Đêm nhạc Kỷ niệm của Nguyễn Ánh 9 diễn ra tối 16/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội được mở màn ấn tượng với nhiều cảm xúc. Khi giai điệu Không cất lên, tấm màn nhung che sân khấu vẫn im ỉm đóng, rồi từ từ, bóng người nhạc sĩ già cần mẫn bên cây dương cầm gầy guộc, lặng lẽ nhưng đầy đam mê dần dần hiện lên trong tiếng vỗ tay kéo dài của người yêu nhạc.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong live show Kỷ niệm. |
Phần mở màn xúc tích nhưng đã khắc họa được hình ảnh nõ nét và đầy đủ nhất về chân dung Nguyễn Ánh 9: người nghệ sĩ tài hoa, lặng lẽ, khiêm nhường bên cây dương cầm.
Sau phần mở đầu, cõi nhạc Nguyễn Ánh 9 dần ru lòng người với những ca khúc quen thuộc: Màu tím tình yêu, Xin đừng nói yêu tôi, Buồn ơi chào mi…
Không có chiêu trò để thu hút khán giả chú ý về sân khấu, không có những tên tuổi ca sĩ thực sự hút khách nhưng khán phòng của nhà hát không còn một chỗ trống. Người yêu nhạc đến với live show Kỷ niệm để nghe nhạc Nguyễn Ánh 9, để ủng hộ người nghệ sĩ vẫn luôn cần mẫn bên cây đàn dù tuổi cao sức yếu.
Ca sĩ tham gia đêm nhạc không phải là những người từng thành công nhất với nhạc Nguyễn Ánh 9, nhưng vẫn lôi cuốn khán giả bằng những phần trình diễn đầy cảm xúc và đam mê. Khán giả lặng người khi nghe NSƯT Đức Long trút hết nỗi lòng với ca khúc Cô đơn, hay Lê Hiếu trầm lắng hát Buồn ơi chào mi, rồi Hằng Nga thể hiện Lặng lẽ tiếng dương cầm...
Những rung động, những thấu hiểu của các ca sĩ dành cho Nguyễn Ánh 9 dễ dàng lan tỏa tới người yêu nhạc. Để rồi, cả khán phòng của Nhà hát Lớn Hà Nội như chìm trong cõi nhạc với những rung động, những xúc cảm chân thành và da diết nhất.
Lê Hiếu da diết với Buồn ơi chào mi. |
Trong đêm nhạc, có 2 lần nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bật khóc vì xúc động. Lần đầu tiên là khi ông chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Lặng lẽ tiếng dương cầm.
Ca khúc được viết dựa trên những cảm xúc của chính nhạc sĩ về sự hy sinh của người vợ - bà Ngọc Hân. 20 tuổi, bà Ngọc Hân gác lại đam mê với sân khấu, với những bước nhảy thiết hài để toàn tâm toàn ý chăm sóc ông và gia đình.
Đến khi Nguyễn Ánh 9 quyết định rời bỏ sân khấu, nỗi nhớ những phím đàn, nỗi nhớ ánh đèn màu khiến ông bồn chồn không yên. Lúc này, ông mới hiểu vợ đã hy sinh cho mình nhiều đến mức nào. Nguyễn Ánh 9 có cảm hứng sáng tác Lặng lẽ tiếng dương cầm, đồng thời ông quyết định trở lại sân khấu.
Nguyễn Ánh 9 cũng rơi nước mắt vì xúc động không nói nên lời khi đêm nhạc khép lại. Nhạc sĩ nghẹn ngào: “Tôi không biết nói bằng cách nào để diễn tả cho hết sự biết ơn đối với khán giả ngày hôm nay".
Đêm nhạc Kỷ niệm khép lại với màn song tấu Tình khúc chiều mưa đầy ngẫu hứng của cha con Nguyễn Ánh 9 và Nguyễn Quang. Lần đầu tiên khán giả được thưởng thức một bản song tấu piano mãnh liệt, đam mê và xúc động đến như vậy. Kết thúc bản song tấu, toàn bộ khán giả có mặt trong khán phòng Nhà hát Lớn không hẹn mà cùng đứng lên, dành những tràng pháo tay không dứt thay cho lời cảm ơn tới nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Cha con Nguyễn Ánh 9 ôm chầm lấy nhau sau khi hòa tấu Tình khúc chiều mưa. |