Nhiều người chìm đắm trong quá khứ tươi đẹp để trốn tránh khó khăn ở cuộc sống hiện tại. Ảnh minh họa: Jansel Ferma/Pexels. |
“Dù từng hành xử tồi tệ, anh ta vẫn cho tôi những điều lãng mạn đáng nhớ trong những tháng đầu yêu đương”.
“Công việc cũ khiến tôi phát điên. Nhưng suy cho cùng, nơi đó vẫn cho tôi một vị trí cố định”.
Hoài niệm về quá khứ không phải vấn đề nghiêm trọng. Song, vấn đề xuất hiện khi chúng ta đắm chìm trong khoảng thời gian đã qua và lãng mạn hóa mọi thứ. Việc sống trong kỷ niệm này khiến nhiều người cảm thấy an toàn, hạnh phúc.
Theo nhà trị liệu tâm lý Britt Frank, lãng mạn hóa quá khứ là một hình thức làm tê liệt cảm xúc. Mọi người “tô hồng” chuyện cũ, dù mọi thứ cũng chẳng thực sự tốt đẹp. Nhờ vậy, họ dễ dàng né tránh những khó khăn trong thực tại và đẩy lùi cảm xúc đau buồn, chán nản đang bủa vây.
Dưới đây là một số lời khuyên từ chuyên gia, giúp bạn không lạc vào hoài niệm nhuốm màu hồng và đánh giá cuộc sống hiện tại một cách công bằng hơn, theo SELF.
Khi hoài niệm, chúng ta có xu hướng tưởng tượng thêm tình tiết cho câu chuyện cũ. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Hiểu mọi thứ phần lớn là tưởng tượng
Theo bà Frank, chúng ta có xu hướng thêm thắt chi tiết, hay dễ hiểu hơn là tưởng tượng, khi nghĩ về chuyện đã qua. Vì thế, nội dung hồi lại thường không bám sát thực tế.
Để thoát khỏi trạng thái này, chuyên gia khuyên mọi người nên tự hỏi-đáp bằng một số câu hỏi nhằm “làm ô nhiễm” trí tưởng tượng. Chẳng hạn:
- Câu chuyện tôi đang kể cho chính mình đúng đến mức nào?
- Cảm xúc lúc đó rất tệ, vì sao tôi lại muốn nghĩ về nó?
- Đâu là điểm méo mó trong ảo tưởng hoài niệm này?
Để trả lời những câu trên, hãy cố đứng ở góc nhìn thứ 3 và nhìn nhận lại vấn đề trong ký ức.
Chẳng hạn, nếu đang hồi tưởng về một mối quan hệ “hoàn hảo” trong quá khứ, bạn nên xác định (bằng cách nói ra thành lời hoặc viết nhật ký) 5 vấn đề đối phương từng khiến bạn tức giận.
Lưu ý, mục tiêu không phải là tập trung vào sự tiêu cực. Thay vì vậy, chúng ta hướng đến cân bằng những kỷ niệm đẹp với các yếu tố không tốt để có một bức tranh rõ ràng hơn về những gì thực sự đã xảy ra. Bằng cách này, bạn sẽ ít có khả năng lãng mạn hóa quá khứ hơn.
Hãy hiểu rằng thay đổi là điều tất yếu của cuộc sống. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Sự thay đổi là phần tất yếu của cuộc sống
Khi nhìn lại ký ức, chúng ta cần xác định rõ đâu là yếu tố khiến mình muốn quay trở lại.
Theo tâm lý gia Nancy Colier, thông thường, người ta nhớ nhung cảm giác được yêu thương, hoặc sự hào hứng mạnh mẽ với việc làm nào đó.
Cô cho rằng nhờ xác định nguồn gốc của nỗi nhớ, cá nhân có thể tạo lại tình huống tương tự trong cuộc sống hiện tại.
“Tất nhiên, không ai có thể tạo lại chính xác các tình huống trong quá khứ của mình vì nhiều lý do: tuổi tác, trách nhiệm mới hoặc các yếu tố con người.
Trong những trường hợp này, thay vì ép buộc bản thân, hãy hiểu rằng sự thay đổi, thậm chí trở nên khác biệt gần như hoàn toàn, là một phần tất yếu của cuộc sống”, Colier nói.
Quá biết ơn quá khứ, chúng ta khó tập trung cho thực tại. Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels. |
Giảm sự biết ơn dành cho quá khứ
Nhiều người tin rằng bản thân được tạo ra từ những trải nghiệm tốt đẹp trong quá khứ.
Do đó, họ khó hài lòng với cuộc sống hiện nay. Điều này thường xảy ra với tình huống như sau:
- Đang khỏe mạnh, bỗng dưng phát hiện các chứng bệnh đáng lo ngại
- Một người quan trọng rời đi hoặc qua đời
Với trường hợp này, đề xuất của Frank là lập danh sách những điều tích cực, hoặc khiến bạn cảm thấy biết ơn mỗi ngày.
Nó có thể chỉ đơn giản là được vuốt ve chú cún dễ thương, uống một tách trà ngon hay được gặp bạn bè thân thiết.
“Quan trọng hơn cả, tôi mong mọi người hiểu rằng sự tồi tệ không thể tồn tại mãi. Học cách chấp nhận khó khăn ở thực tại, thay vì đắm chìm trong quá khứ, là cách để chăm sóc bản thân và hướng về tương lai”, bà nói thêm.
Tận trung vào cuộc sống hiện tại bằng thiền định là một trong những gợi ý hàng đầu. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Tận hưởng hiện tại
Với kinh nghiệm của Nikki Coleman, chuyên gia tâm lý mối quan hệ và đôi lứa, cách duy nhất để dừng mơ về chuyện cũ là phải chấp nhận và sống trong hiện tại.
Kỹ thuật “tiếp đất bằng giác quan” có thể hữu dụng cho quá trình này. Cụ thể, chúng ta sẽ cảm nhận các vấn đề trong đời sống bằng cách nhìn, nghe, ngửi hoặc cảm nhận.
Bằng cách này, mỗi người sẽ xây dựng lại kết nối giữa mình với cuộc sống.
Ngoài ra, thiền định cũng là một giải pháp để tập trung hơn vào những điều bạn đang có ở thời điểm hiện tại.
Trong những trường hợp đặc biệt hoặc mức độ nghiêm trọng, đừng ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia. Bởi mục đích cuối cùng của mọi phương pháp là giúp chúng ta trân trọng cuộc sống và chấp nhận đổi mới, thay vì mãi chìm trong quá khứ.
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.