Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lặng lẽ sau những ca mổ tim

Tôi không biết như thế nào là đặc biệt, nhưng trong đầu chợt miên man nghĩ về câu nói của một bác sĩ già: “Đôi khi, y đức thể hiện một cách ý nhị trong những bước chân khẽ".

Khi biết tôi muốn viết về mình, Thủy e ngại: “Mình có gì đặc biệt đâu”. Tôi cũng không biết như thế nào thì được xem là đặc biệt, nhưng trong đầu chợt miên man nghĩ về câu nói của một bác sĩ già đã về hưu: “Đôi khi, y đức thể hiện một cách ý nhị trong những bước chân khẽ”.

Giờ trực của bác sĩ Thủy tại Khoa Hồi sức phẫu thuật tim mạch. Ảnh: K.Q

Người phải thức cho những người phải ngủ

Quanh năm, tôi thấy ThS - BS Trần Thị Thanh Thủy trong bộ đồng phục màu xanh của bác sĩ gây mê hồi sức. Bộ quần áo nhìn mãi chẳng thấy eo đâu. Hỏi Thủy bữa nay có gì vui không, lần nào chị cũng đáp ngắn gọn, chẳng “bịa” ra được lời nào có vẻ hoa mĩ: “Có mấy bệnh nhân khỏe rồi, bác sĩ cho xuất viện”. Nhưng tôi hiểu, thế có nghĩa là vui. Vì chị giản dị và thể hiện lòng yêu nghề cũng bằng một cách rất giản dị.

Chiều 2/2, vào khoa hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Đại học Y - Dược TP HCM, Thủy vẫn đang trực. Chị nhẹ nhàng bảo tôi chờ một chút. Thủy chuyển điện thoại qua chế độ rung, khe khẽ đến bên giường bệnh của những cháu bé đang say ngủ để chỉnh máy. Giường bên, một em bé 3 tuổi mếu máo đảo mắt quanh phòng tìm mẹ. Thủy xoay người, mỉm cười và dỗ dành “người bạn nhỏ”.

Làm bác sĩ 9 năm, qua hàng trăm ca phẫu thuật tim, nhưng bệnh nhân hiếm khi nhớ mặt chị. Đơn giản vì bác sĩ gây mê… toàn phải làm cho bệnh nhân của mình ngủ và chăm sóc khi họ còn mê man. Ai từng bước qua một cuộc phẫu thuật đều tin rằng, đó là những giấc ngủ đặc biệt - giành giật lại sự sống.

Có hôm đợi lúc muộn, tôi mới dám gọi cho bác sĩ Thủy. Vậy mà qua điện thoại, vẫn thấy chị hối hả: “Xong ca này mình gọi lại nhé!”. Hôm sau, chị kể, về nhà lúc 21h tối, vừa cầm chén cơm lên thì chuông điện thoại reo, bệnh viện báo có ca mổ tim cấp cứu. Thủy buông đũa, nhờ chồng chở ngược vào bệnh viện. Trên đường đi, chị vẫn phải tranh thủ gọi điện trao đổi với bác sĩ phẫu thuật để nắm tình trạng bệnh nhân, lên phương án phẫu thuật. Công việc sau đó là gọi điện kiểm tra kho máu, gọi điện cho ê-kíp của mình, phân công công việc cho người đến trước. Mọi thứ phải gấp rút sao cho bệnh nhân được lên bàn mổ sớm nhất.

Chỉ có bác sĩ nhớ bệnh nhân

Ca bệnh được xem là “cân não” với bác sĩ Thủy có lẽ là trường hợp của bé gái V.H.B.T. T. là em bé hiếm hoi mang trái tim ngoài lồng ngực. Từ khi còn trong bụng mẹ, qua siêu âm, bé T. đã được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh. Khi ra đời, tim bé chỉ được bao bọc bởi một lớp da mỏng, lớp da ấy nhô lên nhô xuống theo từng nhịp tim của cháu. Lúc nhập viện, T. vừa tím tái, vừa bị suy dinh dưỡng nặng. Cân nặng chỉ bằng một nửa so với những em bé 16 tháng tuổi.

