Trước máy quay, một người đàn ông ngồi giữa đống bánh kẹp phô mai, sandwich cá, gà viên, khoai tây chiên và rất nhiều nước sốt. Anh ta lần lượt ăn từng món, tiếng nhai, nuốt chân thực được khuếch đại qua chiếc micro.
Đó là lượng thức ăn quá lớn để bất kỳ ai có thể ăn trong một bữa và thường xuyên. Nhưng video đã thu hút 5,8 triệu lượt xem, bởi vậy tiêu thụ số thức ăn khổng lồ có lẽ là cách thức chung của các clip mukbang, theo CNN.
Một nghiên cứu vào tháng 1/2020 đã phân tích hơn 5.000 video mukbang trên YouTube và phát hiện ra rằng những video không lành mạnh nhất - có cảnh ai đó ăn quá nhiều trong thời gian ngắn, hoặc ăn những thức ăn quá cay, gây kích ứng có thể gây khó chịu hoặc nguy hiểm - thường thu hút số lượt xem cao hơn hẳn những clip ăn uống bình thường.
Mukbang bị bình thường hóa
Từ "mukbang" bắt nguồn từ tiếng Hàn, là sự kết hợp giữa "meokda", có nghĩa là ăn, và "bangsong", có nghĩa là phát sóng. Các video mukbang thường là cảnh quay một người tiêu thụ lượng đồ ăn khổng lồ trong khi nói chuyện với khán giả của họ qua màn hình.
Thời gian gần đây, mukbang thậm chí trở nên phổ biến hơn khi những người sáng tạo nội dung trên YouTube lẫn TikTok sử dụng thuật ngữ này một cách thoải mái, ngay cả khi khối lượng đồ ăn ở mức trung bình. Đến giữa tháng 8, đã có hơn 4 triệu video trên TikTok có hashtag "mukbang".
Tiếng cắn, nhai rồm rộp, húp xì xụp và tiếng bẻ đồ ăn lắc rắc... trở thành yếu tố giúp những nhà sáng tạo nội dung thu hút hàng triệu lượt xem. Đôi khi vlogger kết hợp các món ăn theo cách bất thường, kỳ lạ nhưng người xem thừa nhận càng như vậy, họ càng khó rời mắt.
Khi mukbang ngày càng phổ biến, các chuyên gia dinh dưỡng cũng bày tỏ lo ngại về tác động tiềm tàng của xu hướng này đối với khán giả.
Kieanna là một người làm nội dung mukbang nhưng thừa nhận với khán giả rằng không ăn hết những thứ bày ra trước máy quay. Ảnh: Kieanna. |
Theo Google Trends, từ "mukbang" bắt đầu trở thành từ khóa hot trong các tìm kiếm trên YouTube vào đầu năm 2015 và vẫn không ngừng tăng kể từ đó. Nhưng đối với các trang web ngoài nền tảng, từ này đạt đỉnh vào thời kỳ đầu đại dịch Covid-19, khoảng tháng 3/2020.
Grace Derocha, chuyên gia dinh dưỡng tại Michigan, cho biết sự bùng nổ có thể là do người xem muốn tìm kiếm sự kết nối xã hội, như thể họ đang ngồi đối diện với người sáng tạo mukbang.
Kieanna, nhà sáng tạo mukbang đã đăng video từ tháng 10/2023 và hiện có hơn một triệu người theo dõi, cho biết những video được xem nhiều nhất thường có cảnh cô ăn những món ăn tạo ra âm thanh giống như ASMR (dạng âm thanh kích thích cảm giác dễ chịu, thư giãn, một số trường hợp có thể giúp con người dễ đi vào giấc ngủ).
Cách đây 8 năm, Kieanna đã biết đến thế giới mukbang với tư cách người xem. Hiện tại, cô quay khoảng 3-5 video/tuần, thường là cảnh cô ngồi trong ôtô và thử một loạt các món ăn khác nhau từ các chuỗi nhà hàng nổi tiếng, hoặc cô ở trong nhà và ăn những món tự nấu.
Đôi khi, cô thử nghiệm bằng cách chế ra các món ăn khác thường, chẳng hạn pizza phủ kẹo hoặc xúc xích phủ kẹo, để tạo ra âm thanh giòn tan trong micrô và khiến khán giả sửng sốt.
"Nhiều người xem video của tôi để giải trí. Đôi khi họ xem chỉ vì thấy đồ ăn trông ngon", cô nói.
Sự thật sau hậu trường
Derocha, người phát ngôn của Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ ( Academy of Nutrition and Dietetics), cho biết: "Phản ứng ban đầu của tôi khi xem clip mukbang là 'Ồ, thật quá nhiều đồ để ăn trong một lần'".
Bà cùng nhận thấy các loại thực phẩm trong video thường "không phải là những thực phẩm giàu dinh dưỡng hoặc lành mạnh nhất".
