Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lỡ dở công việc vì lo mắc Covid-19

T.T. (Hà Nội) sốt ruột khi mọi người xung quanh lần lượt mắc Covid-19. Anh không biết bao giờ đến lượt mình để tránh hủy công việc đột ngột với đối tác.

T.T., nhiếp ảnh gia kiến trúc ngụ ở quận Hoàng Mai, thở dài ngao ngán khi thấy thêm một hộ gia đình treo biển đỏ ngoài cửa. Cả tầng có 5 căn hộ, chỉ còn nhà anh là chưa mắc Covid-19.

Tuy nhiên, anh cảm thấy sốt ruột nhiều hơn lo lắng. Vài tháng trở lại đây, anh đã chuẩn bị tâm thế rằng sớm muộn mình cũng bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nhất là khi biến chủng Omicron dễ lây lan xuất hiện.

tri hoan cong viec vi lo mac Covid-19 dot ngot anh 1

Hàng xóm của T.T. đồng loạt treo biển đỏ cảnh báo cách ly y tế. Ảnh: NVCC.

“Tôi cảm thấy nguy cơ bị nhiễm rất gần rồi nhưng chưa tới. Điều này khiến tôi không yên tâm khi nhận công việc vì muốn tránh rủi ro cho đối tác”, anh chia sẻ với Zing.

Từ ngày 26/2 đến nay, số lượng ca nhiễm phát hiện tại Hà Nội liên tiếp vượt ngưỡng 10.000 trường hợp/ngày.

Thậm chí, chỉ riêng ngày 5/3, thành phố ghi nhận hơn 25.000 ca mắc Covid-19 mới.

Với số F0 tăng nhanh và mạnh, nhiều người rơi vào trạng thái thấp thỏm, hoang mang không biết bao giờ tới lượt mình. Điều này gây cản trở nhiều đến các quyết định liên quan đến công việc và cả cuộc sống của họ.

Không biết khi nào đến lượt mình

Với đặc thù công việc thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau, T.T. không thể biết liệu mình đã tiếp xúc với bao nhiêu F0.

Anh cũng chủ động xét nghiệm nhanh nhiều lần, tự theo dõi triệu chứng khi thấy bạn bè, người thân và hàng xóm lần lượt mắc Covid-19. Nhưng đến nay, anh vẫn nhận về kết quả âm tính.

T.T., có kinh nghiệm 8 năm hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh kiến trúc, cho biết công việc của anh luôn được hẹn lịch trước, bao gồm địa điểm và khoảng thời gian thực hiện.

tri hoan cong viec vi lo mac Covid-19 dot ngot anh 2

Phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) vắng vẻ những ngày số ca F0 liên tục lập đỉnh. Ảnh: Nhật Sinh.

Nếu không may bị nhiễm bệnh, anh buộc phải hoãn hoặc hủy công việc, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến đối tác của anh. Đó là điều mà T.T. không muốn xảy ra nhất.

Do đó, thời gian gần đây, anh đã chủ động từ chối vài lời mời hợp tác, đồng thời tạm hoãn một số công việc đã hẹn trước. May mắn thay, đối tác thông cảm cho những lo ngại của T.T.

“Tôi thấy mình không còn lựa chọn nào khác. Công việc của nhiếp ảnh gia là đi chụp ở thực địa và đến những nơi công cộng. Lỡ chẳng may mắc Covid-19, dù không có triệu chứng, tôi cũng không muốn đi làm để tránh lây nhiễm cho người khác”, anh chia sẻ.

Là người duy nhất trong nhà âm tính với SARS-CoV-2, Hải Phong (21 tuổi, ngụ quận Đống Đa) vừa chăm sóc cả gia đình, vừa tiếp tục với công việc quản lý hàng hóa cho một thương hiệu thời trang.

tri hoan cong viec vi lo mac Covid-19 dot ngot anh 3

Hải Phong là người duy nhất trong gia đình âm tính với Covid-19. Ảnh: NVCC.

Sau 2-3 ngày tự theo dõi sức khỏe tại nhà, anh sớm trở lại văn phòng làm việc vì công ty thiếu nhân lực. Nhiều đồng nghiệp của anh lần lượt xin nghỉ vì trở thành F0.

“Thú thực, đây không phải lần đầu tiên tôi trở thành F1”, anh cười, nói.

