Đây là năm thứ 5 liên tiếp chị Lương Thị Bắc (34 tuổi) không về ăn Tết ở nhà ngoại. Kết hôn vào năm 2012, đến năm 2018, chị theo chồng từ Hà Nội chuyển hẳn về quê nội Nghệ An sinh sống. Từ đó đến nay, hai vợ chồng chỉ có một lần đón Tết ở nhà ngoại.
"Mẹ chồng đã nhiều tuổi, Tết nhất nhiều công việc cần tôi lo liệu nên rất khó để về nhà ngoại. Nếu cố gắng sắp xếp chắc cũng chỉ về được vài hôm trong Tết, chưa kể xe khách khi đó cũng ngừng chạy. Cũng muốn về ngoại đón năm mới nhưng đã kết hôn, tôi ưu tiên công việc bên chồng hơn", người mẹ hai con chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Tương tự gia đình chị Bắc, nhiều người cưới chồng/vợ xa nhà gặp nhiều khó khăn khi sắp xếp để có thể đón Tết cả hai bên. Một số chọn ăn Tết xen kẽ, trong khi số khác chọn ăn Tết một bề và về nhà ngoại vào dịp khác trong năm.
Ăn Tết nhà nội, nghỉ hè về ngoại
Chị Bắc và chồng đã có hai con, một bé trai sinh năm 2012 và con gái sinh năm 2016. Do nghỉ Tết ít ngày, các con cũng phải theo lịch nghỉ của trường nên vợ chồng khó để sắp xếp vừa về thăm nhà ngoại, vừa lo việc bên nội.
"Dù vậy, vợ chồng tôi không tranh cãi về chuyện ăn Tết bên nào. Vì chồng tôi đi làm ở ngoài đó nên trước khi về nghỉ Tết, anh sẽ mua sắm quà cáp và sang chúc Tết mẹ tôi, thay mặt tôi thăm hỏi họ hàng bên ngoại", chị kể.
Chị Bắc đón Tết ở nhà nội, đến hè cùng các con về thăm nhà ngoại. Ảnh: NVCC. |
Sau 6 năm chuyển về Nghệ An, chị Bắc quen với nếp sống ở đây và không thấy lạc lng vì bà con làng xóm rất thân tình, thường xuyên tụ họp và giúp đỡ lẫn nhau.
Những ngày lễ mừng năm mới, láng giềng lại có dịp qua lại thăm hỏi, khắng khít tình cảm nhiều hơn.
"Tôi thấy may mắn khi lấy chồng xa nhưng gia đình chồng và hàng xóm xung quanh đều tình cảm. Bây giờ còn có thể gọi điện qua Facebook, nhìn thấy mẹ qua màn hình nên cũng bớt tủi thân, lo lắng", chị nói.
Thay vì về ngoại dịp Tết Nguyên đán, chị Bắc thường chờ đến dịp nghỉ hè của các con sẽ cùng về ngoại, có thể ở chơi cả tháng. Cả hai con của chị đều sinh ra ở quê ngoại nên rất háo hức mỗi khi được về Bắc thăm bà, thăm các cô, cậu.
Khác với gia đình chị Bắc, chuyện sắp xếp ăn Tết ở nhà nội - nhà ngoại vẫn là chủ đề tranh luận của vợ chồng chị Hiên (32 tuổi, quê Hà Nam) sau 4 năm kết hôn.
Lấy chồng quê Nam Định, trong khi vợ chồng làm việc ở Hà Nội, những ngày Tết ít ỏi, cả hai gặp khó để xếp lịch. Năm nay, chị Hiên muốn về nghỉ Tết nhà nội đến hết mùng 1, tới mùng 2 về nhà ngoại, nhưng chồng chị lại muốn tới mùng chiều mùng 3 mới về.
"Bố mẹ tôi đều đã lớn tuổi, em trai tôi đi làm ở nước ngoài nên mấy năm nay không về Tết được, tôi không muốn để bố mẹ phải vắng con cái suốt 3 ngày lễ chính. Cuối cùng, tôi bảo nếu chồng không chịu, tôi sẽ tự về một mình rồi anh sang sau", chị Hiên nói.
