Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), bà Nguyễn Thu Thủy, khẳng định bộ sẽ xử lý nghiêm, đúng quy định vụ việc này.
Bà Thủy cho hay ngay khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu trường báo cáo tất cả hoạt động liên quan tuyển sinh và đào tạo.
Thanh tra Bộ GD&ĐT đang phối hợp Vụ Giáo dục Đại học làm việc với các trường, kiểm tra theo đúng quy trình, trên cơ sở những vi phạm mới xác định được chế tài xử lý. Ngay khi có kết quả, Bộ GD&ĐT sẽ công bố công khai với báo chí.
Trụ sở ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong. |
Nhà trường rút kinh nghiệm
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, sau khi kiểm tra, Bộ GD&ĐT khẳng định ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh ngành Dược trái quy định. Bộ đã đề nghị trường dừng tuyển sinh đào tạo liên thông ngành này và yêu cầu trường báo cáo Bộ GD&ĐT.
Ngày 29/9, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hà Đức Trụ, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng sự việc đào tạo liên thông ngành Dược là “tai nạn”, sai quy định. Nhà trường đang rút kinh nghiệm và làm việc với Bộ GD&ĐT đề đạt nguyện vọng giải quyết cho sinh viên tiếp tục được đi học.
Đối với những sinh viên ở xa (miền Trung, miền Nam), nhà trường đề nghị bộ can thiệp để được sang học các trường có ngành tương đương. Những sinh viên chưa có chứng chỉ, nhà trường sẽ xin bộ cho nợ để học song song (chương trình chuyên môn và chương trình chứng chỉ - PV), để khi ra trường có chứng chỉ hành nghề, được nhận bằng tốt nghiệp. Hiện nay, Bộ GD&ĐT kiểm tra và sẽ trả lời trong 1-2 tuần tới.
Theo ông Trụ, số sinh viên trúng tuyển ban đầu là hơn 3.000 nhưng chỉ có khoảng 2.800 người nhập học. Từ đầu năm 2020 đến nay, khoảng 1.000 sinh viên đăng ký học tiếp. Ông Trụ cho biết nhà trường đã triển khai các phiếu cho sinh viên chủ động đăng ký học, đồng thời lập thời khóa biểu và mời sinh viên về học. Số sinh viên rút sẽ được trả lại toàn bộ học phí, lệ phí.
Theo ông Trụ, ý định ban đầu của nhà trường là xin Chính phủ cho làm thí điểm. Chính phủ giao Bộ GD&ĐT xử lý nhưng bộ không trả lời có được thí điểm hay không, nên hiệu trưởng nhà trường quyết định làm và xảy ra sai sót.
Nhiều thành viên ban giám hiệu quá tuổi
Thời gian qua, nhà trường liên tục để xảy ra các vi phạm như đào tạo văn bằng hai tiếng Anh không có hoặc vượt chỉ tiêu, sử dụng giáo trình tiếng Trung có bản đồ “đường lưỡi bò”, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Mới đây nhất, khuôn viên nhà trường tại Từ Sơn, Bắc Ninh có 3 biệt thự bị phát hiện xây dựng sai quy định.
Ông Lại Việt Hùng, Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Trưởng phòng Quản trị A của trường, một cổ đông góp vốn thành lập, liên tục có đơn thư khiếu nại về mô hình nhà trường.
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Hùng phản ánh lãnh đạo trường không triển khai các thủ tục thành lập Hội đồng trường. Theo ông Hùng lãnh đạo nhà trường kéo dài việc chuyển đổi đại học từ loại hình dân lập sang tư thục.
Theo ông Hùng, việc chuyển đổi này mới đảm bảo để nhà trường hoạt động công khai, minh bạch, không để cá nhân nào vụ lợi.
Về vấn đề chuyển đổi mô hình, ông Trụ nói: “Nhà trường đang hoạt động theo mô hình tư thục. Trong tháng 10 này, nhà trường thành lập hội đồng trường, sẽ tổ chức đại hội vào cuối tháng”.
Ngoài ra, nhiều lãnh đạo trường hiện nay vượt quá tuổi cho phép, ông Trụ nói. Cụ thể, Điều lệ trường đại học độ tuổi giữ chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó đối với trường đại học tư thục không quá 75 đối với nam và không quá 70 đối với nữ. Tuy nhiên, hiện nay, ban giám hiệu nhà trường này có 4 người vượt quá 75 tuổi...