Cải tạo căn nhà tuổi thơ hơn 40 năm tuổi ở khu dân cư trung tâm TP.HCM. Sửa chữa lại những thiếu sót của ngôi nhà nhưng không làm mất đi những kỷ niệm tuổi thơ là điều mà chủ nhà mong muốn.
Nhận thấy ngôi nhà hơn 40 năm tuổi của mình chưa thể tận dụng được hết ánh sáng và gió tự nhiên nên kiến trúc sư Phạm Đức Minh (1993) quyết định tự cải tạo lại nó.
Đức Minh đặt tên công trình này là nhaso27. Con số 27 này mang hai ý nghĩa. Đây là địa chỉ của căn nhà và trùng hợp là Minh cũng sửa chữa nó vào năm 27 tuổi.
Mong muốn của Đức Minh khi bắt đầu cải tạo lại ngôi nhà là mang đến một không gian yên tĩnh và thân mật. Nhưng, nó vẫn phải thoáng mát và đảm bảo tiện nghi cho việc nghỉ ngơi, sinh hoạt của gia đình.
Hiện, có 7 thành viên thuộc 3 thế hệ đang sinh sống dưới cùng một mái nhà. Minh mong muốn sau khi cải tạo sẽ có một không gian sinh hoạt đáp ứng được các nhu cầu trong cuộc sống hiện tại và còn gắn kết được các thành viên trong gia đình.
_____
Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1980 và được bố mẹ của Đức Minh tự tay thiết kế mà chưa có sự tư vấn của đội ngũ thi công và thiết kế chuyên nghiệp. Hiện tại, căn nhà không còn phù hợp với nhu cầu của gia đình.
Ban đầu, nhà bị chia thành nhiều phòng nhỏ bởi các bức tường làm bằng bê tông nên trông rất ngột ngạt và bí bức.
Nhà có hướng chính là hướng Đông Bắc - vị trí đón được nhiều nắng. Tuy nhiên trong nhà lại không thể tận dụng được ánh sáng tự nhiên. Điều này khiến cho không gian bên trong nhà không được thoáng đãng.
Chính vì những lý do đó, Minh mong muốn ngôi nhà sau khi cải tạo sẽ có sự liên kết giữa các không gian sử dụng và sự kết nối giữa trong và ngoài.
Bên cạnh đó còn phải đảm bảo được tính kết nối giữa con người và thiên nhiên nhưng vẫn phải có tính riêng tư.
Lấy cảm hứng từ chính chiếc cầu thang đá mài màu đỏ của ngôi nhà - một điều đã gắn bó với kiến trúc sư từ những ngày thơ bé, Minh quyết định chọn hai màu trắng - đỏ làm chủ đạo trong thiết kế.
Đức Minh lựa chọn màu sắc như vậy nhằm ngụ ý luôn có sự liên kết giữa quá khứ và hiện tại ở ngôi nhà số 27 này.
Ở thiết kế cũ, ngôi nhà chưa tận dụng được khu vực giếng trời. Kiến trúc sư đã cho đập bỏ sàn bê tông và cầu thang của ba khu phân tầng cũ.
Thay vào đó, Đức Minh hướng đến việc làm cho khu vực đó trở nên thoáng đãng, hút được nhiều ánh sáng tự nhiên vào nhà hơn.
_____
Công trình bắt đầu khởi công vào cuối tháng 7 năm 2020. Ở giai đoạn đầu tiên, Đức Minh tiến hành đập bỏ toàn bộ các tường bê tông trong nhà, chỉ giữ lại những điểm chịu lực.
Giai đoạn này tốn thêm nhiều thời gian hơn dự tính ban đầu. Căn nhà có nhiều chi tiết nhỏ và khác so với tính toán của kiến trúc sư.
Ở một số điểm nằm trong hạng mục đập bỏ thì lại là đà chịu lực nên điều này khác với tính toán ban đầu của Minh. Chính vì thế, kiến trúc sư quyết định thực hiện vài thiết kế ngẫu hứng và tùy biến cho công trình của mình.
Bên cạnh đó, do nhà đã xây dựng từ lâu nên bê tông cũ quá yếu. Điều này đòi hỏi kiến trúc sư và đội ngũ thi công phải sử dụng thêm các phương pháp gia cố và chống thấm lại toàn bộ ngôi nhà.
Điểm yếu của ngôi nhà trước đây là không thể đưa ánh sáng và gió từ bên ngoài vào. Đây là điều mà Đức Minh mong muốn cải thiện được nhất ở nhà của mình.
Dựa trên kết cấu cũ, kiến trúc sư đã mở ba vị trí thông tầng để đảm bảo việc thông gió trục đứng đạt được hiệu quả tốt nhất.
Đầu tiên, Minh cho xây dựng một hồ nước cạn ở vị trí dưới gầm cầu thang - khu vực nhà kho cũ. Việc bổ sung thêm một hồ nước trong nhà như này sẽ gây ra sự chênh lệch áp suất trong không khí. Từ đó có thể hỗ trợ quá trình thông gió tốt hơn.
Thay vì sử dụng các mảng tường bê tông như trước đây, Đức Minh đã thay bằng các tấm kính lớn. Như vậy, cả ngôi nhà lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng.
Tuy nhiên, do nhà ở hướng Đông Bắc nên vào ban ngày, ánh nắng chiếu vào rất gay gắt. Để cải thiện tình trạng này, kiến trúc sư đã cho lùi các cửa kính vào thêm một bức tường, không để trực tiếp ở mặt tiền.
Bên cạnh đó, Minh còn trồng thêm nhiều cây xanh trong nhà. Việc bổ sung thêm cây xanh trong thiết kế của mình theo kiến trúc sư chia sẻ có hai tác dụng.
Cây xanh giúp thanh lọc bầu không khí trong nhà, tạo cảm giác thoáng đãng và mát mẻ hơn. Ngoài ra, các loại cây to cũng giúp chắn bớt nắng. Đức Minh đã phải tính toán vị trí cũng như các loại cây trồng phù hợp cho từng mục đích.
Theo kiến trúc sư, việc trồng nhiều cây xanh không làm ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt. Cây xanh đáp ứng cả tính thẩm mỹ và tính ứng dụng của công trình.
Do có nhiều thành viên cùng sinh sống trong nhà, việc thiết kế dựa theo sở thích từng cá nhân là rất khó. Đức Minh đã phải tìm ra mẫu chung từ nhu cầu của mỗi thành viên: sự đơn giản và tinh tế.
Minh quyết định tinh giản đồ nội thất và vật dụng trang trí trong nhà. Kiến trúc sư cũng không định hình phong cách nào trước khi thi công. Nguyên tắc mà Minh tuân theo đó là: giữ cái cần giữ và bỏ cái cần bỏ.
Chính vì thế, các phòng trong nhà được sắp xếp và bày biện rất đơn giản, gọn gàng. Đức Minh tập trung vào việc tận dụng được nhiều nhất không gian để sinh hoạt.
Đức Minh ưu tiên sự gắn kết của các thành viên trong gia đình nên đã thiết kế phòng khách và bếp ở vị trí trung tâm.
Đây cũng là vị trí có không gian lớn nhất để các thành viên trong gia đình có thể dễ dàng sử dụng. Không gian sinh hoạt gia đình có thể liên kết với tất cả các không gian khác.
Chi phí xây dựng cũng là một trong những vấn đề khiến Minh "đau đầu". Xây dựng cho chính gia đình mình, Đức Minh cần cân đối giữa sự tiết kiệm và hiệu quả.
Kiến trúc sư vẫn giữ lại những món đồ nội thất cũ còn giá trị sử dụng. Tìm cho chúng một không gian hợp lý trong nhà để tránh ảnh hưởng đến tổng thể.
Việc tái sử dụng những món đồ nội thất cũ của gia đình sẽ giúp tiết kiệm được một phần chi phí. Bên cạnh đó, các món đồ nội thất cũ sẽ giúp gợi lại những kí ức gắn liền với ngôi nhà của mỗi thành viên.
_____
Sau 7 tháng thi công, gia đình Đức Minh đã có một ngôi nhà mới đúng như mong muốn. Vấn đề thông gió và ánh sáng đã được giải quyết triệt để.
Điều này giúp gia đình Minh tiết kiệm được một phần chi phí trong sinh hoạt nhưng vẫn đảm bảo được sự tiện nghi khi sử dụng.
Bên cạnh đó, thiết kế mới này cũng phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng của từng thành viên. Không gian sinh hoạt chung rộng rãi hơn cũng giúp các thành viên trong gia đình thêm phần gắn kết.
Một số hình ảnh khác về ngôi nhà