![]() |
Giới hạn độ tuổi trong tuyển dụng tại Trung Quốc làm dấy lên tranh cãi, phản ánh nỗi lo của người lao động khi bước qua tuổi 35. Ảnh: Adobe Stock. |
Một tin tuyển dụng lao công tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đã gây tranh cãi khi giới hạn độ tuổi ứng viên không quá 35. Quy định này làm dấy lên lo ngại về tình trạng phân biệt tuổi tác trong thị trường lao động, đặc biệt đối với những người lao động trung niên, vốn đang gặp nhiều khó khăn do xu hướng tuyển dụng ưu tiên người trẻ, thường được gọi là "lời nguyền tuổi 35", Sixth Tone đưa tin.
Ngày 12/2, Xinshi (Quảng Châu) đăng tin tuyển dụng công nhân vệ sinh với yêu cầu dưới 35 tuổi. Đối với ứng viên có bằng lái xe hợp lệ, giới hạn tuổi có thể được mở rộng đến 40.
Nhà tuyển dụng lý giải rằng yêu cầu độ tuổi xuất phát từ tính chất công việc nặng nhọc, bao gồm thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt bằng tay, cũng như làm ca đêm và sáng sớm. Tuy nhiên, sau một tuần gây tranh cãi, đến ngày 19/2, tin tuyển dụng đã được điều chỉnh, nâng giới hạn độ tuổi ứng tuyển lên “từ 18 đến tuổi nghỉ hưu hợp pháp”.
![]() |
Ảnh chụp bài đăng tuyển dụng với giới hạn độ tuổi gây tranh cãi. Ảnh: 极目新闻. |
thông báo tuyển dụng ban đầu được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, kéo theo làn sóng tranh luận sôi nổi. Các hashtag như “Không ai mất khả năng làm việc ở tuổi 35” nhanh chóng trở thành xu hướng trên Weibo, thu hút hàng triệu lượt xem.
Phần lớn bình luận phản đối, cho rằng việc giới hạn độ tuổi càng khiến người lao động sau 35 tuổi gặp khó khăn hơn khi tìm việc.
“Một người ở tuổi 35 vẫn đang ở giai đoạn sung sức nhất, cả về thể chất, tinh thần lẫn kinh nghiệm. Tại sao độ tuổi này lại bị coi như một rào cản?”, một bình luận thu hút nhiều lượt thích trên Weibo đặt câu hỏi.
Làn sóng phản đối phản ánh nỗi bất an ngày càng lớn của người lao động Trung Quốc trước rào cản tuổi tác trong tuyển dụng, đặc biệt khi bước qua ngưỡng 35.
Thuật ngữ "lời nguyền tuổi 35" bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội trong những năm gần đây, mô tả tình trạng sa thải nhân sự lớn tuổi trong ngành công nghệ. Cụm từ này phản ánh xu hướng chuộng lao động trẻ, khi nhiều nhà tuyển dụng cho rằng người trên 35 tuổi ít năng động, tốn kém hơn so với người mới ra trường và không sẵn sàng làm thêm giờ vì vướng bận gia đình.
![]() |
Người lao động Trung Quốc đối mặt với nỗi lo mất việc và khó tìm công việc mới khi chạm ngưỡng 35 tuổi. Ảnh: Xinmei Liu. |
Xu hướng này lan rộng đến mức một số công ty thậm chí coi người trên 25 tuổi là "quá già" cho các công việc cơ bản, như thu ngân tại các tiệm trà sữa. Thực trạng này làm dấy lên nhiều lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc vừa điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu trong năm nay.
“Bước sang tuổi 30, lo lắng về tuổi tác khi tìm việc gần như là điều không thể tránh khỏi", Wen (39 tuổi), đến từ Đông Bắc Trung Quốc chia sẻ với Sixth Tone.
Ở tuổi 34, dù có bằng cử nhân, Wen vẫn bị từ chối khi ứng tuyển vị trí thu ngân tại một hiệu sách vì bị cho là “quá già” cho công việc này.
“Sau khi xem hồ sơ, nhà tuyển dụng chỉ hỏi tôi có trên 30 tuổi không và liệu tôi có đủ sức khỏe để đứng làm thu ngân cả ngày không”, cô nhớ lại.
Tình trạng phân biệt tuổi tác này đang đẩy nhiều lao động như Wen vào thế bất lợi. Cạnh tranh với những ứng viên trẻ hơn, họ buộc phải liên tục trau dồi kỹ năng để giữ vững cơ hội việc làm, nhưng "thời gian" không đứng về phía họ.
“Nếu tuổi tác không phải rào cản, tôi chắc chắn sẽ chọn quay lại trường để nâng cao chuyên môn. Nhưng hiện tại, cái giá của việc lớn tuổi ngày càng đắt đỏ, và mỗi năm trong sự nghiệp đều trở nên đáng quý hơn bao giờ hết”, Wen chia sẻ.
Vào tháng 11 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã có động thái bước đầu trong việc giải quyết vấn đề này bằng cách nâng giới hạn độ tuổi tham gia kỳ thi công chức quốc gia từ 35 lên 40.
Dù Luật Lao động Trung Quốc chưa có quy định cụ thể về chống phân biệt tuổi tác, luật sư Liu Yuanye từ Công ty Luật Quảng Đông Shendong cho rằng "lời nguyền tuổi 35" mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng trong tuyển dụng và đi ngược lại tinh thần của pháp luật hiện hành.
“Tuổi tác không nên là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực làm việc. Định kiến đối với lao động trung niên không chỉ hạn chế cơ hội việc làm của những người trên 35 tuổi mà còn gây lãng phí nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm”, ông Liu nhận định.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.