịch của Aspire, công ty tuyển dụng tại Mỹ, cho rằng những chuyện quấy rối, hăm dọa, ức hiếp nhân viên tại các công ty đang ngày càng phổ biến.
"Mọi người thường cho rằng việc bắt nạt chỉ là một trò đùa. Những lời nói đùa nhằm cố tình khiêu khích, gây áp lực hay trêu chọc ai đó đều là hình thức bạo lực tinh thần", ông nói.
Trong khi đó, Soma Ghosh, cố vấn nghề nghiệp tại Mỹ, chỉ ra có khoảng 94% nhân sự đã trải qua hoặc chứng kiến các hình thức bắt nạt khác tại nơi làm việc.
"Càng tìm hiểu, tôi càng nhận ra có nhiều người đã phải chịu đựng sự tổn thương đó một mình và trong im lặng", cô nói.
Bắt nạt nơi công sở là gì?
"Bất cứ hành động nào của đồng nghiệp khiến bạn cảm thấy không được tôn trọng, bị sỉ nhục... đều là dấu hiệu của bắt nạt", Soma khẳng định.
Còn theo Paul, bắt nạt còn xảy ra dưới các hình thức quấy rối tình dục, yêu cầu thái quá, bắt buộc tham gia các hoạt động không nằm trong phạm vi cho phép. Nhưng nhiều người cảm thấy xấu hổ khi phải thừa nhận mình bị cô lập, đối xử tệ tại môi trường công sở. Đó là lý do khiến mọi chuyện ngày càng diễn biến tệ hơn.
Trong khi đó, theo Human Rights, bắt nạt tại nơi công sở có thể bao gồm các dấu hiệu sau:
- Lặp đi lặp lại những lời nhận xét, công kích, chế giễu về gia đình, giới tính, tình dục, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, khả năng kinh tế của bạn.
- Quấy rối tình dục, đặc biệt là việc đụng chạm vào cơ thể, nhận xét hoặc đề ra những yêu cầu thiếu tế nhị khiến bạn không thoải mái.
- Cố tính cô lập, không cho bạn tham gia các hoạt động liên quan đến công việc bạn đang đảm nhận.
- Đe dọa, làm cho bạn cảm thấy kém quan trọng và bị đánh giá thấp.
- Giao cho bạn những nhiệm vụ vô nghĩa, không liên quan đến công việc. Yêu cầu bạn làm những công việc bất khả thi.
- Cố tình thay đổi giờ làm việc hoặc lịch trình để gây khó khăn cho bạn.
- Sử dụng vũ lực, đe dọa, tấn công bạn tại nơi làm việc.
Nhiều người là nhân chứng của những vụ bạo hành tinh thần tại công ty, nhưng không dám lên tiếng. Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels. |
Làm gì nếu bạn là người chứng kiến?
Mới đây, một nghiên cứu của Wattsnext Group, Công ty tư vấn về nguồn lực cho doanh nghiệp, cho biết trong vòng 12 tháng, 500 nhân viên đã chứng kiến, phát hiện 22 vụ ức hiếp, bắt nạt tại môi trường họ làm việc. Các hành động đó bao gồm che giấu thông tin, đe dọa bạo lực và lạm dụng.
Tuy nhiên, những nhân chứng đều gặp khó khăn khi muốn giúp đỡ nạn nhân, đặc biệt khi thủ phạm có thể là cấp trên hoặc người quản lý trực tiếp. Nghiên cứu cho thấy không chỉ nhân viên bị ức hiếp, mà cả những người chứng kiến hành vi đó đều cảm căng thẳng, tội lỗi và sợ hãi.
Nếu bạn cảm thấy mình đã hoặc đang chứng kiến hành vi bắt nạt tại nơi làm việc, Wattsnext tổng hợp một số lời khuyên từ các chuyên gia để bạn có thể giải quyết vấn đề.
- Tiếp cận người quản lý hoặc bộ phận HR: Điều đầu tiên bạn nên làm là liên hệ ngay với người quản lý hoặc bộ phận nhân sự để nhờ sự giúp đỡ và đưa ra hướng giải quyết tiếp theo. Nạn nhân của nạn bắt nạt thường không lên tiếng vì cảm thấy lời nói bị xem nhẹ, không có ai tin tưởng và lắng nghe. Tuy nhiên, nhân chứng lại khác, họ là người có khả năng kiến nghị vì là phe trung lập giữa hai bên.
- Ghi chép những bất thường: Hãy thu thập toàn bộ tài liệu, chứng cứ và phân loại theo từng danh mục. Điều này có thể bao gồm những trò đùa, bình luận ác ý, email vu khống, xuyên tạc, hạ thấp phẩm giá của ai đó mà bạn chứng kiến. Có thể việc ghi lại toàn bộ sự việc chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định đó không có giá trị ở hiện tại, nhưng nếu một trường hợp tương tự xảy ra, bạn sẽ có bằng chứng để tố cáo.
- Hỗ trợ và tiếp cận với nạn nhân: Điều quan trọng là bạn có thể nhận biết các dấu hiệu ai đó đang bị bắt nạt. Cho dù bạn ở vai trò là người lắng nghe, hay người đối chứng thông tin, hãy hỗ trợ họ càng nhiều càng tốt. Các nạn nhân bị bắt nạt tại nơi làm việc thường cảm thấy bị cô lập. Bạn có thể chia sẻ, động viên, khích lệ,... từ đó giúp họ tự đứng dậy, lên tiếng trình báo về những gì bản thân đang bị đối xử.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.