Buổi tọa đàm trực tuyến "Học online thời dịch", do Zing tổ chức vừa qua, có sự tham dự của: PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT; TS Trần Bá Trình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nghiệp vụ Sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội; NGƯT Đinh Thị Tú - Giám đốc khối Tiểu học miền Bắc của Vinschool; thầy Phan Anh - Giám đốc khối THCS miền Bắc của Vinschool.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra một số gợi ý để việc dạy và học online hiệu quả hơn.
Chuẩn bị tốt trước mỗi tiết học
Trước khi chính thức triển khai dạy học trực tuyến từ 10/2, NGƯT Đinh Thị Tú - Giám đốc khối Tiểu học miền Bắc của Vinschool - cho biết trường đã thông báo và gửi các quy định cụ thể tới phụ huynh. Song song đó, trường thiết kế thời khoá biểu kèm thư tuần với đầy đủ nội dung học tập trong tuần, gửi phụ huynh trước 2 ngày để chủ động sắp xếp cho con tham gia lớp học.
Các thầy cô cũng gửi hướng dẫn để học sinh chuẩn bị thiết bị, hoặc tạo sẵn đường link để các em click vào là học được.
Từ góc độ nhà quản lý, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết nhà trường cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng, có máy tính kết nối với các tổ chuyên môn, xây dựng kế hoạch học tập bình thường theo bài học. Theo chương trình tinh giản của Bộ GĐ&ĐT, nhà trường có trách nhiệm bồi dưỡng giáo viên khi chất lượng chưa đồng đều.
NGƯT Đinh Thị Tú tại buổi tọa đàm trực tuyến. |
Gia đình sát sao cùng nhà trường
Học trực tiếp trên lớp giúp giáo viên quan sát và hỗ trợ học sinh ngay lúc đó. Với học online, việc hỗ trợ này cần sự phối hợp của gia đình. Gia đình cần sát sao để việc học đạt hiệu quả.
“Gia đình nên giữ liên hệ với giáo viên, cùng giáo cụ trong tay, vở viết để giúp con luyện tập. Điều này sẽ giúp các con thích nghi nhanh khi quay lại trường”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nhận định.
Còn theo TS Trần Bá Trình, phụ huynh và học sinh hãy mạnh dạn phản hồi các vấn đề còn tồn tại để nhà trường và giáo viên tiếp thu, điều chỉnh trong khả năng của mình.
Với lợi thế đã triển khai học online song song với offline từ 2 năm trước, NGƯT Đinh Thị Tú cho biết học sinh Vinschool không gặp nhiều khó khăn khi học online 100%. Tuy nhiên, thời gian đầu, phụ huynh cần ngồi cùng con để hướng dẫn sử dụng máy móc. Sau vài buổi và khi đã quen, học sinh có thể chủ động đăng nhập để học.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành. |
Giữ tập trung, tăng tương tác
Học online có nhược điểm là khó tập trung, đặc biệt với bậc tiểu học. Để khắc phục điều này, NGƯT Đinh Thị Tú đưa ra 2 yêu cầu: Từ phía gia đình cần tạo không gian học tập yên tĩnh để con không bị xao nhãng; đồng thời động viên và đồng hành cùng con trong vài buổi học đầu.
Về phía giáo viên, nội dung bài giảng phải đủ hấp dẫn để các em hứng thú tham gia. Tại Vinschool, bài giảng được thể hiện qua các clip 5-7 phút bởi quá thời gian này, học sinh sẽ bị mệt. Trong giờ học, giáo viên tổ chức chơi trắc nghiệm online trên Kahoot, Class Dojo... để khuấy động không khí.
TS Trần Bá Trình gợi ý thời gian học online chỉ nên kéo dài 20-40 phút, bài học tinh giản, thiết thực và giàu tương tác hỏi - đáp. Ngoài ra, thầy cô nên khen ngợi kịp thời để ghi nhận nỗ lực của học sinh.
Tiến sĩ Trần Bá Trình. |
Đảm bảo sức khỏe
Nhiều phụ huynh lo rằng ngồi lâu trước máy tính sẽ hại mắt, đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học, THCS.Để khắc phục phần nào vấn đề này, theo TS Trần Bá Trình, phụ huynh nên lưu ý không gian đặt máy tính và khoảng cách từ màn hình tới mắt trẻ.
Về phía giáo viên, nên đặt hiệu quả lên hàng đầu, không nên yêu cầu các em học online với thời lượng bằng hoặc hơn thời gian học thông thường. Ngoài ra, giáo viên có thể đặt ra các nhiệm vụ học tập mà học sinh không phải tiếp xúc với máy tính, tivi như đọc sách, phiếu học tập, thực hành… Thời gian ngồi trước máy tính nên dành để giảng giải các khái niệm khó, giải đáp thắc mắc.
Thầy Phan Anh tại buổi tọa đàm trực tuyến. |
Để đảm bảo sức khỏe cho học trò, thầy Phan Anh - Giám đốc khối THCS miền Bắc của Vinschool cho biết, nhà trường xây dựng thời gian biểu hợp lý. Giữa các tiết, giáo viên để học sinh có thời gian rời khỏi màn hình, thư giãn mắt và vận động nhẹ nhàng.
Có thể thấy, học online là giải pháp khả dĩ nhất để duy trì việc học của học sinh, đồng thời đảm bảo kế hoạch năm học, đặc biệt với học sinh cuối cấp, sinh viên năm cuối.
Chấp nhận đây là việc cần làm và làm tốt nhất trong khả năng của mình là góp sức giải quyết các khó khăn của ngành giáo dục nói riêng và của đất nước nói chung trước bối cảnh dịch bệnh.
Bình luận