Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Lối thoát tạm bợ của người trẻ Trung Quốc

Khi công việc ổn định xa tầm với, người lao động trẻ Trung Quốc đành chấp nhận làm công nhật. Thu nhập bấp bênh tính theo từng ngày khiến họ mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn.

Không hợp đồng, không bảo hiểm, nhiều lao động trẻ chấp nhận công việc theo ngày, nhưng tương lai lại là dấu hỏi lớn. Ảnh minh họa: Jun Michael Park.

Wang Yong (38 tuổi) bắt đầu ngày làm việc bằng việc bốc xếp hàng hóa cho một đơn vị logistics với mức lương 24 NDT/giờ (khoảng 3,3 USD). Cận Tết, nhu cầu lao động giảm, giúp anh có cơ hội kiếm thêm thu nhập hiếm hoi.

Chỉ mặc chiếc áo nỉ mỏng, người đàn ông đã sinh tồn nhờ công nhật gần 1 thập kỷ dậm chân chống lạnh trước khi lên chuyến xe buýt lúc 6h, cùng hàng chục công nhân khác đến điểm làm việc.

Xuất thân từ gia đình lao động, Wang bỏ học từ năm 18 tuổi, từng làm công nhân xây dựng, nhà máy trước khi trở thành một "日结大神” (tạm dịch: “người làm công theo ngày”) tại Thượng Hải (Trung Quốc) từ năm 2015.

Đây là cách cư dân mạng Trung Quốc gọi nhóm lao động thời vụ, sống bằng công việc ngắn hạn, làm việc linh hoạt theo nhu cầu, theo Think China.

Dù khái niệm còn mới mẻ, song hình thức lao động tự do này đã có từ những năm 1980, khi làn sóng di cư lao động nổ ra sau giai đoạn cải cách mở cửa. Trong số hơn 200 triệu lao động linh hoạt tại Trung Quốc hiện nay, ước tính có khoảng 20 triệu người thuộc nhóm lao động ngắn hạn trên.

Họ sống bằng các công việc thời vụ, di chuyển giữa các khu vực ngoại ô của các thành phố lớn, chọn cách “làm khi cần, nghỉ khi muốn”.

Đôi khi là lựa chọn bất đắc dĩ

Một sáng giữa tháng 1, tại văn phòng tuyển dụng tại trung tâm công nghiệp lớn ở Chedun (Thượng Hải), người phụ trách tên Liu đang ngồi chờ lao động trong chiếc áo phao dày. Công nhân cũ trao đổi ngắn gọn, chỉ cần nghe “Vẫn giá cũ” là biết điểm đến. Với người mới, Liu thông báo rõ: “Phố Đông! Đóng gói, bốc xếp, 290 NDT (khoảng 40 USD)/ngày, ai đi thì lên xe!”.

Năm nay, nhiều nhà máy đóng cửa sớm khiến nhu cầu tuyển dụng giảm. Tuy nhiên, lao động vẫn bám trụ để kiếm thêm thu nhập cận Tết. Đến 9h, Liu đã tuyển đủ người cho ca đầu tiên, đảm bảo khoảng 100 công nhân làm việc mỗi ngày, duy trì nhịp vận hành của Chedun, dù chỉ là tạm thời.

Trước đây, lực lượng lao động công nhật tại Trung Quốc chủ yếu là người lớn tuổi từ nông thôn, trình độ học vấn và kỹ năng thấp. Tuy nhiên, tại Thượng Hải, ngày càng nhiều lao động trẻ dưới 45 tuổi tham gia vào nhóm này.

Li (30 tuổi) đã tìm đến Thượng Hải sau khi công trình xây dựng nơi anh làm việc tạm nghỉ, hy vọng kiếm được việc làm ngắn hạn. Trong khi đó, Yang, một lao động sinh sau năm 2000 từ Hồ Nam (Trung Quốc) vẫn nhận thêm công nhật để tăng thu nhập, bên cạnh công việc tại một xưởng gia công CNC.

lao dong thoi vu,  lam cong theo ngay,  viec lam trung quoc,  khan hiem viec lam,  that nghiep anh 1

Giám sát viên đang trả lương cho những người lao động công nhật. Ảnh: Li Kang/SPH Media.

