Ian Peake (33 tuổi), sinh viên Y khoa của ĐH Oklahoma (Mỹ), đã dành 4 năm để quan sát, học hỏi các bác sĩ tại một phòng khám chuyên về phá thai ở thành phố Tulsa do nhà trường không cung cấp các khóa đào tạo liên quan lĩnh vực này.
Tuy nhiên, vào tháng 5, khi bang Oklahoma ban hành lệnh cấm phá thai, tất cả cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai trong bang đã phải đóng cửa. Peake rơi vào tình trạng không còn nơi để học tập, thực hành.
Không chỉ riêng Peake, hàng loạt sinh viên Y khoa cũng đang chật vật do không thể học về phá thai trong bối cảnh nước Mỹ áp dụng lệnh cấm trên cả nước. Nhiều người lo lắng những thế hệ bác sĩ tương lai sẽ thiếu những kỹ năng quan trọng khi điều trị cho phụ nữ, đặc biệt là các sản phụ.
"Về cơ bản, sinh viên sẽ không thể học về việc phá thai. Điều này sẽ khiến cho nước Mỹ trở thành một nơi mà toàn bộ sinh viên Y khoa không biết gì về cách thức phá thai và những vấn đề liên quan", Ian Peake nói với Reuters.
Cơ sở phá thai đóng cửa khiến nhiều sinh viên Y khoa không còn nơi học tập, thực hành. Ảnh: Reuters. |
Hiện nay, các trường Y khoa tại Mỹ không bắt buộc đào tạo về phá thai. Tuy nhiên, Hội đồng Công nhận Giáo dục Y khoa Sau đại học (ACGME) - cơ quan đánh giá và cấp chứng nhận các chương trình bác sĩ nội trú - lại yêu cầu các học viên phải học về quy trình phá thai trước khi tốt nghiệp.
Khi các phòng khám chuyên phá thai tại một số bang bị đóng cửa, sinh viên Y khoa buộc phải đến bang khác để học tập, nghiên cứu. Nếu không thể đến bang khác, sinh viên được cung cấp chương trình đào tạo tại chỗ bằng cách sử dụng mô hình và các tài liệu mô phỏng. Nhiều người lo lắng cách đào tạo này không thể cung cấp đủ kiến thức và kỹ năng thực tế cho các bác sĩ tương lai.
Bà Louito Edje, Phó chủ nhiệm khoa Giáo dục Y khoa tại ĐH Y Cincinnati (Mỹ), đồng thời là thành viên của ACGME, bày tỏ mong muốn sinh viên Y khoa sẽ được đến các bang khác để học về phá thai. Nhưng bà lo ngại việc học vẫn bị ảnh hưởng vì số lượng sinh viên đông sẽ khiến các cơ sở phá thai bị quá tải, hoặc đơn giản là các cơ sở này không đủ bệnh nhân để cho sinh viên thực hành.
Pamela Merritt, Giám đốc điều hành của Medical Students for Choice - nhóm vận động quyền phá thai - lo ngại lệnh cấm sẽ tạo ra những sinh viên Y khoa thiếu kỹ năng về sức khỏe sinh sản.
"Ngay cả khi được phép can thiệp cứu sống một người đang mang thai, tôi cũng lo là họ không thể làm được", bà Merritt nói.
Theo Guttmacher Institute, nhóm nghiên cứu về quyền phá thai, hiện nay, Mỹ có 7 bang đóng cửa toàn bộ phòng khám cung cấp dịch vụ phá thai. Trong số đó, Texas cùng Alabama là hai bang thực hiện sớm và triệt để nhất.
Giáo sư Maya Hammoud tại ĐH Y Michigan nhận định lệnh cấm phá thai tại Mỹ không chỉ đơn giản là cấm phụ nữ bỏ đi bào thai trong bụng mà sẽ ảnh hưởng đến việc các bệnh viện, phòng khám chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ.