Để tránh mua phải các loại trái cây Trung Quốc kém chất lượng, người mua nên chọn mua tại những cửa hàng uy tín hay các siêu thị lớn. Nên mua đúng mùa bởi trái cây trái mùa thường độc hại.
Trước khi ăn trái cây, nên ngâm trái cây vào nước muối khoảng 30 phút sau đó rửa sạch lại bằng nước và sử dụng bình thường.
Dưới dây là một số loại hoa quả phổ biến và cách nhận biết:
Nho Trung Quốc
Phân biệt nho Việt và nho Trung Quốc. Ảnh: Quang Minh |
Nho đỏ của Trung Quốc: Nho Trung Quốc to, tròn gấp đôi nho Việt Nam. Quả nho có màu chín đỏ nhạt, trên vỏ thường có những vết lốm đốm màu trắng.
Nho Trung Quốc có vị chua, mềm, bở và nhiều hạt. Các trái nho trong cùng một chùm thường rời rạc. Nếu nho Trung Quốc trong tủ lạnh, sau khi bỏ ra ngoài sẽ trở nên bở và nhão, mùi vị kém hấp dẫn.
Nho xanh Trung Quốc: Vỏ quả mỏng hơn, không có hạt, nho có vị ngọt gắt, đầu cuống thường bị thâm. Khi dùng tay ấn nhẹ thì thấy trái nhỏ mềm hơn và mọng nước.
Cam Trung Quốc
Tại Việt Nam, cam Trung Quốc cũng được chia làm 2 loại là cam vàng và cam xanh. Bề ngoài, cam Trung Quốc có vỏ láng mịn, không tỳ vết, màu sắc tươi lâu và loại nào cũng không có hạt.
Cam vàng của Trung Quốc có màu vàng chanh hoặc cam rất đặc trưng. Còn loại cam xanh cũng có màu xanh như cam miền Tây nhưng màu nhạt hơn, rất bóng và vỏ dày.
Bên cạnh đó, khi được bày bán, cam Trung Quốc cũng có phần cuống nhưng màu hơi thâm và rất dễ rụng, cuống không chắc chắn như cam miền Tây.
Do có thể ngâm thuốc bảo quản và thuốc phát triển nhanh nên lá cam Trung Quốc thường rất non, màu nhạt. Khi bổ cam, phần cùi có màu hơi nhạt và không có mùi thơm. Đặc biệt, các giống có xuất xứ từ Trung Quốc đều không có hạt, vị ngọt đậm và múi có vị hơi úng.
Táo Trung Quốc
Táo Trung Quốc quả thường tròn, được bọc trong lưới xốp. Nếu để ý kỹ sẽ thấy khi bóc táo khỏi lưới xốp xuất hiện nhiều hạt màu trắng mịn, đó chính là hóa chất bảo quản.
Đối với loại táo xanh Trung Quốc thường có vỏ xanh nhạt gần như là xanh trắng, ăn có vị chát. Táo đỏ kích cỡ thường lớn nhỏ khác nhau, độ chênh góc không đều nên khi đặt đứng thường bị nghiêng.
Khi bổ táo Trung Quốc gần như không có mùi gì, lòng táo có màu vàng trắng. Táo nhập từ Châu Âu có độ ngọt, độ thơm khác hẳn, táo Trung Quốc ăn thường xốp hơn, độ ngọt có vị lợ lợ.
Lê Trung Quốc
Trong lê Trung Quốc, người ta tìm thấy hóa chất Endosulfan, đây là hóa chất độc hại cần loại trừ trên toàn thế giới của Liên hợp quốc. Do sử dụng nhiều chất bảo quản nên lê Trung Quốc giữ được vẻ ngoài hấp dẫn lâu hơn, trong khi chất lượng bên trong không được đảm bảo.
Thông thường, hình dáng những quả lê Trung Quốc thường to tròn, bóng đẹp, có màu xanh hoặc vàng tươi, quả đồng đều rất bắt mắt. Trong khi đó, lê Việt Nam lại thon dài, có vỏ sần sùi và màu vàng đậm.
Nếu như lê Việt Nam có vị ngọt, hơi chua, mùi thơm dịu thì lê Trung Quốc có vị ngọt đậm, không có mùi thơm đặc trưng.
Lựu Trung Quốc
Nếu như lựu Việt Nam thường nhỏ, da sần sùi hoặc bị nám thì lựu Trung Quốc lại có kích thước lớn hơn, vỏ ngoài mịn, căng tròn hơn. Màu của vỏ thường trắng hồng.
Ngoài ra, lựu Trung Quốc thường có hạt đỏ rực, bắt mắt, các hạt đều nhau. Hạt lựu Trung Quốc thường không mùi hoặc mùi của hoá chất. Lựu Trung Quốc thường được bày bán sớm và dài hơn lựu Việt Nam do chứa nhiều chất bảo quản.
Xoài Trung Quốc
Xoài Trung Quốc thường được thúc chín một cách siêu tốc bằng những hóa chất độc hại.
Xoài Trung Quốc có mùi hắc, vỏ có màu vàng mờ, lấm tấm đen ở cuống. Những quả xoài vỏ màu xanh nhưng bên trong lại chín vàng, không có vị xoài là xoài Trung Quốc đã được ngâm tẩm nhiều hóa chất.