Với nhiều người, công việc này giúp trang trải cuộc sống. Nhưng với số khác, đây là lựa chọn bất đắc dĩ.

Chen Jun (38 tuổi), từng làm nhiều vị trí văn phòng tại Thâm Quyến, nhưng khi không thể tiếp tục công việc kho bãi nặng nhọc, anh chuyển đến Tùng Giang cuối năm ngoái. Hiện anh sống trong căn phòng trọ giá 700 NDT (khoảng 96 USD)/tháng, nhận công việc đóng gói quần áo với mức lương 22 NDT (khoảng 3 USD)/giờ.

Tuy nhiên, công việc công nhật không hề dễ dàng. Chen thường mất 5-6 giờ mỗi ngày để tìm việc, chờ đợi và di chuyển, nhiều hôm rời nhà từ 7h sáng đến 23h mới về.

“Vấn đề không phải làm việc vất vả, mà là tôi không thể tiết kiệm, chỉ có thể làm để sống”, anh nói. Kiếm trung bình 150 NDT (khoảng 20 USD)/ngày, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, anh chỉ để ra khoảng 50 NDT (khoảng 6,9 USD), đủ để tồn tại nhưng không có tương lai lâu dài.

Wang Yong, người đã làm công nhật suốt 10 năm qua, gần như không tích lũy được gì. Là trụ cột kinh tế duy nhất trong gia đình, anh gửi phần lớn thu nhập về quê cho vợ và cô con gái 4 tuổi ở Hà Nam (Trung Quốc). Năm nay, anh dự định làm việc đến sát Tết để có thêm tiền đóng học cho con gái.

Trong khi đó, Chen Jun không có nỗi lo này. Độc thân và không có kế hoạch ổn định lâu dài, anh thậm chí không biết liệu mình có bao giờ lập gia đình hay không.

"Những người như tôi… cứ trôi dạt thế này, chẳng có kế hoạch gì cả. Cảm giác như bị lạc lối, hoàn toàn lạc lối", anh chia sẻ.

Hệ luỵ tuổi già

Theo Zhao Litao, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore (Singapore), việc dịch chuyển chuỗi công nghiệp ra nước ngoài đã làm mất đi nhiều việc làm trong nước. Khi vai trò của Trung Quốc là “công xưởng thế giới” dần mờ nhạt, người lao động nhập cư buộc phải tìm kiếm sinh kế khác.

Theo Zhao Litao, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, việc dịch chuyển chuỗi công nghiệp ra nước ngoài đã làm mất đi nhiều việc làm tại Trung Quốc. Khi vai trò “công xưởng thế giới” dần mờ nhạt, lao động nhập cư buộc phải tìm kiếm sinh kế khác.

Nhiều công nhân rời nhà máy để chuyển sang công trường, sau đó là các công việc bảo vệ, vệ sinh, dọn dẹp và cuối cùng rơi vào thị trường lao động công nhật. Những người trẻ có trình độ học vấn cao ban đầu né tránh công việc thời vụ, nhưng khi cơ hội việc làm văn phòng ngày càng ít, họ cũng buộc phải cạnh tranh với thế hệ lao động nhập cư lớn tuổi.

Nhằm hỗ trợ nhóm lao động này, chính quyền địa phương Trung Quốc đã mở nhiều “chợ lao động công nhật” trong những năm gần đây, thay thế một phần vai trò của các công ty môi giới tư nhân. Các trung tâm này không chỉ cung cấp thông tin tuyển dụng mà còn tạo ra một số cơ hội việc làm công, giúp giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Tuy nhiên, theo Zhang Chenggang, phó giáo sư tại Trường Kinh tế Lao động thuộc Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô (Trung Quốc), dù những sáng kiến này có tác dụng tích cực, nhưng vì nguồn ngân sách công có hạn, chỉ một số ít người lao động thực sự hưởng lợi.

