Cận Tết Kỷ Hợi 2019, làng bánh chưng ở Đồng Nai tất bật gói hàng trăm tấn bánh để phục vụ người dân. Một lượng lớn sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài để kiều bào đón Tết.
Những ngày này, hơn 30 hộ dân chuyên sản xuất bánh chưng ở phường Hố Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai) bước vào đợt sản xuất bánh lớn nhất của năm. Dịp Tết, các cơ sở sản xuất cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Là cho biết cơ sở sản xuất bánh chưng của gia đình hoạt động liên tục 12 tháng trong năm và Tết Nguyên đán được xem là vụ chính. "Chúng tôi đang phải làm cả ngày lẫn đêm, thuê thêm nhân công để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường", chị Là nói.
Theo anh Nguyễn Đình Hưng, bánh sản xuất và được nấu chín, hút chân không để bảo quản. Những sản phẩm này sẽ được các công ty lớn trong tỉnh và TP.HCM đến nhận và phân phối ra thị trường. Một số công ty đóng gói bánh để xuất khẩu sang các nước châu Âu cho kiều bào đón Tết.
Ông Phạm Huy Bão (80 tuổi) cùng vợ là bà Khúc Thị Còng đang kiểm số bánh chưng mà ông bà gói trong buổi sáng để cho vào nồi. Ông Bão cho biết nghề làm bánh chưng ở Hố Nai khởi phát từ hơn 20 năm trước. Những người làm bánh là người dân có quê quán ở các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình...
Hiện, ở phường Hố Nai có nhiều gia đình đã thành lập công ty chuyên sản xuất bánh chưng và đăng ký thương hiệu sản phẩm.
Bánh chưng mà các hộ dân phân phối ra thị trường bao gồm nhiều loại từ 1-3 kg mỗi chiếc. Nhiều hộ cũng sản xuất thêm bánh giầy để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Một chủ cơ sở nói rằng Tết Kỷ Hợi 2019, gia đình anh sản xuất gần 50 tấn bánh.
Theo bà Phạm Thị Nhài, gia đình bà đã liên kết với nhiều hộ dân sản xuất nguyên vật liệu để đảm bảo tiêu chí sạch và ngon. Bà Nhài cho biết: "Nếp, thịt heo, lá dong đều là các sản phẩm của những hộ thân tín, làm việc lâu năm. Họ làm sạch sẽ và mình có thể kiểm tra được nên yên tâm về nguyên liệu".
Sau khi gói, bánh được cho vào những nồi lớn và nấu liên tục nhiều giờ bằng củi.
Khi bánh chín, người dân vớt ra ngoài để ép và xếp ngay ngắn lên các kệ để làm nguội.
Những sản phẩm này sau đó được cho vào máy hút chân không để đóng gói và chuyển cho các công ty, doanh nghiệp. Theo người dân, những gia đình làm bánh đều có bí quyết gia truyền riêng và đề cao chữ "tín" trong sản xuất. "Chúng tôi muốn làm ra những chiếc bánh đẹp nhất, ngon nhất để người sử dụng sản phẩm có được hương vị Tết đủ đầy", chị Là thổ lộ.
Chia sẻ với những mảnh đời khó khăn trong dịp Tết Kỷ Hợi, một CLB chơi xe máy ở Hà Nội đã tổ chức gói bánh chưng và đem tặng những người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ.