Nguyễn V.A, học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ, đến thời điểm này em vẫn rất băn khoăn về việc chọn ngành nghề.
V.A kể, mẹ cô rất thích con gái phải lựa chọn nghề mà sau khi ra trường có đặc tính công việc ổn định như giáo viên chẳng hạn. Bố V.A lại muốn con lựa chọn các trường cùng ngành với bố trong quân đội để sau này dễ xin việc. Trong khi đó, V.A lại muốn chọn nghề truyền thông Maketing hiện là xu hướng lựa chọn của nhiều người trẻ.
V.A chia sẻ: “Em yêu thích ngành học này vì phù hợp với tính cách của em”. Tuy nhiên, điều khiến V.A khá buồn là em vẫn chưa thể thống nhất được với gia đình, “có khi em phải theo ý của mẹ hoặc bố thôi”, V.A nói.
Ảnh minh họa: Tiền Phong. |
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, ông chứng kiến nhiều học sinh lựa chọn nghề nghiệp chịu sự chi phối của gia đình vì có lợi thế quen biết đảm bảo đầu ra hoặc học ngành bố mẹ mong muốn. Vì thế, sau khi vào ĐH, không ít học sinh đã chán nản, chuyển trường, chuyển ngành học, hoặc cố theo đuổi thì khi ra trường cũng sẽ không đạt hiệu quả công việc như mong muốn, chưa kể là thất nghiệp.
Một trong những cách hướng nghiệp hiệu quả hiện nay là ngay khi bước chân vào lớp 12, trường mời chuyên gia đến từng lớp nói chuyện về các ngành học, điều kiện để theo đuổi các ngành này, cơ hội việc làm trong tương lai… để học sinh nhận ra năng lực, mong muốn của mình từ đó có lựa chọn đúng.
“Chọn ngành học mà không cần biết mình có thích hay không, có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp hay không sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc của cả gia đình và xã hội”, ông Bình nói.
Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) ông Phạm Văn Hoan cũng cho rằng, học sinh hiện nay lựa chọn nghề nghiệp chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan không đơn thuần là sở thích.
TS Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia Tâm lý học hướng nghiệp, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, nếu học sinh chọn ngành nghề không đúng năng lực, tính cách, tố chất mình có phù hợp với nghề hay không sẽ là một thất bại.
Theo TS Hà, trong nhiều lần đi tư vấn hướng nghiệp, ông nhận thấy nhiều học sinh chọn ngành nghề khá cảm tính, đặc biệt là học sinh vùng nông thôn. Ông Hà cho rằng, không ít người lựa chọn ngành nghề chỉ đuổi theo bề nổi của nghề đó mà không tìm hiểu sâu về khó khăn, mặt trái của nghề.
TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết, một kết quả nghiên cứu gần đây khảo sát sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học, có đến 65,4% sinh viên chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học mình lựa chọn; 50,8% không biết học xong ra làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Chính vì thế, có đến 75,6% sinh viên cho biết họ ít thỏa mãn với sự lựa chọn của mình.