Tại bệnh viện, các bác sĩ nhận định do tim của bé chỉ có một buồng tống máu ra ngoài, máu lên phổi không đủ, khuyết xương ức và thành bụng làm tim và các cơ quan trong bụng lộ ra ngoài nên điều trị cho bé rất phức tạp. Phẫu thuật cho trường hợp hiếm này được xem là một quyết định quan trọng và mạo hiểm đối với các bác sĩ. Đứng trước ca mổ nhiều người bàn rằng “khó thành công” ca này, cả bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật viên đều áp lực. Họ phải hội chẩn cùng các chuyên gia nước ngoài và đưa ra phương án phẫu thuật 2 lần để sửa những tổn thương của tim, đưa tim về đúng chỗ.

Ca phẫu thuật được xem là thuận buồm xuôi gió với bác sĩ phẫu thuật. Nhưng sau ca mổ, bé T phải đối diện với nguy cơ nhiễm trùng và bệnh lý hô hấp kèm theo. Thủy cùng ê-kíp của mình phải tiếp tục “hiệp hai” “hiệp ba”... Trải qua 30 ngày hồi sức, T khỏe mạnh, được xuất viện. Với những ca đặc biệt như thế, Thủy bảo cảm thấy “bị nhớ” và hay nhắc về T. - “một cô bé hiểu chuyện và kiên cường”.

Kỷ niệm của Thủy có lúc cụ thể và rõ ràng như phương án gây mê cho một ca bệnh tim phức tạp, hiếm gặp. Nhưng cũng có lúc chị lại miên man suy nghĩ về ánh mắt khắc khoải của hai mẹ con cắp nách được vài trăm ngàn đồng lên Sài Gòn với hi vọng được… mổ tim. Đó là một bé trai 16 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Em được một người phụ nữ nhận làm con nuôi. Nhưng người mẹ này cũng nhận nuôi hàng chục đứa trẻ bỏ rơi khác nên chẳng khá giả gì. 

Thấy con trai tím tái và gầy gò hơn so với đám bạn cùng trang lứa, bà cũng đoán con mắc bệnh tim. Nhưng vì không có tiền nên mãi mới đưa con đi bệnh viện. Ca mổ tim của em có chi phí lên đến vài chục triệu đồng. Khi được bệnh viện kết nối với nhà tài trợ, hỗ trợ chi phí mổ tim, hai mẹ con vui lắm và bám trụ từng ngày ở bệnh viện bằng những bữa cơm từ thiện. Ngày cậu bé được lên bàn mổ, người ta thấy giọt nước mắt của người mẹ lăn dài, vì hạnh phúc.

Tham gia những ca phẫu thuật trong chương trình mổ tim từ thiện cho trẻ em, bác sĩ Thủy nhận ra một điểm chung, hễ đã mang bệnh tim bẩm sinh, ít em bé nào được liệt vào dạng “gia đình có điều kiện”. Nhiều gia đình phải gom cả xóm mới được vài trăm ngàn đồng đưa con đi mổ tim từ thiện. Cha mẹ tằn tiện, tiết kiệm từng đồng cho con. Thủy bảo xót lòng vì không đủ sức giúp họ về mặt tiền bạc, nên chỉ có thể cố gắng hết sức trong những ca mổ. Dù vậy, nữ bác sĩ chỉ mới ngoài 30 tuổi này chưa một lần nhận được lời cám ơn từ bệnh nhân vì một lý do dễ hiểu - bệnh nhân không biết mặt bác sĩ gây mê. “Cũng không thấy chạnh lòng lắm” - Thủy chia sẻ.

Trong phòng bệnh vô trùng này, ánh mặt trời trở nên xa xỉ. Thủy phải ngước nhìn đồng hồ mới nhận ra đã vào ca trực đêm. Thủy thích mặt trời, nhưng 9 năm qua, hầu như ngày nào chị cũng trở về khi mặt trời đã tắt nắng.


http://laodong.com.vn/suc-khoe/lang-le-sau-nhung-ca-mo-tim-515250.bld

Theo Khương Quỳnh/Báo Lao Động

Bạn có thể quan tâm