Đọc cái tựa có lẽ mọi người dễ dàng đoán ra Nhật Phi đang muốn nói về vấn đề gì. Một vài bộ lọc yếu của không ít "cư dân mạng" khiến cho vấn đề này, vốn chỉ được ấm ức trong lòng, thông qua một nhân vật hơi nổi cộm, lại bất ngờ trở nên ồn ào. Ừ thì đừng đổ lỗi, nếu thất bại hãy chấp nhận đi, lệ xưa nay vẫn vậy... Nhưng mà này, lẽ ra còn phải cộng nhiều hơn nữa ấy!
Ta nói kỳ thi đại học là cuộc đua tranh trình độ chuyên môn, để tuyển chọn tinh hoa, tôn vinh và tặng thưởng, thì đúng thôi. Tất cả đều bình đẳng trước chuyên môn ấy, người có trình độ hơn sẽ chiến thắng.
Ai cộng điểm vùng miền trong kỳ thi học sinh giỏi? Ai ưu tiên con em thương binh, liệt sĩ trong kỳ thi Olympic? FIFA có để Brazil, Argentina, Tây Ban Nha... chấp nửa trái khi đá với Nhật Bản, Hàn Quốc không? Không, đương nhiên.
Chất lượng cuộc sống là điều kiện cần để nâng cao trình độ. Và trình độ, đạt tới rồi phá vỡ những đỉnh cao, là thứ mà nhân loại cần. Khi đó, người ta thi tay bo với nhau.
Nhưng kỳ thi đại học có phải cuộc đua tranh như thế không? Đây là kỳ thi "tuyển", bài thi điều kiện cho một trong những lựa chọn học thuật. Thứ nó thực sự đánh giá có phải trình độ không? Tôi e là không.
Một bạn nào đó có lời rằng, nhờ những chính sách cộng điểm mà "bảo sao chẳng chảy máu chất xám", nếu thế thì định nghĩa "chất xám" của bạn nhẹ nhàng quá."Chất xám" của nhân loại lẽ đâu lại èo uột thế?
Chúng ta đã nói rất nhiều tới nền giáo dục hiện hành, với 3 năm 1 cải cách nhỏ, 5 năm 1 cải cách lớn. Những lỗ hổng to tướng của nó đang được thấy rõ. Bạn mong đợi "chất xám" nào từ bộ lọc là kỳ thi đại học?
Có chăng, kỳ thi đại học sẽ kiểm tra nỗ lực của học sinh trong quá trình học phổ thông. Tôi nói riêng trong cái sự học ở nhà trường đó thôi. Và như thế, khi có điều kiện hơn, bạn được trang bị nhiều hơn, nỗ lực của bạn để đạt tới cùng một mức sẽ thấp hơn!
Đơn cử, các bạn ở thành phố cứ việc đi học thêm tại lò luyện thi. Các bạn sẽ được trang bị "tận răng" những dạng bài, đi thi áp cách làm vô, xong, khỏi suy nghĩ lắm. Cái này là có thật, bởi tôi ôn thi đại học 2 lần rồi, biết lắm.
Vậy cớ gì mà các bạn phải hà tiện thiệt hơn 1, 2 điểm với học sinh ở nông thôn, những người ít điều kiện và phương tiện hơn? Các bạn cũng sẽ phải nỗ lực tương xứng với điều kiện của mình để vượt qua 1, 2 điểm cộng đó thôi.
Nhưng này, ta nói về nỗ lực, và nỗ lực sẽ không phải chỉ trong chuyện học. Cách đây vài năm, trong khi còn đang nhận bài dịch lẻ để kiếm thêm, tôi đã không ngừng tự nhủ mình có điều kiện hơn, xuất phát điểm tốt hơn, nên phải nỗ lực để đạt được thành tựu lớn hơn.
Thành tựu đối với các bạn nhỏ nông thôn, những người sinh ra trong gia đình nông nghiệp, ấy là vào được đại học, kiếm được việc làm để bám trụ thành phố, có phải không ạ?
Thế còn các bạn ở thành phố? Các bạn có gia đình ở đây, cha mẹ nuôi dưỡng, bao thầu, chẳng lẽ các bạn cũng chỉ mong ở lại chính thành phố ấy, làm cũng những công việc ấy, để tranh chỗ với những người thực sự cần nó đến chết?
Ôi, các bạn của tôi ơi, tại sao lại thế nhỉ? Các bạn có trăm ngàn thứ điều kiện, có máy vi tính từ thuở lớp 2, làm quen với Internet từ thời tiểu học, được học ngoại ngữ ít nhất 7 năm.
Các bạn có thời gian để chơi đùa, mơ mộng và tưởng tượng; đủ xa hoa để được phép nghĩ về nhiều thứ hơn là miếng cơm manh áo. Thế giới của các bạn có thể rộng lớn hơn nhiều lần. Vậy tại sao phải đi theo con đường của số đông để cò kè 1, 2 điểm với những người phải nỗ lực nhiều hơn?
Hãy biết rằng, mình có nhiều lựa chọn hơn, và chiến đấu với những lựa chọn đó! Kể cả khi lựa chọn con đường học thuật chính thống, bạn vẫn cần là người xuất sắc. Nếu thi vào đại học, bạn hãy ở trong top của top, và tiếp tục đứng đó cho tới khi tốt nghiệp, tạo ra một lực lượng trí thức chất lượng cao. Còn nếu không, trời ơi, còn vô vàn con đường dành cho bạn. Vấn đề là bạn cần phải biết tới chúng.
Vậy nên, tôi nghĩ, lẽ ra điểm cộng còn có thể cao hơn nữa và... hơn nữa, để cánh cửa mở rộng hơn với những người cần; tầm nhìn mở rộng hơn nữa với những người có thể không cần. Để tất cả mọi người cùng có thể nỗ lực nhiều hơn, đẩy xã hội của tiến lên nhanh hơn.
* Bài viết này không thể bao quát hết mọi khía cạnh của vấn đề. Mình viết nó với tinh thần truyền cảm hứng nhiều hơn là phản biện xã hội.