Những vận động viên như Caster Semenya gặp khó khăn trước lệnh cấm của WA. |
Các quy định được công bố hôm 23/3, có hiệu lực từ ngày 31/3, cấm những vận động viên đã trải qua giai đoạn mà WA gọi là "tuổi dậy thì nam" tham gia các cuộc thi xếp hạng thế giới dành cho nữ. WA cho biết việc loại trừ sẽ áp dụng cho "các vận động viên chuyển giới từ nam sang nữ đã trải qua tuổi dậy thì nam", theo CNN.
Ngoài ra, các quy định mới có thể ngăn cản Caster Semenya, người giành hai HCV Olympic cự ly 800 m, và các vận động viên khác có sự khác biệt về phát triển giới tính (DSD) thi đấu.
Chủ tịch WA Sebastian Coe cho biết cập nhật mới về DSD có thể ảnh hưởng đến 13 vận động viên, bao gồm cả Semenya.
Trước đó, nhóm vận động viên này vẫn có thể thi đấu mà không bị hạn chế trong các nội dung ngoài cự ly 400 m đến 1 mile (1,6 km), nhưng giờ sẽ phải điều trị ức chế hormone trong vòng 6 tháng để đủ điều kiện thi đấu.
Lệnh cấm gây tranh cãi
Ông Coe thừa nhận rằng không có phương án nào toàn diện trong vấn đề gây tranh cãi này, vì một phía ủng hộ những người được chỉ định là nữ khi sinh ra có thể thi đấu bình đẳng và bên còn lại không muốn phân biệt đối xử với người chuyển giới và vận động viên DSD.
"Tất cả quyết định chúng tôi đưa ra đều có những thách thức riêng. Nếu vậy, chúng tôi sẽ làm những gì đã thực hiện trong quá khứ, đó là bảo vệ mạnh mẽ quan điểm của mình. Và nguyên tắc chính là chúng tôi sẽ luôn làm những gì có lợi nhất cho môn thể thao này", ông Coe nói.
Vị chủ tịch cho biết quyết định được đưa ra sau khi thảo luận với các liên đoàn thành viên WA, Học viện Huấn luyện viên Điền kinh Toàn cầu, Ủy ban Vận động viên và Ủy ban Olympic Quốc tế cũng như các nhóm nhân quyền và chuyển giới đại diện.
Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Thế giới Sebastian Coe. |
Ông giải thích rằng WA, cơ quan quản lý toàn cầu về điền kinh, sẽ thành lập một nhóm làm việc để đánh giá vấn đề hòa nhập của người chuyển giới trong 12 tháng tới.
"Chúng tôi sẽ không nói không mãi mãi", ông nói.
Hồi tháng 1, một nhóm nhỏ người biểu tình đã tập trung bên ngoài Hội nghị NCAA ở San Antonio để phản đối việc đưa vận động viên nữ chuyển giới vào các môn thể thao đại học dành cho nữ.
Những người ủng hộ việc cấm người chuyển giới tham gia các môn thể thao dành cho nữ đã lập luận rằng các VĐV chuyển giới hay DSD có lợi thế về thể chất hơn phụ nữ trong thể thao.
Nhưng khoa học chính thống không ủng hộ kết luận này. Một báo cáo năm 2017 trên tạp chí Sports Medicine đã xem xét một số nghiên cứu liên quan cho thấy "không có nghiên cứu trực tiếp hoặc nhất quán" nào về việc người chuyển giới có lợi thế về thể thao so với nữ.
Các nhà phê bình cho rằng lệnh cấm chỉ làm gia tăng sự phân biệt đối xử mà người chuyển giới đang phải đối mặt.
Số phận của các vận động viên giống Caster Semenya
Các vận động viên có sự khác biệt về phát triển giới tính, chẳng hạn như Semenya và vận động viên giành HCB Olympic cự ly 200 m Christine Mboma, không phải là người chuyển giới, mặc dù hai vấn đề này có những điểm tương đồng khi nói đến trong thể thao.
Những vận động viên kể trên được xác định hợp pháp là nữ khi sinh ra, nhưng có tình trạng sức khỏe dẫn đến một số đặc điểm của nam giới, bao gồm cả lượng testosterone cao mà WA lập luận mang lại cho họ lợi thế không công bằng giống như các vận động viên chuyển giới.
Thời gian gần đây, Semenya đã bắt đầu làm quen với các cự ly chạy dài hơn. Cô đứng thứ 13 trong vòng loại ở cự ly 5.000 m tại giải vô địch thế giới năm ngoái.
Trong một cuộc phỏng vấn, cô nói rằng mình đang nhắm đến việc chạy ở Olympic với cự ly dài hơn 800 m sở trường. "Tôi đang trong giai đoạn thích nghi, và cơ thể tôi bắt đầu làm quen với chặng đường mới. Tôi chỉ đang tận hưởng thời điểm hiện tại và mọi thứ sẽ đâu vào đấy vào đúng thời điểm", vận động viên người Nam Phi cho biết.
Vận động viên Francine Niyonsaba cho biết cô sẽ không điều trị hormone như quy định mới của WA. |
Tuy nhiên, với quy định mới, chạy nhiều hơn vẫn là chưa đủ để tranh tài tại Olympic năm sau. Semenya sẽ phải trải qua điều trị ức chế hormone trong 6 tháng, điều mà cô đã nói rằng bản thân không bao giờ muốn trải qua thêm lần nào nữa, sau khi buộc phải thực hiện nó cách đây một thập kỷ.
Mboma, người đã giành HCB ở Tokyo hai năm trước nhưng đã bỏ lỡ giải thế giới vào năm ngoái vì chấn thương, không chia sẻ liệu cô có sẵn sàng trải qua liệu pháp hormone hay không.
Một vận động viên khác, Francine Niyonsaba, người giành HCB Olympic cự ly 800 m, cũng cho biết cô sẽ không điều trị hormone.
Trong khi Semenya gặp khó khăn ở cự ly dài hơn, Niyonsaba đã tương đối thành công khi giành chức vô địch Diamond League ở cự ly 3.000 m, 5.000 m và chạy ở cự ly 5.000 m tại Olympic Tokyo.
Theo quy định mới, các vận động viên tham gia những cự ly "không hạn chế" trước đây sẽ phải ức chế mức nội tiết tố nam testosterone tối đa trong máu dưới 2,5 nanomol/lít trong 6 tháng. Sau đó, họ phải tiếp tục duy trì chỉ số của mình dưới mức đó trong 2 năm.
Trước đây, các vận động viên có sự khác biệt về phát triển giới tính chỉ phải giảm lượng testosterone trong máu xuống dưới 5 nanomol/lít trong ít nhất 6 tháng trước khi thi đấu và các quy tắc chỉ áp dụng cho cự ly từ 400 m đến 1 mile (1,6 km).
Gánh nặng lời khen 'giỏi việc nước, đảm việc nhà'
Theo cuốn Phụ nữ vô hình của Caroline Criado Perez, trên thế giới, 75% công việc chăm sóc gia đình (công việc không-được-trả-lương) do phụ nữ cáng đáng. Câu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" không phải là một cái danh ca ngợi, mà như một "cái còng", buộc người phụ nữ phải xoay xở vừa phải chăm lo được cho gia đình, vừa phải ra ngoài kiếm tiền.