Ngày 11/5, một người đàn ông ngoài 60 tuổi bị kết án 3 năm tù vì tội bỏ đói hơn 1.000 con chó, mèo đến chết, theo Yonhap.
Bản án do chi nhánh tòa án quận Suwon ở Yeoju đưa ra, là khung hình phạt cao nhất mà Đạo luật Bảo vệ Động vật Hàn Quốc quy định dành cho hành vi tàn ác với động vật.
Người đàn ông 66 tuổi nhận những con vật bị các trang trại nuôi thú cưng bỏ rơi vì không còn có thể mang thai hoặc ít giá trị thương mại để đổi lấy 10.000 won (7,53 USD)/con tiền chăm sóc. Hành vi này diễn ra từ tháng 2/2020.
Tổng cộng có 1.256 con chó và mèo đã chết được tìm thấy trong nhà của người đàn ông ở Yangpyeong, tỉnh Gyeonggi. Sự việc bị phanh phui khi một cư dân trong khu phố tìm kiếm chú chó bị lạc của mình. Khi phát hiện ngôi nhà đầy xác chó vào hôm 4/3, người này lập tức báo cảnh sát.
Người đàn ông nhận nuôi hơn 1.000 con chó, mèo rồi bỏ đói đến chết. Ảnh: Care. |
Đài KBS và các đài truyền hình khác đã chiếu cảnh được che mờ về những con chó nằm chết la liệt trong lồng, bao tải và thùng cao su trên mặt đất trong sân. Các xác chết đã thối rữa và bị xếp chồng lên nhau, theo nhân viên nhóm bảo vệ quyền động vật Care có mặt tại hiện trường.
Chỉ 4 chú chó còn sống được giải cứu khỏi ngôi nhà và đang được điều trị tại một phòng khám. Tất cả đều bị suy dinh dưỡng hoặc mắc bệnh ngoài da, trong đó, 2 con trong tình trạng nguy kịch, theo Korea Herald.
Tại Hàn Quốc, những kẻ ngược đãi động vật thường không phải chịu phạt dù bị kết án. Theo dữ liệu từ văn phòng của một quan chức thuộc đảng Dân chủ đối lập thu được, chỉ 2,9% trong số 4.221 người nhận cáo buộc ngược đãi động vật từ năm 2017 đến tháng 3/2022 bị truy tố đưa ra xét xử.
Khoảng 47% không phải đối mặt cáo buộc hình sự nào, trong khi 32% bị phạt nhẹ. Trong số 346 người phải chịu mức phạt các loại, gần 60% là phạt tiền, chỉ 5,5%, tương đương 19 người, ngồi tù. Theo luật hiện hành, một người bạo hành động vật đến chết có thể bị phạt tới 3 năm tù giam hoặc 30 triệu won.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.