Theo chị Hiên, chủ đề ăn Tết ở đâu rất nhạy cảm và cần sự thấu hiểu. Mỗi bên nhường nhịn nhau một chút mới có thể giữ cho gia đình đầm ấm.
Đón giao thừa luân phiên
Quê ở Trà Vinh, lấy chồng Hà Nội song Minh Anh (26 tuổi) và ông xã đều sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Hai năm nay, từ khi kết hôn, cả hai đều đau đầu tính toán chuyện di chuyển, thăm nom hai bên gia đình dịp Tết Nguyên đán.
"Vì các địa điểm đều ở xa nhau, nhất là đầu TP.HCM - Hà Nội phải đi máy bay, chúng tôi phải canh đặt vé sớm để chủ động khớp lịch trình di chuyển. Dịp Tết, nếu lỡ việc đi lại thôi cũng đủ đau đầu rồi", Minh Anh nói.
Năm nay, vợ chồng trẻ quyết định đón Tết sớm ở Trà Vinh trước. Sau khi về thăm, biếu quà Tết nhà ngoại vào tuần trước, cả hai vừa bay ra Hà Nội ngày 21/1. Đến sát Tết Nguyên đán, hai vợ chồng tiếp tục vào Thanh Hóa để đón giao thừa cùng quê nội chồng. Tới mùng 6 tháng Giêng, cả hai sẽ bay trở lại TP.HCM để tiếp tục công việc.
Để việc chúc Tết nội, ngoại diễn ra suôn sẻ, vợ chồng Minh Anh sẽ thông báo sớm với gia đình hai bên về kế hoạch di chuyển để có sự chuẩn bị. Bên cạnh đó, cô thường mua sớm quà Tết gửi về trước, còn tiền biếu thêm sẽ gửi sau khi về.
“Dù di chuyển khá nhiều và bận rộn dịp cuối năm, chúng tôi vẫn muốn đi thăm nom, chúc Tết hai bên gia đình đầy đủ nhất có thể vì đây gần như là dịp duy nhất các thành viên sum vầy đầy đủ bên nhau. Đây cũng là dịp để con cháu bày tỏ sự quan tâm, lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà”, nàng dâu Trà Vinh chia sẻ.
Vợ chồng Bùi Tình luân phiên ăn Tết nhà nội, nhà ngoại. Ảnh: NVCC. |
Trong khi đó, vợ chồng Bùi Tình (32 tuổi) không phải suy tính quá nhiều chuyện ăn Tết nội, Tết ngoại bởi cả hai đã thống nhất sẽ đón giao thừa luân phiên, mỗi năm một nhà. Tình quê ở Nghệ An, hiện cùng chồng sinh sống tại Hà Nội.
“Ví dụ, năm nào ăn Tết ở Nghệ An, cứ khoảng 28 tháng Chạp chúng tôi sẽ về quê. Ăn Tết đến khoảng mùng 3, hai vợ chồng sẽ đi Thanh Hóa quê chồng chúc Tết, tới mùng 4 quay lại Hà Nội”, Tình kể.
Vì có ôtô riêng và đều làm kinh doanh tự do, hai vợ chồng khá chủ động trong việc đi lại. Bên cạnh đó, cả hai chưa có con, nên chủ yếu chỉ cần sắp xếp công việc cá nhân trong dịp Tết.
Theo thông lệ, năm nay đến lượt gia đình Tình đón giao thừa ở Hà Nội. Tính đến 23 tháng Chạp, cô đã hoàn tất việc mua quà Tết, gửi về hai bên nội ngoại. Đến khoảng mùng 3 tháng Giêng, cả hai sẽ về Nghệ An chúc Tết, tới mùng 6 quay lại thủ đô.
Về phần quà cáp, Tình thường mua quần áo tặng bố mẹ hai bên theo sở thích và đưa thêm tiền biếu tùy tình hình kinh tế từng năm của hai vợ chồng.
“Bố mẹ hai bên đều nhất trí và tôn trọng phương án đón Tết của vợ chồng tôi. Mỗi năm chỉ cần thống nhất và báo trước để bố mẹ biết là được”, cô cho biết.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.