Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lập phòng 'trò chuyện' với học sinh

Thời gian gần đây nhiều trường THPT đã lập ra những phòng tham vấn tâm lý với chủ trương “đơn giản chỉ là nơi để... trò chuyện” với các bạn tuổi teen.

Lập phòng ''trò chuyện'' với học sinh

Thời gian gần đây nhiều trường THPT đã lập ra những phòng tham vấn tâm lý với chủ trương “đơn giản chỉ là nơi để... trò chuyện” với các bạn tuổi teen.

Lập phòng ''trò chuyện'' với học sinh

Cán bộ tư vấn tâm lý Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhập dữ liệu quản lý hoạt động tư vấn học sinh

Phòng tham vấn tâm lý của Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) được mở ra trong sự nghi ngại của nhiều người. Có những bậc phụ huynh, thầy cô giáo cho rằng “học sinh không có vấn đề gì cần tư vấn tâm lý”. Thế nhưng thông tin “đơn giản chỉ là trò chuyện” vô cùng hấp dẫn các em học sinh.

Theo ThS Phạm Mạnh Hà - khoa tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), nơi khởi xướng và hỗ trợ nhà trường mở phòng tham vấn - cho biết có trên 500 học sinh tự nguyện cung cấp thông tin để phòng tham vấn lập hồ sơ. Nhiều học sinh tìm đến cán bộ tư vấn để hỏi về các vấn đề hướng nghiệp, quan hệ tình cảm bạn bè, quan hệ với cha mẹ, thầy cô.

Bất ngờ từ những giãi bày

Có mặt trong một ca tư vấn tại Trường Trần Nhân Tông, chúng tôi nghe một lớp trưởng lớp 10 giãi bày: “Cô giáo chủ nhiệm của em, ngoài tiết của cô, không mấy khi thấy mặt. Cô lại rất hay quên. Ví dụ yêu cầu học sinh làm bản kiểm điểm, đến khi các bạn tìm cô để nộp thì cô quên rồi. Thường cô chỉ nói “các anh, các chị không nghe tôi sau này sẽ ân hận”, cô nói thế không có tí thuyết phục nào cả vì các bạn không thể biết vì sao phải ân hận”.

Theo cán bộ tư vấn, cô bé lớp trưởng hầu như buổi tư vấn nào cũng xuất hiện. Bạn bị quá nhiều áp lực, từ phía cô giáo, từ cha mẹ của các bạn mà em nhận kèm cặp và từ chính các bạn. Trong khi đó, bạn thật khó bày tỏ suy nghĩ, nhận xét thật của mình với cô giáo, với cha mẹ. Vì “nếu nói thật những lỗi lầm của các bạn, sợ cô và cha mẹ các bạn sẽ cư xử gay gắt quá, còn không nói thì luôn cảm thấy day dứt”.

Liên quan đến vấn đề giới tính, quan hệ bạn bè khác giới là thông tin phải tư vấn nhiều nhất ở các phòng tham vấn tâm lý của các trường THPT Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Nguyễn Tất Thành, Lê Quý Đôn và Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Qua các phòng tham vấn có những học sinh đã thú nhận từng đi quá giới hạn yêu đương và cảm thấy bế tắc.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho biết với những học sinh “có vấn đề”, khi trò chuyện được với các em đều vỡ lẽ hoặc các em có gia đình ly tán, hoặc cha mẹ xung đột với con cái, cha mẹ cư xử thô bạo, áp đặt, đòi hỏi quá cao ở con cái...

Nhu cầu có thật

Phòng tham vấn tâm lý của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội hoạt động từ năm 2005, một số phòng tham vấn tâm lý của trường khác mở được 2-3 năm, những nơi này đều cho biết có 80% đến trên 90% ca trực đều có học sinh đến tham vấn. Trong đó có 30-50% số học sinh sau tham vấn đều cho biết được giải tỏa về tinh thần, vững vàng tự tin hơn.

Tại Trường Đinh Tiên Hoàng, nơi có nhiều học sinh khó khăn, cá biệt có ba cán bộ chuyên trách ăn lương của trường làm công việc tư vấn nhưng vẫn không ôm xuể công việc do nhu cầu của học sinh quá lớn. Có những vấn đề của học sinh được tư vấn, bày cách giải quyết, giải đáp thắc mắc, nhưng có những vấn đề chỉ là cơ hội để trò chuyện. Trò chuyện để cảm thấy được chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi - ĐH Sư phạm Hà Nội nghiên cứu về vấn đề tâm lý học đường - cho biết có gần 70% học sinh trong diện khảo sát cho biết cần được tham vấn tâm lý và mong có phòng tham vấn tâm lý trong nhà trường.

TP HCM: 2/3 trường THPT có phòng tư vấn tâm lý

Theo ông Trần Khắc Huy - trưởng phòng công tác học sinh sinh viên (Sở GD-ĐT TP HCM), hiện 2/3 trường THPT trên địa bàn TP có phòng tư vấn tâm lý học đường. Đây là mô hình tốt, cơ bản giải quyết được những tâm tư, thắc mắc, bức xúc của học sinh không chỉ trong học tập mà còn trong các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, cha mẹ...

Tùy mỗi sự việc (câu chuyện học sinh nêu có liên quan đến giáo viên trong trường, ban giám hiệu hoặc phụ huynh), chuyên viên tư vấn sẽ tìm cách liên hệ và góp ý khéo léo với họ để tháo gỡ những gút mắc trong lòng học sinh.

Tuy nhiên, hiện đội ngũ tư vấn ở các trường không ổn định do hiện tại ngành giáo dục chưa có biên chế giáo viên tâm lý trong trường phổ thông. Một số trường có kinh phí thì hợp đồng bán thời gian với chuyên viên tâm lý (nhưng thù lao rất thấp, chuyên viên tư vấn làm việc chủ yếu vì lòng yêu nghề), một số trường thì sắp xếp giáo viên giáo dục công dân hoặc trợ lý thanh niên làm công tác này.

Sở GD-ĐT TP đang rà soát hiệu quả của các phòng tư vấn tâm lý học đường. Dự kiến trong thời gian tới, sở sẽ yêu cầu tất cả các trường phổ thông đều phải có phòng tư vấn vì đây là một trong những biện pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm