Nhiều người trẻ Hàn Quốc gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, dễ lựa chọn cực đoan. Ảnh minh họa: Sony Classics. |
Ở quốc gia có tỷ lệ tự sát cao như Hàn Quốc, một xu hướng đáng lo ngại đang xuất hiện: các vụ tự tử được phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Tình trạng này vốn khiến nhiều nước trên thế giới lo ngại thời gian qua, song cái chết được livestream trên Instagram của một cô gái ngày 16/4 đánh dấu trường hợp đầu tiên được biết đến tại xứ củ sâm, theo Korea Herald.
Ngày 5/5, hai cô gái tuổi teen cũng được cảnh sát ngăn chặn kịp thời khi cố gắng tự kết liễu đời mình trên sóng livestream.
Ngoài việc quen thuộc với các ứng dụng mạng xã hội, cả 3 trường hợp này đều có điểm chung là hoạt động tích cực trên một diễn đàn trực truyến có tên Phòng trưng bày Trầm cảm.
Park Ji-hyun, cựu đồng lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc, nhận định Phòng trưng bày Trầm cảm nên bị đóng cửa ngay lập tức.
"Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Thanh thiếu niên bắt đầu tìm kiếm sự khuây khỏa trong các cộng đồng trực tuyến sau khi bị xã hội siêu cạnh tranh đẩy ra rìa. Tuy nhiên, không dễ để bảo vệ các em ở những trang web như vậy", Park viết trên trang cá nhân hôm 8/5.
Theo cảnh sát, Phòng trưng bày Trầm cảm được quản lý bởi diễn đàn ẩn danh DC Inside. Mục tiêu ban đầu của diễn đàn khi được thành lập vào năm 2015 là giúp người dùng vượt qua chứng trầm cảm bằng cách chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của họ trên mạng.
Tuy nhiên, diễn đàn dường như đã bắt đầu trở thành nơi những người lạ kết nối để cùng nhau lên kế hoạch tự sát hay cố gắng bóc lột tình dục những trẻ vị thành niên dễ bị tổn thương.
Sau vụ tự sát hồi tháng 4, cảnh sát đã bắt giữ 4 người dùng diễn đàn - tất cả đều ở độ tuổi 20 - vì tội tấn công tình dục một số người dùng nữ tuổi teen. Những người này đã lợi dụng trạng thái tinh thần dễ bị tổn thương của các cô gái.
Cảnh sát cũng đã yêu cầu Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC) chặn quyền truy cập vào diễn đàn. Tuy nhiên, tính đến ngày 9/5, trang web này vẫn có thể truy cập. KCSC đã hoãn việc ra quyết định với lý do cần thêm thời gian để xem xét sự cần thiết.
Hàn Quốc là nước có tỷ lệ người tự sát cao nhất trong các nước OECD. Ảnh minh họa: Jean Chung/New York Times. |
Một chuyên gia cũng chỉ ra rằng Hàn Quốc đang thiếu một diễn đàn an toàn cho các thanh thiếu niên chia sẻ những vấn đề của mình.
“Diễn đàn dành cho những người muốn trở nên tốt hơn thông qua việc chia sẻ cảm xúc của mình, nhưng diễn đàn không ngăn chặn được những kẻ muốn lạm dụng những người bị bệnh tâm thần như vậy”, Lee Soo-jung, giáo sư tâm lý học pháp lý tại Đại học Kyonggi, cho biết.
“Khi trẻ em và thanh thiếu niên trở thành nạn nhân của những tội ác như vậy trên mạng, chúng rất khó thú nhận những gì đã xảy ra với mình vì cảm thấy bị phản bội và tổn thương về tinh thần".
Tự tử ở thanh thiếu niên là một vấn đề lớn tại Hàn Quốc. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tỷ lệ tự tử của người Hàn Quốc trong độ tuổi 0-17 vào năm 2021 là 2,7 trên 100.000 người, cao nhất kể từ năm 2000.
Nhìn chung, quốc gia này ghi nhận tỷ lệ tự tử là 26 trên 100.000 người trong cùng thời kỳ, cao nhất trong số các nước OECD. Bệnh tâm thần được biết đến là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự sát.
Cảnh sát cho biết trong một tuần sau cái chết được phát trực tiếp của cô gái vào ngày 16/4, số lượng cuộc gọi cho cảnh sát liên quan đến tự tử đã tăng 30,1% so với 16 ngày đầu tiên của tháng.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.