Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Làm việc 4 ngày/tuần' có thể rút ngắn nữa

Chuyên gia tin rằng sự thông dụng của công cụ năng suất và AI, cùng với các lãnh đạo công ty thừa nhận tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi, làm việc 4 ngày/tuần có thể rút ngắn nữa.

Vài năm trước, Shubham Agarwal (Mỹ) - freelancer về công nghệ - thường xuyên cảm thấy 2 ngày cuối tuần không bao giờ đủ cho mình nghỉ ngơi. Thời gian rảnh rỗi chủ yếu dành cho những công việc lặt vặt mà trong tuần không thể làm được vì bận rộn.

Và đến thứ 2, sang một tuần mới, Agarwal vẫn cảm thấy kiệt sức, theo Business Insider.

Năm 2018, một công ty của New Zealand tiến hành thử nghiệm kiểm tra hiệu quả của tuần làm việc 4 ngày, với kết quả cho thấy người tham gia làm việc hiệu quả hơn, báo cáo mức độ căng thẳng thấp hơn và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống được cải thiện nhiều.

Bị hấp dẫn bởi ý tưởng đó, người đàn ông quyết định thử theo, tự sắp đặt lại lịch làm việc linh hoạt của mình. 5 năm sau đó, Agarwal vẫn duy trì làm việc 4 ngày/tuần.

lam viec 4 ngay/tuan anh 1

Đợt thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày lớn nhất từ trước đến nay cho thấy hầu hết công ty ở Anh không quay lại lịch 5 ngày tiêu chuẩn, với 1/3 sẵn sàng thay đổi quy định vĩnh viễn. Ảnh: The Guardian.

“Mặc dù không hoàn hảo, nhưng tuần làm việc ngắn lại đã thay đổi và đem lại nhiều thứ tích cực hơn cho tôi”, anh nói.

Tại sao hiệu quả

Từ góc nhìn của Agarwal, khi công việc len lỏi vào cuộc sống và gia đình, một ngày làm việc điển hình từ 9h đến 17h trở thành dĩ vãng. Theo khảo sát của ứng dụng Rescue Time đối với nhóm lao động tri thức, hơn 90% nhân viên thừa nhận thường xuyên làm việc vào buổi tối và cuối tuần.

Điều này dẫn đến “không có chỗ thở để ngắt kết nối với công việc, còn cuối tuần lại trở thành 2 ngày hỗ trợ làm việc tiếp, thay vì là thời gian nghỉ ngơi cần thiết”. Nền văn hóa hối hả dễ đẩy con người vào tình trạng kiệt quệ.

Ban đầu, Agarwal có lo lắng cho khối lượng công việc và thu nhập của mình khi không làm việc vào thứ 6. Hơn nữa, anh sợ những khách hàng sẽ chuyển sang hợp tác với những người sẵn sàng làm việc bất cứ lúc nào.

Sau một tháng, chàng trai yên tâm hơn với lựa chọn của mình bởi tinh thần làm việc được cải thiện, còn thu nhập không bị ảnh hưởng. Hàng ngày, anh đánh dấu các nhiệm vụ cần ưu tiên, đẩy mạnh tốc độ giải quyết.

3 ngày cuối tuần, Agarwal dùng để phục hồi, làm nhiều việc lặt vặt, trong khi vẫn dư dả thời giờ lái xe về vùng nông thôn để đi bộ đường dài. Cảm giác sợ hãi mơ hồ vào các ngày thứ hai cũng biến mất.

lam viec 4 ngay/tuan anh 2

Khái niệm về tuần làm việc rút ngắn được quan tâm kể từ khi dịch Covid-19 thay đổi lịch trình làm việc và cho nhiều người lao động cái nhìn sơ lược về cách thức linh hoạt có thể cải thiện cuộc sống của họ. Ảnh: BI.

Điểm dễ thấy nhất khi cắt giảm số ngày làm việc trong tuần là nhân viên có thêm thời gian cho nhu cầu cơ bản: Ngủ. Một nghiên cứu của Đại học Turin (Italy) chỉ ra những nhân viên ngủ đủ giấc có xu hướng tích cực và làm việc tốt hơn và việc cắt giảm số ngày làm có liên quan trực tiếp đến cải thiện thói quen ngủ.

Mặt khác, các nhà nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học Pittsburgh nhận thấy giấc ngủ vào 2 ngày cuối tuần có thể gây hại cho sức khỏe và tinh thần. Thói quen điển hình là thức khuya và ngủ dậy muộn, trước khi nhanh chóng trở lại với nhịp làm việc chỉ trong vòng 48 giờ được phát hiện là gây căng thẳng hơn cho cơ thể, phá vỡ nhịp sinh học và chu kỳ giấc ngủ.