Phong chia sẻ với Zing rằng so với lần đầu tiên biết mình tiếp xúc với F0, giờ anh không tâm lý hoang mang như trước. Trước đó, anh từng tự xin nghỉ học, nghỉ làm 4-5 ngày, liên tục test nhanh với hy vọng “không lên 2 vạch”.

Với Phong, điều khiến anh lo ngại nhất khi trở thành F1 ở thời điểm này là phải sắp xếp công việc ra sao, chăm lo cho sinh hoạt của người thân bị ốm thế nào.

“Mỗi lần nhìn người thân, bạn bè, đồng nghiệp đổ bệnh, tôi lại lo lắng không biết bao giờ thì tới lượt mình bị ốm, phải mua sắm thuốc men hay sắp xếp công việc ra sao”, anh nói.

Bình tĩnh hơn

Việc liên tục tiếp xúc với các F0 cũng khiến cuộc sống sinh hoạt và công việc của Tuấn Anh (21 tuổi), nhân viên truyền thông ngụ quận Nam Từ Liêm, bị ảnh hưởng đáng kể.

Gần đây nhất, anh nhận được tin anh trai mắc Covid-19 vào ngày 3/3.

tri hoan cong viec vi lo mac Covid-19 dot ngot anh 4

Đến nay, Tuấn Anh đã 4 lần trở thành F1. Ảnh: NVCC.

Anh cho biết mình thường phải xin nghỉ làm 2-3 ngày để tự theo dõi sức khỏe tại nhà, tốn thêm chi phí mua kit test Covid-19 mỗi lần thành F1.

“Cứ vài tuần hay mỗi tháng, tôi lại phải tạm dừng công việc ít ngày với lý do trên. Nhìn mọi người dần trở thành F0, tôi cũng lo ngại không biết bao giờ thì tới lượt mình”, Tuấn Anh nói.

Chia sẻ với Zing, Tuấn Anh kể rằng lần đầu tiên anh trở thành F1 là khi Hà Nội mới ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới mỗi ngày. Thời điểm ấy, anh và gia đình rất hoang mang khi vô tình tiếp xúc với F0.

“Lúc đó, tôi đã bỏ ra 1,8 triệu đồng mua một hộp kit test nhanh nCoV cho cả nhà và sử dụng liên tục suốt 7 ngày tự cách ly, thậm chí còn khử khuẩn nhà cửa. Tôi chỉ sợ mình sẽ mắc bệnh, rồi lây cho người thân”.

Nhưng tới lần này, nỗi lo lắng dần được thay thế bằng cảm giác chán nản.

tri hoan cong viec vi lo mac Covid-19 dot ngot anh 5

Số ca mắc mới ở Hà Nội liên tục lập đỉnh từ cuối tháng 2 đến nay. Do không có nhân sự, hàng loạt cơ sở kinh doanh đóng cửa, công ty thực hiện work from home. Ảnh: Phạm Thắng.

Theo Tuấn Anh, những quãng nghỉ ngắn khi trở thành F1 khiến anh bị đứt mạch làm việc. Có những lần, anh phải hủy bỏ kế hoạch lên văn phòng hay ra ngoài quay chụp cho công ty vì đột ngột thành F1.

Anh dự định ở nhà theo dõi sức khỏe 2-3 ngày, sau đó sẽ quay lại với nhịp sinh hoạt thường nhật nếu không xuất hiện triệu chứng và có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2.

“Tôi đã thực hiện mọi cách để tự bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, tiêm đủ vaccine… nhưng vẫn khó tránh khỏi cảnh F1 khi người thân, bạn bè liên tục mắc Covid-19. Dù có chút chán nản khi phải tạm dừng công việc, tôi vẫn cố gắng giữ tinh thần lạc quan và cẩn trọng với dịch bệnh”, Tuấn Anh nói.

F0 mệt mỏi khi vẫn phải làm việc tại nhà

Chưa một ngày nào Hoa (26 tuổi) thực sự được nghỉ ngơi từ khi mắc Covid-19. Cô vẫn phải hoàn thành công việc được giao dù đang bị hành hạ bởi những cơn ho, đau đầu và chóng mặt.

Hồng Chang - Trang Minh

Bạn có thể quan tâm