Oscar-Claude Monet (1840-1926) là hoạ sĩ tiên phong sáng lập trường phái Ấn tượng Pháp. Ông là người nhất quán với triết lý nhấn mạnh phong cách thể hiện nhận thức của con người trước thiên nhiên, đặc biệt là với những bức vẽ ngoài trời.
Thuật ngữ "Ấn tượng" có nguồn gốc từ chính tên bức tranh Ấn tượng, mặt trời mọc của Monet khi được trưng bày trong triển lãm độc lập đầu tiên của các hoạ sĩ Ấn tượng tại Salon de Paris năm 1874. Với ước vọng ghi lại hình ảnh tại các vùng nông thôn Pháp, Monet đã áp dụng phương pháp vẽ một cảnh nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau, lưu lại sự thay đổi của ánh sáng và biến chuyển các mùa trong năm.
Trong triển lãm lần này, VCCA mang tới những tác phẩm nổi bật nhất, khắc hoạ cuộc đời nghệ thuật của Monet, từ Người phụ nữ với chiếc ô (1875), chuỗi tác phẩm Những đống cỏ khô (1890), Vườn nghệ sĩ tại Giverny (1900) cho tới Hồ hoa súng nước (1899). Đây cũng là lần đầu tiên 2 tác phẩm trong bộ sưu tập Hoa súng nước (1914-1926) được trình chiếu kích thước lớn, dài tới 13 m, gần tương đương tác phẩm gốc đang được lưu giữ tại bảo tàng Musée de l'Orangerie, Pháp.
Tác phẩm Vườn Monet ở Vetheuil của họa sĩ Monet sẽ được giới thiệu dưới dạng phiên bản số tại VCCA. |
Trong khi đó, Pierre Bonnard (1867-1947) được coi là nhân vật quan trọng đã "bắc cầu" giữa trường phái Ấn tượng và Hậu ấn tượng. Năm 1912, Bonnard chuyển về Vernonnet, cách Giverny - nhà của Monet - không xa. Hai người nhanh chóng kết giao, trao đổi thư từ và thường xuyên gặp gỡ. Trái ngược Monet, Bonnard được biết đến với màu sắc đậm và yêu thích vẽ những cảnh tượng trong cuộc sống hàng ngày.
Nếu Monet ưa thích không gian ngoài trời rộng lớn, Bonnard lại tập trung vào khung cảnh thường nhật, những đồ vật đơn lẻ tưởng như nhàm chán. Nếu Monet đặt trọng tâm vào ấn tượng thời gian và ánh sáng trong khung cảnh ngay tại thời điểm ấy, tạo ra cuộc đuổi bắt không ngừng nghỉ với tạo thế, Bonnard lại giản dị trong từng khung hình được vẽ lại từ ký ức.
Nhờ đó, những tác phẩm của Bonnard đem đến sự thân mật, gần gũi hiếm có như Gương phòng tắm (1914), Nội thất và hoa (1919), Trước bữa tối (1924), Phòng ăn sáng (1930-1931) hay những bức họa với góc cửa sổ lớn. Sự tương phản kỳ thú này được thể hiện xuyên suốt qua các tác phẩm giới thiệu trong triển lãm Lặng yên rực rỡ lần này.
Tác phẩm Phòng ăn sáng của Bonnard đem đến sự thân mật, gần gũi. |
Với công nghệ hiện đại và thiết bị trình chiếu đa dạng, 50 tác phẩm được trưng bày dưới dạng hình ảnh số thông qua trình chiếu trên máy chiếu, TV, máy tính, điện thoại di động với độ phân giải cao và có kích thước khác nhau.
Triển lãm sẽ tái hiện những tác phẩm kinh điển, đem trường phái Ấn tượng (Impressionism) từ 150 năm trước hay chủ nghĩa Thân mật (Intimism) cách đây cả thế kỷ tới gần hơn với công chúng. Khán giả thưởng lãm nghệ thuật sẽ được dẫn vào hành trình trải nghiệm thị giác, đón nhận những cảm xúc mới mẻ và phong phú từ các tác phẩm dường như đã thân thuộc. Những cảm xúc ấy có lẽ sẽ giống như lời Monet trong một bức thư gửi người bạn: "Điều giữ trái tim tôi thức tỉnh chính là sự lặng yên rực rỡ".
Triển lãm Lặng yên rực rỡ mở cửa tự do từ 19/3 tới hết 24/4 tại VCCA, Vincom Mega Mall Royal City, Hà Nội. Trong thời gian diễn ra triển lãm, VCCA cũng tổ chức tour nghệ thuật xoay quanh câu chuyện sáng tác và ý nghĩa chủ đề của các tác phẩm, đem đến cho công chúng những trải nghiệm nghệ thuật sâu sắc.
Bình luận