Derocha lo ngại rằng những video cực đoan có thể khuyến khích một số người xem ăn quá nhiều, thiếu hụt một số loại thực phẩm nhất định hoặc không ăn các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Thường xuyên tiêu thụ nội dung mukbang có thể làm trầm trọng các vấn đề về rối loạn ăn uống. Ảnh: daoinsights. |
Suzanne Fisher, chuyên gia dinh dưỡng tại Florida, người làm việc với những bệnh nhân đang cố gắng cải thiện rối loạn ăn uống, cho biết một người mắc chứng rối loạn ăn uống có thể dùng video mukbang để thỏa mãn cảm giác được ăn mà không cần tiêu thụ bất kỳ thức ăn nào.
"Tôi nghĩ rằng điều đó gần như mang tính voyeurism (thị dâm) - gần như lãng mạn hóa việc tiêu thụ một lượng lớn thức ăn như vậy", Fisher nhấn mạnh.
Người xem cũng không biết chuyện gì xảy ra phía sau máy quay. Một số video có thể được chỉnh sửa theo cách mà người xem nghĩ rằng thức ăn đang được tiêu thụ, nhưng người tạo ra mukbang có thể đã nhổ chúng ra sau mỗi lần cắt cảnh.
Kieanna cho biết cô cố gắng minh bạch với khán giả, cho mọi người biết trong phần bình luận rằng cô thường không ăn hết những món ăn được bày ra trước máy quay và cũng chăm chỉ tập thể dục.
"Có rất nhiều thứ diễn ra đằng sau hậu trường. Tôi cho rằng mọi người có lẽ chỉ nên sử dụng clip mukbang để giải trí và không nên thực sự coi nó quá nghiêm túc vì cuối cùng, nó cũng chỉ là mạng ảo. Phương tiện truyền thông xã hội không nhất thiết phản ánh sự thật, vì vậy không thể tin hết vào mọi thứ bạn thấy", cô nói.
Derocha cho biết một số nội dung mukbang có thể có ảnh hưởng tích cực, chẳng hạn video truyền cảm hứng để người khác thử một công thức nấu ăn bổ dưỡng. "Nó có thể là động lực để ai đó thoát khỏi giới hạn của mình và thử một cái gì đó mới mẻ".
Phía sau những clip mukbang, Dehesa nhịn ăn gián đoạn và tập thể dục 3 giờ một ngày. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa. |
Rosemarie Dehesa là nhà sáng tạo nội dung có hơn nửa triệu người theo dõi trên TikTok và đã đăng tải các video nấu ăn, ăn uống và tập luyện từ năm 2022. Dehesa cho biết cô thích sáng tạo và đăng tải các video mukbang để kết nối với những người có cùng đam mê ẩm thực trên khắp thế giới.
"Ẩm thực mang mọi người lại gần nhau hơn. Miễn là nội dung tích cực và vui vẻ, tôi nghĩ không có vấn đề gì", Dehesa nói.
Mọi người thường thắc mắc tại sao Dehesa ăn nhiều nhưng vẫn giữ được vóc dáng thanh mảnh. Cô cho biết sau khi quay video, cô thực hiện nhịn ăn gián đoạn và tập thể dục 3 giờ mỗi ngày.
"Tôi chia sẻ điều đó vì sự minh bạch, đó là một phần trong cuộc sống của tôi. Tôi ăn uống và tập luyện. Tôi thích làm cả hai việc đó", cô chia sẻ.
Derocha nhấn mạnh điều quan trọng là mọi người phải ưu tiên các mục tiêu sức khỏe của riêng mình, và nó có thể khác với người sáng tạo nội dung họ xem. "Cần đảm bảo bạn đang thỏa mãn cơn thèm ăn bằng sự cân bằng giữa các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, cùng với các loại thực phẩm thú vị mà bạn thích", cô nói thêm.
Alex D'Elia, chuyên gia dinh dưỡng tại New York, người am hiểu về tác động của dinh dưỡng đến sức khỏe tâm thần, cho biết mọi người sẽ phản ứng khác nhau với mukbang.
"Tôi nghĩ rằng điều này phải phụ thuộc vào trách nhiệm của người xem đối với chính họ, biết được nguyên nhân gây ra hành vi của mình", D'Elia nói.
D'Elia khuyên mỗi người nên thực hành chánh niệm, không chỉ ghi nhận cảm giác của mình khi xem video mà còn theo dõi cảm xúc khi ăn uống trong cả ngày, cố gắng quan sát tác động của các loại thực phẩm khác nhau lên sức khỏe tinh thần của họ.
"Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi trong suốt cả ngày, hoặc trở nên bồn chồn, hãy tự kiểm tra lại bản thân. Hày tự hỏi "Lần cuối cùng tôi ăn là khi nào? Tôi đã ăn gì? Nó có cân bằng không?'", D'Elia hướng dẫn.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.