Ông cho rằng sự gia tăng của nền kinh tế gig phản ánh cách doanh nghiệp điều chỉnh nhân sự theo nhu cầu và cắt giảm chi phí lao động.

lao dong thoi vu,  lam cong theo ngay,  viec lam trung quoc,  khan hiem viec lam,  that nghiep anh 2

Lao động trẻ dưới 45 tuổi đang dần gia nhập thị trường công nhật, khi cơ hội việc làm ổn định ngày càng thu hẹp. Ảnh minh họa: VCG.

Người lao động tham gia thị trường này gồm 2 nhóm: chủ động chọn công nhật để tối ưu thu nhập, nhóm còn lại bị đẩy vào do thất bại trong tìm kiếm việc làm ổn định. Quá trình tái cấu trúc kinh tế khiến nhiều ngành thu hẹp tuyển dụng, đặc biệt là xây dựng, buộc lao động dư thừa phải chuyển sang công việc thời vụ.

Trên mạng xã hội, nhóm người này bị gán mác "lười biếng", nhưng chuyên gia Zhang Chenggang khẳng định đây là "những lao động lý trí", chọn việc theo sức khỏe và điều kiện. Nhiều người lớn tuổi không còn cơ hội vào nhà máy do giới hạn độ tuổi. Một công nhân làm ca đêm tại kho hàng sẽ không thể tiếp tục làm ngay ngày hôm sau vì họ thực sự cần thời gian hồi phục, ông giải thích.

Nhiều công nhân lớn tuổi cũng không còn cơ hội vào làm tại các nhà máy do bị giới hạn độ tuổi, thường chỉ nhận người dưới 40 hoặc 45 tuổi. Một số vị trí còn yêu cầu biết đọc hoặc tiếng Anh, vô tình loại bỏ nhiều lao động nhập cư khỏi thị trường lao động chính thức.

Ông cho rằng giải pháp cốt lõi là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm ổn định để giúp lao động thoát khỏi tình trạng bấp bênh.

Bàn về tương lai của lao động thời vụ, Zhao Litao nhấn mạnh rằng nguy cơ lớn nhất chính là vấn đề nghỉ hưu.

Thế hệ lao động nhập cư đầu tiên rời quê lên thành phố với mục tiêu duy nhất: kiếm tiền nuôi gia đình. Lương hưu chỉ khoảng 100 NDT (khoảng 14 USD)/tháng, quá ít để sinh sống, khiến nhiều người phải tiếp tục lao động dù đã già.

Trong khi đó, thế hệ sau, sinh từ những năm 1980, có tâm lý khác biệt. Họ không còn gắn bó với quê hương nhưng cũng không hoàn toàn thuộc về thành phố. Với họ, kết hôn và ổn định không phải ưu tiên hàng đầu. Thay vào đó, nhiều người theo đuổi lối sống “sống cho hiện tại”, tìm kiếm niềm vui qua tiêu dùng.

Nhưng dù chọn cách nào, cả hai thế hệ lao động này đều đối mặt với khủng hoảng tài chính khi về già.

Hết thời hẹn hò chốn công sở

Nghiên cứu mới cho thấy tỷ lệ người Mỹ nảy sinh tình cảm với đồng nghiệp đang có xu hướng giảm, dù nhiều công ty đã nới lỏng quy định về hẹn hò nơi làm việc.

AI thách thức Gen Z ở thị trường lao động

Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, tác giả cuốn sách Trò chuyện cùng Gen Z, AI không chỉ thay đổi cách con người xử lý thông tin mà còn thách thức năng lực tư duy của chúng ta. Trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi nhanh chóng, thế hệ trẻ cần rèn luyện khả năng đặt câu hỏi, tư duy phản biện và thích nghi với những thay đổi liên tục để đáp ứng yêu cầu của tương lai.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm