Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) 2015, thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường xét tuyển theo nhóm trường sẽ được ĐKXT tối đa vào 2 trường trong đợt 1, mỗi trường không quá 2 ngành.
Lượng thí sinh “ảo” khổng lồ
Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, phương án này sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội vào 2 trường. Điều này cũng đồng nghĩa việc thí sinh có nhiều cơ hội hơn để chọn lựa được ngành đã định hướng trong tương lai.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trường ĐH lo lắng vì nếu quy định này chính thức được ban hành, các trường sẽ phải đối mặt với tỉ lệ thí sinh “ảo” rất lớn.
Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, cho rằng, nếu không sử dụng phần mềm lọc thí sinh “ảo”, với điều kiện là kho dữ liệu chung của tất cả các trường hoặc của một nhóm trường có mức điểm ngang nhau thì sẽ sinh ra lượng thí sinh “ảo” lớn.
Khi có cơ hội, chắc chắn các em sẽ đăng ký cả 2 nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển của mình. Khi đó, những thí sinh điểm cao sẽ trúng tuyển cả hai trường nhưng chỉ được chọn một. Điều này sẽ gây khó khăn cho các trường.
Một chuyên gia tuyển sinh dự đoán khả năng thí sinh “ảo” trong kỳ thi năm nay là rất lớn nhưng sẽ chỉ nằm trong nhóm 30-40 trường tốp trên.
Vì thế, để giải quyết vấn đề này, đã có nhiều trường ĐH liên kết thành lập nhóm xét tuyển chung, gồm: Bách khoa Hà Nội, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Mỏ - Địa chất, Thủy lợi, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân…
Theo một chuyên gia của ĐH Bách khoa Hà Nội, phương án đưa ra là tất cả các trường thành viên của nhóm sẽ tạo một kho dữ liệu xét tuyển chung và dùng chung một phần mềm xét tuyển. Các thành viên của nhóm là những trường có mức điểm tuyển các năm trước tương đương nhau, có thể có trường cao hơn một chút, miễn là đừng trường nào lấy ngang “sàn” của bộ.
“Có thể sẽ phải có một đầu mối tập hợp dữ liệu hồ sơ xét tuyển của tất cả các trường. Nhóm sẽ tạo một phần mềm xét tuyển cho tất cả các trường. Từ kho dữ liệu chung và căn cứ vào tiêu chí xét tuyển của từng trường, mỗi trường sẽ tự tính để xác định điểm chuẩn cho mình” - chuyên gia nói.
Thí sinh dự thi vào ĐHQG Hà Nội năm 2015. Ảnh: Lê Hiếu. |
Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ
Trước những lo lắng của các trường về vấn đề thí sinh “ảo”, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT, thừa nhận với phương án này, dự báo tỉ lệ hồ sơ “ảo” sẽ tăng lên.
Tuy vậy, ông Trinh cũng cho rằng, tất cả những phương án tuyển sinh đều có mặt tích cực và hạn chế. Hiện tại, trong bối cảnh cụ thể sẽ không có phương án tuyển sinh nào thỏa mãn và đạt được các thông số bảo đảm tất cả lợi ích của phía người học, phụ huynh, các cơ sở đào tạo và toàn xã hội.
Để khắc phục tình trạng hồ sơ “ảo”, ông Trinh cho rằng, trong quá trình đăng ký xét tuyển, phần mềm quản lý thi của Bộ GD&ĐT sẽ bảo đảm thí sinh đăng ký không vượt quá số nguyện vọng được quy định của Quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016.
Căn cứ nhiều tham số như số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh và qua những kinh nghiệm tích lũy nhiều năm trong tuyển sinh, các trường sẽ phải giải quyết tỉ lệ hồ sơ “ảo” bằng cách quyết định một số dôi dư phù hợp so với chỉ tiêu nhằm khắc phục được hồ sơ “ảo”.
Dù vậy, các trường cũng phải bảo đảm không được tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu theo quy định theo mức cho phép. Ông Trinh cũng cho rằng nếu các trường có nhu cầu, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ đưa ra giải pháp để giải quyết lo lắng này.
Quan điểm này của Bộ GD&ĐT đã nhận được sự phản hồi tích cực của nhiều trường. Ông Trần Mạnh Dũng cho rằng mặc dù các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng rất muốn Bộ GD-ĐT giúp trong việc tuyển sinh theo nhóm.
Muốn tuyển sinh theo nhóm, không còn cách nào khác là dùng phần mềm để lọc “ảo” và nhập nhóm với các trường có mức điểm tương đương. Ông Dũng khẳng định việc tham gia xét tuyển theo nhóm sẽ cố gắng để thuận lợi cho cả nhà trường và thí sinh.