Đối với người dùng ôtô điện có garage riêng tại nhà, bài toán sạc điện có phần đơn giản và thuận tiện hơn so với những khách hàng gửi xe ở bãi hoặc đỗ ở hầm chung cư. Vậy đâu là các giải pháp để người dùng sạc xe điện tại nhà?
Bộ sạc di động
Với những gia đình có nơi đỗ xe tại nhà và sử dụng ôtô điện, giải pháp phổ biến và đơn giản nhất để sạc pin là sử dụng bộ sạc di động.
Với bộ sạc di động, người dùng có thể cắm nguồn trực tiếp vào hệ thống điện dân dụng, bộ chuyển đổi sẽ chuyển dòng điện xoay chiều thành điện một chiều và nạp năng lượng cho xe.
Người dùng xe điện có thể sạc pin bằng nguồn điện dân dụng thông qua bộ sạc di động. Ảnh: Splitvolt. |
Ưu điểm chính của bộ sạc di động là tính linh động, dễ thao tác sử dụng và không tốn không gian bố trí. Ngoài sử dụng tại nhà riêng, người dùng có thể mang theo bộ sạc di động theo xe và sạc pin ở bất kỳ nơi nào có ổ cắm điện.
Tuy nhiên, thời gian sạc pin với bộ sạc di động là dài nhất trong số các phương pháp sạc cho xe điện.
Như với mẫu xe điện VinFast VF e34 có dung lượng pin 42 kWh, bộ sạc di động theo xe có 2 loại công suất 3,5 kW và 2,2 kW. Thời gian cần để sạc từ 10% đến 70% dung lượng pin kéo dài khoảng 7-11 giờ, phù hợp nhất để sử dụng khi đỗ xe qua đêm.
Bộ sạc cố định
Để cải thiện được thời gian sạc xe pin tại nhà, người dùng có thể chọn lắp đặt hộp sạc cố định với cường độ dòng điện lớn hơn.
Ví dụ, khi sử dụng bộ sạc treo tường công suất 7,4 kW, chiếc VinFast VF e34 chỉ cần 3 giờ 15 phút để nạp 10-70% dung lượng pin. Thời gian này nhanh hơn gấp đôi so với khi sử bộ sạc di động, cần một buổi sạc ngắn để nạp đủ năng lượng cho quãng đường khoảng 200 km.
Bộ sạc cố định giúp rút ngắn thời gian sạc xe điện tại nhà. Ảnh: Cars. |
Đối với loại hộp sạc tại nhà người dùng có thể tùy chọn nơi bố trí, trang bị độ dài dây sạc phù hợp cho việc sử dụng cũng như thói quen đỗ xe. Một số hãng xe cung cấp thiết kế hộp sạc treo tường hoặc lắp trụ sạc rời để không can thiệp đến kết cấu của công trình.
Giải pháp sử dụng bộ sạc cố định phức tạp hơn việc sử dụng trạm sạc di động, cần có bộ phận kỹ thuật khảo sát kỹ lưỡng để đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn khi sử dụng, chẳng hạn nơi lắp đặt an toàn và có hệ thống quản lý nguồn điện.
Hiện nay, hầu hết hãng xe thu phí lắp bộ sạc cố định tại nhà, tuy nhiên cũng có nhà sản xuất hỗ trợ miễn phí để thu hút khách hàng. Ngoài ra, một số nước ở khu vực châu Âu như Anh quốc có chính sách trợ giá chi phí lắp bộ sạc cố định để khuyến khích người dân sử dụng ôtô điện.
Chi phí sử dụng
Với việc sạc pin tại nhà, người dùng ôtô điện sẽ cần chi trả tiền điện theo thang giá điện sinh hoạt. Tùy theo định mức sử dụng các thiết bị điện trong nhà mà chi phí sạc pin xe điện sẽ có sự khác biệt tùy theo bậc tính trong thang giá điện.
Hiện tại, biểu giá điện sinh hoạt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gồm 6 bậc, dao động 1,678-2,927 đồng cho mỗi kWh (số điện) sử dụng.
Chi phí sạc xe điện tại nhà có sự chênh lệch tùy theo biểu giá sử dụng điện của từng hộ gia đình. Ảnh: VinFast. |
Lấy ví dụ tại một gia đình hàng tháng sử dụng bình quân 400 số điện có hóa đơn tiền điện khoảng 900.000 đồng/tháng.
Khi sạc VinFast VF e34 tại nhà, phần điện cộng thêm sẽ tính ở bậc cao nhất với giá hơn 2.900 đồng/kWh. Mỗi lần sạc đầy bộ pin 42 kWh, tương đương 42 số điện, người dùng cần trả gần 123.000 đồng và di chuyển được khoảng 300 km.