Hoa, nhân viên hành chính nhân sự của một công ty Hàn Quốc ở Hải Phòng, vẫn túc trực bên chiếc máy tính cá nhân để hoàn thành công việc được giao suốt thời gian tự cách ly và chữa trị.
“Tôi mắc Covid-19 vào ngày 22/2, trùng với thời điểm cuối tháng cần xử lý công việc liên quan đến thanh toán bảo hiểm xã hội nên tôi không thể trì hoãn được”, cô chia sẻ với Zing.
Cô cho biết ngoài khoản bảo hiểm xã hội đương nhiên được hưởng theo quy định pháp luật, cô không được hỗ trợ gì từ phía ban lãnh đạo dù phải làm việc ở nhà trong thời gian đau ốm.
“Tôi không thấy xứng đáng chút nào. Công sức tôi bỏ ra không khác ngày đi làm bình thường nhưng tiền lương vẫn vậy. Trong khi đó, những người khác vừa được nghỉ ngơi, vừa có chi phí hỗ trợ thêm từ công ty”, cô nói.
Bệnh nhân chờ khám hậu Covid-19 tại một bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Mặc dù mệt mỏi, đau nhức và chỉ có thể làm việc với 10% năng suất, nhiều nhân viên văn phòng mắc Covid-19 vẫn phải hoàn thành công việc khi đang dưỡng bệnh ở nhà.
Bên cạnh những người bất mãn khi không được nghỉ ngơi, một số khác cảm thấy đó là trách nhiệm của mình đối với công ty, hoặc muốn tránh ảnh hưởng đến mức lương, thưởng cuối tháng.
Vẫn phải làm việc
Làm việc trong lúc cơ thể đau nhức, mệt mỏi không hề dễ dàng với Hoa. Ngoài việc khó tập trung vì chứng chóng mặt và cơn ho liên tục gây rát họng, cô bị đau đầu mỗi khi ngồi trước máy tính quá lâu.
Cô buộc phải chia nhỏ đầu việc và thực hiện chúng theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, cô thường làm báo cáo vào những đêm mất ngủ và xử lý đầu việc phát sinh có liên quan.
Hoa cho biết văn phòng hành chính nhân sự có tất cả 5 nhân viên. Tuy nhiên, không ai có thể hỗ trợ được Hoa do đặc thù công việc chỉ mình cô đảm nhận.
Túi thuốc điều trị Covid-19 do công ty cung cấp cho Trà My. Ảnh: NVCC. |
“Tôi không có động lực nào cả, chỉ đơn giản là cấp trên yêu cầu phải hoàn thành thôi. Tôi đã có thể bình phục sớm hơn nếu không phải làm việc trong lúc ốm đau”, cô nói.
Do mức lương tính theo KPI hàng tháng, Trà My (25 tuổi, Hà Nội) vẫn duy trì làm việc tại nhà trong thời gian mắc Covid-19.
Dù còn đau họng và sốt nhẹ sau một tuần nhiễm bệnh, nữ nhân viên truyền thông cố gắng dành 2-3 tiếng mỗi ngày xử lý các đầu việc dang dở.
Cô cho biết mình không thể ngồi làm việc lâu vì sẽ bị tức ngực. Sức ăn cũng giảm, kéo theo cả năng suất làm việc của cô. Tuy nhiên, cô vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, chỉ nghỉ ngơi những lúc cảm thấy quá sức.
“Khi mệt đến mức không làm nổi, tôi sẽ nhờ đồng nghiệp hỗ trợ. Sếp cũng tạo điều kiện cho tôi được nghỉ ngơi. Công ty còn gửi thêm thuốc men, vật dụng cần thiết nên tôi thấy yên tâm phần nào”, cô chia sẻ.
Số ca mắc Covid-19 ở các văn phòng có xu hướng tăng khi hầu hết công ty, doanh nghiệp yêu cầu 100% nhân viên trở lại làm việc trực tiếp sau Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Theo My, nhiều bạn bè và đồng nghiệp của cô cũng mắc Covid-19 kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng hầu hết vẫn tiếp tục xử lý công việc, tham gia họp hành từ xa dù chưa hoàn toàn bình phục.
“Phần lớn đều được tiêm mũi vaccine thứ 3 nên các triệu chứng không quá nặng, chỉ cần nghỉ ngơi, uống thuốc đúng cữ là sẽ khỏe lại. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng mọi người đã quen với hình thức work from home sau 2 năm dịch bệnh vừa qua. Phản ứng của họ với chuyện không may mắc Covid-19 cũng bình tĩnh hơn trước”, My cho hay.
Trách nhiệm công việc
“Sếp ơi, em dương tính rồi. Em vẫn ổn, chưa có triệu chứng nặng, cho em xin nghỉ một ngày để theo dõi ạ”, Quốc Minh (23 tuổi), làm việc trong ngành marketing, thông báo cho cấp trên rồi vội vàng thu xếp đồ đạc để cách ly tại phòng riêng.
Quốc Minh cảm thấy may mắn khi có sếp thông cảm, không thúc giục làm việc khi mắc bệnh. Ảnh: NVCC. |
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Quốc Minh bay từ quê nhà Bình Dương ra Đà Nẵng để nhận công việc mới. Chỉ một tuần sau đó, anh có kết quả dương tính với Covid-19 với triệu chứng sốt li bì, hắt hơi liên tục và choáng đầu nhẹ.
Tuy nhiên, anh không dám xin nghỉ nhiều ngày. Thời điểm đó, công ty của Quốc Minh đang tất bật chạy sự kiện cho dịp Valentine. Mỗi người đều phải phụ trách khối lượng công việc lớn nên anh không thể chia bớt cho đồng nghiệp hỗ trợ.
“Chỉ mình tôi phụ trách mảng nội dung, không ai có thể làm thay nên tôi cố gắng một chút. Trong thời gian điều trị tại nhà, tôi vẫn xử lý các đầu việc hàng ngày, trừ một buổi sáng sốt cao đỉnh điểm”, anh kể lại.
Quốc Minh cho biết sếp anh rất thông cảm, không thúc giục deadline hay đè nặng KPI. Cuối cùng, các đầu việc vẫn được hoàn thành và đạt khoảng 90% kỳ vọng.
Đây còn là lần đầu tiên Quốc Minh chuyển đến thành phố khác để làm việc. Chàng trai phải tự mình xoay xở mọi thứ khi vừa sống xa nhà, vừa mắc bệnh.
“Tôi mới chuyển đến Đà Nẵng, chưa kịp rành đường sá hay có nhiều bạn bè để nhờ vả. Tôi nghĩ đó là khó khăn lớn nhất khi bị bệnh. Rút kinh nghiệm từ lần đó, giờ đây, nhà tôi luôn có đầy đủ thuốc men, thực phẩm để phòng trường hợp bị tái nhiễm”, Minh chia sẻ.