Thủ đô hơn 700 năm tuổi của Ba Lan
Warsaw (hay Warszawa) là thành phố đi lên từ đống tro tàn, chịu nhiều hậu quả về chiến tranh. Ngày nay, nơi đây đã hồi phục và trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hoá của Ba Lan và là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở châu Âu. Cái tên Warszawa được tạo bởi Wars (người đánh cá), và Sawa (nàng tiên cá trên sông Wisla). Có lịch sử hơn 700 năm, thoạt đầu, Warszawa chỉ là một ngôi thành do Hoàng thân xứ Mazovia xây dựng bên bờ sông Wisla. Ngôi thành ấy, nay vẫn còn dấu tích tại Hoàng cung Ba Lan. Dưới thời vua Stanislaw August Poniatowski, Warsaw phát triển rực rỡ và gần như bị san bằng trong Thế chiến II với 85% tòa nhà trong trạng thái hoàn toàn phá hủy. Giống như chim phượng hoàng, thủ đô của Ba Lan đã hồi sinh mạnh mẽ để trở thành một thành phố năng động. Sự hòa quyện của các phong cách kiến trúc khác nhau và nỗi ám ảnh quá khứ tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng cho một Warsaw đa sắc thái.
Nhà thờ Holy Cross, nơi lưu giữ trái tim thiên tài âm nhạc Chopin
Holy Cross Church, nơi cất giữ trái tim của Chopin, người nhạc sĩ thiên tài Ba Lan. Ông qua đời lúc còn trẻ (39 tuổi), người ta đã không thể đem thân xác ông về lại Ba Lan như ý ông mong ước, đành để thân xác ông ở lại Paris nhưng “trái tim ông” được mọi người đem về cất giữ trong vòng tay Thiên Chúa ở Thánh đường Holy Cross tại Warsaw.
Thành cổ và Quảng trường chợ phố cổ Hoàng gia ở Warsaw
Quảng trường và khu phố cổ được xây dựng vào thế kỷ thứ 13, cũng giống như lâu đài Hoàng gia, bị phá huỷ nặng nề trong chiến tranh và cũng được người Ba Lan xây dựng lại. Nơi đây cùng với Cung điện Hoàng gia được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới từ năm 1980. Quảng trường là trung tâm của phố cổ và cho tới thế kỷ 18, nơi đây là trái tim của Warsaw. Khu phố cổ này nổi bật với tượng nàng tiên cá do nhà điêu khắc Konstantin Hegel thiết kế, được xem như vật biểu tượng cho thủ đô Warsaw.
Bảo tàng Cung điện Hoàng gia ở Warsaw
Biểu tượng tuyệt vời nhất của các di sản lịch sử, điểm thu hút chính của Warzsawa là Cung điện Hoàng gia. Cung điện này được xây dựng dưới thời vua Sigizmund III Vasa vào năm 1618, tại địa điểm từng có một pháo đài bằng gỗ. Trong chiến tranh, lâu đài này từng bị bị phá hủy, chỉ còn lại một vòm. Phía bên ngoài, lâu đài trông khiêm tốn hơn so với tên gọi của nó nhưng sự giàu có và sang trọng của nội thất là điều khiến du khách choáng ngợp. Các cổ vật trong cung điện được người Ba Lan chống chọi, giấu, giữ và đòi lại từ Đức về những năm sau chiến tranh.