Nhiều người trong gia đình tôi đang thuộc diện F1 tiếp xúc gần F0, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vậy ngay từ bây giờ, tôi cần chuẩn bị những gì nếu người trong gia đình là F0?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam
Cuộc sống vẫn tiếp diễn ngay cả những nơi có dịch, do đó, bạn cần biết cách xử lý khi trong nhà có người mắc bệnh và giữ an toàn theo các hướng dẫn sau:
1. Chuẩn bị các số điện thoại liên lạc cần thiết, gồm hỗ trợ y tế (bác sĩ, trạm y tế, đường dây nóng và các số điện thoại hỗ trợ y tế trong trường hợp khẩn cấp) và các hỗ trợ khác (gia đình, bạn bè, hàng xóm, trường học hoặc nơi làm việc).
Ngoài ra, gia đình bạn cần dự trữ một số vật phẩm như các loại thuốc thông thường, khẩu trang y tế và chất tẩy rửa/khử trùng và thiết lập mạng lưới hỗ trợ cho việc mua nhu yếu phẩm, vận chuyển, trông trẻ và các nhu cầu cần thiết khác.
2. Cách ly người bệnh
Sau khi phát hiện người bệnh, bạn cần chuẩn bị một phòng riêng hoặc không gian biệt lập để giữ khoảng cách với những người khác. Trong phòng nên thoáng khí và mở cửa sổ thường xuyên.
3. Giảm tiếp xúc với virus
Chọn một thành viên trong gia đình là người tiếp xúc duy nhất với người bệnh. Đây phải là người có ít nguy cơ mắc bệnh nặng và ít tiếp xúc nhất với những người bên ngoài.
Người tiếp xúc phải luôn đeo khẩu trang nếu ở chung phòng với bệnh nhân. Dùng riêng bát, chén, đĩa, cốc, dụng cụ ăn uống và nằm riêng giường với người bệnh. Thường xuyên vệ sinh và khử khuẩn các bề mặt hay chạm tay vào.
4. Chăm sóc người bệnh
Theo dõi thường xuyên các triệu chứng của người bệnh. Đặc biệt lưu ý nếu người bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh nặng. Ngoài ra, cần đảm bảo cho người bệnh được nghỉ ngơi và uống đủ nước.
Khi phát hiện người bệnh có những dấu hiệu dưới đây, người nhà cần gọi ngay đến số điện thoại của y tế địa phương hoặc tổ phản ứng nhanh:
- Khó thở
- Mất khả năng nói hoặc vận động
- Dễ nhầm lẫn
- Đau ngực.