Khả năng cao còn rút ngắn thêm

Mặc dù tuần làm việc 4 ngày được xem như một hiện tượng gần đây, thực tế nó đã hình thành trong nhiều thập kỷ.

Năm 1956, cựu Tổng thống Richard Nixon đưa ra dự đoán nổi tiếng rằng tuần làm việc 4 ngày sẽ "trong một tương lai không xa”, nhưng bất ổn kinh tế trong những năm tiếp theo đã cản trở mọi nỗ lực thử nghiệm.

Alex Soojung-Kim Pang, tác giả cuốn sách "Rest: Why You Get More Done When You Work Less”, cho biết tuần làm việc 4 ngày đã bị lùi lại do sự trỗi dậy của văn hóa hối hả vào những năm 1980.

Niamh Bridson Hubbard, nhà nghiên cứu xã hội học tại Đại học Cambridge, người trong nhóm đánh giá thử nghiệm ở Vương quốc Anh, tin rằng một khi đại dịch đã xác định lại cách thức làm việc nên được thực hiện, cả nhân viên và doanh nghiệp đều suy nghĩ về khả năng của những cách làm thay thế.

Quan trọng hơn, nó nhấn mạnh xung đột cuộc sống và công việc ngày càng tăng giữa mọi người, vì các ứng dụng nơi làm việc như Slack khiến việc rời xa khỏi các thiết bị công việc ngày càng khó khăn.

lam viec 4 ngay/tuan anh 3

Trong quá khứ, một số chuyên gia từng nói về tuần làm việc 4 ngày, trước khi nó được triển khai nhiều hơn vào các năm gần đây. Ảnh: Korea Herald.

Mặc dù số giờ làm việc của người Mỹ ngày càng tăng, mọi người không làm việc hiệu quả hơn. Một cuộc khảo sát năm 2019 của công ty phần mềm Asana cho thấy công nhân chỉ làm việc hiệu quả 40% thời gian, tương đương hai ngày mỗi tuần.

Phil McParlane, nhà phát triển ở Scotland, người đã xây dựng 4dayweek.io, một nền tảng dành riêng cho việc tìm việc làm 4 ngày/tuần. Ở vị trí toàn thời gian trước đây, McParlane thất vọng với lượng thời gian lãng phí cho những cuộc tán gẫu, họp hành ở văn phòng và nhanh chóng nhận ra không cần đến 5 ngày để hoàn thành nhiệm vụ.

Tin vậy, anh xin nghỉ việc và phát triển một nền tảng để đáp ứng nhu cầu dự kiến. Công ty của anh hiện có hơn 100.000 người tìm việc và 250 tổ chức, bao gồm cả chính phủ Vương quốc Anh.

Bất chấp những lời khen ngợi, tuần làm việc 4 ngày không phải là điều hoàn hảo. Đối với một số ngành hoặc vị trí, như bác sĩ và giáo viên, việc rút ngắn ngày làm ít thực tế hơn. Bản thân những người trải qua cũng thừa nhận có những lúc phải giải quyết nốt công việc sang ngày thứ 6.

Calvin Newport, giáo sư ngành khoa học máy tính tại Đại học Georgetown, tác giả cuốn Deep Work, thừa nhận dù có nhiều lợi ích, các nhân viên văn phòng vốn được đánh giá bằng đầu việc hoàn thành, thay vì số giờ làm, nên các tổ chức cuối cùng sẽ phải giảm khối lượng công việc để phù hợp với những sắp xếp mới này.

Đối với một số chuyên gia, tuần làm việc 4 ngày mới chỉ là khởi đầu. Gần một thế kỷ trước, nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã gợi ý rằng đến năm 2030, tất cả sẽ chỉ làm việc 15 giờ/tuần nhờ các công nghệ tiết kiệm lao động.

Gần đây hơn, Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán rằng máy móc và thuật toán sẽ thực hiện hơn một nửa số nhiệm vụ tại nơi làm việc vào năm 2025.

Nói cách khác, khi AI cải thiện và tự động hóa nhiều công việc hơn trong vài năm tới, số giờ làm việc có thể còn tiếp tục giảm xuống và thúc đẩy tuần làm việc ngắn hơn nữa.

Điều chưa ai tính đến khi làm việc 4 ngày/tuần

Kết quả thử nghiệm khả quan ở vương Quốc Anh khiến đông nhân viên Mỹ háo hức được giảm giờ làm hơn bao giờ hết. Nhưng văn hóa hối hả, đề cao sự chăm chỉ lại là rào cản lớn.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm