Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lo 'sốt vó' khi con đạt học sinh giỏi

Điều đó tưởng chừng vô lý nhưng lại là tâm trạng của nhiều cha mẹ đang có con học cấp một. Họ luôn mong muốn con được đánh giá đúng với khả năng mà không cần giấy khen ảo.

Tình trạng nhiều trường tiểu học, THCS đánh giá học sinh cao hơn so với khả năng của bản thân, dẫn đến tỷ lệ học sinh giỏi chiếm hơn 90% được báo chí phản ảnh thời gian qua,  được rất nhiều độc giả quan tâm và bình luận.

Họ không chỉ bày tỏ quan điểm về bệnh thành tích trong ngành giáo dục, mà còn chia sẻ những lo lắng, suy nghĩ của bản thân về những tình huống tương tự mà gia đình mình cũng đang gặp phải.

Thành tích học tập của con ở trường dù được đánh giá loại giỏi, xuất sắc vẫn khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Vui khi con đội sổ

Độc giả Hoàng Đức chia sẻ câu chuyện của chính gia đình mình: “Sáng 28/5 đón con tổng kết tại trường gặp vợ chồng đứa bạn. Thấy cô vợ đưa tờ giấy khen con đạt loại xuất sắc vui mừng ra mặt. Tôi ướm lời: Cái quan trọng là ở năng lực thực sự chứ không phải ở tờ giấy khen, có vẻ như chúng ta đang dạy các cháu nói dối và chấp nhận làm việc dối. Cô trả lời nếu 5 năm mà không được học sinh giỏi (bằng giấy khen) thì lớp 6 cháu sẽ không có cơ hội được xét vào trường chuyên.

Cuối buổi các cháu xuống sân mang theo quà, kẹo bánh, nước... và cả giấy khen nữa (đứa nào cũng có). Bố mẹ đa số hân hoan, bọn trẻ vô tư ăn quà và vứt rác ở sân trường. Con tôi cũng vậy, hành vi này của cháu bị tôi nhắc nhở: “Con hãy nhặt vỏ chai của con ở gốc cây bỏ vào sọt rác ngay lập tức, lần sau không được vứt bừa bãi như thế nữa”. Cháu nghe lời vui vẻ bỏ rác vào thùng rác.

Phụ huynh xung quanh nhìn, một số có vẻ khó chịu với tôi. Con tôi học lớp 2 và "chỉ đạt" học sinh tiên tiến thôi (thứ 3 từ dưới lên). Nhưng tôi tự tin sang lớp 3 cháu sẽ vượt qua nhiều bạn cùng khóa”.

Ngày hôm qua, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng chia sẻ về thành tích học tập của con mình. Dù con chỉ xếp thứ 55/57, nhưng ông bố này lại không hề lo lắng, thậm chí còn tỏ ra vui mừng.

“Con trai của tôi học không giỏi nhưng tôi biết, con không phải là một đứa trẻ kém. Điều đó mới là quan trọng”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn tâm sự.

Còn theo thông tin của Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm, Hà Nội), một bà mẹ có con đang học lớp 4 tại Hà Nội đã viết thư cho cô giáo để xin cho con được xếp loại khá thay vì nhận giấy khen xuất sắc. Người mẹ này rất vui mừng nếu như con được xếp loại khá. Bởi như vậy cô giáo mới đánh giá chính xác sức học của con.

Mẹ xin cô giáo cho con từ xuất sắc xuống loại khá

“Dù bài thi Toán này của con có thể bị trừ 1, 2 điểm, có thể ảnh hưởng tới kết quả chung đi nữa thì sẽ tốt cho con hơn nhiều về sau này", trích bức thư của người mẹ này.

Bất an vì con đạt danh hiệu học sinh giỏi

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội nhan nhản những hình ảnh ông bố, bà mẹ khoe bảng điểm đẹp của con. Nhưng trong số đó không ít người tỏ ra lo lắng về kết quả này.

Độc giả Ngo Thy bày tỏ: "Con tôi học lớp một, cuối năm vừa rồi cháu xếp loại giỏi nhưng tôi vẫn thấy băn khoăn. Cháu viết chữ rất xấu, mấy bài kiểm tra trước khi thi học kỳ hai (cháu tự làm) cô chấm điểm toàn 4,5 vậy mà đi thi toàn 10. Vở sạch chữ đẹp toàn A+. Lớp 55 em thì 53 em học sinh giỏi 2 em khá. Thật sự tôi rất lo lắng khi con tôi được học sinh giỏi. Không biết cháu có thật sự giỏi hay không?".

Đồng cảnh ngộ, bạn Ga Con cũng cho biết gia đình có một cháu học lớp một. Bố mẹ rất nghiêm khắc với việc học của con, ngoài liên lạc với nhà trường thì bài vở hàng ngày của cháu đều được kiểm tra.

Nhưng cả gia đình đều băn khoăn không hiểu cô giáo chấm để lấy thành tích hay sao mà bé làm bài chỉ đáng 3 điểm mà vẫn được 9, 10. Nhìn cuốn vở của cháu toàn điểm cao mà gia đình lo "sốt vó".

Bùi Phong nhớ lại câu chuyện của chính bản thân mình: "Ngày trước mình học cấp một cũng vậy. Lớp 56 người thì chỉ có hai bạn 2 loại khá. Các môn khác mình đều học tốt, nhưng văn là tậm tịt thế mà vẫn được học sinh giỏi. Sau này mẹ nói mình mới biết được cô giáo nâng điểm. Nghe xong, mình cảm thấy chán và ngại với hai bạn học sinh khá".

Thanh Dao Dao lo ngại: "Con tôi học lớp 4 sức học trung bình nhưng cuối năm vẫn là học sinh giỏi. Nhìn con cầm giấy khen trên tay mà tôi cảm thấy nản".

 

Một độc giả được mời tham dự buổi tổng kết tại một trường học cũng thể hiện sự bức xúc: "Tôi là lãnh đạo xa, được mời đi dự tổng kết cuối năm ở trường tiểu học. Là xã vùng khó khăn nên con em gia đình có điều kiện đã được cha mẹ tìm mọi cách để đưa lên thị trấn học. Vậy mà tổng kết năm nay, trường này vẫn có đến 104/240 học sinh giỏi. Cả trường chỉ có 20 em trung bình. Suối buổi tổng kết, tôi phải lên xuống nhiều lượt để phát thưởng.

Một đồng chí lảnh đạo huyện ngồi kế bên buột miệng: "Sao bây giờ xét học sinh giỏi nhiều quá vậy,trước đây chỉ hạng nhất đến hạng ba mới được phát thưởng, giờ thưởng nhiều quá, liệu có đúng thực chất không?". Câu trả lời xin để cho ngành giáo dục”.

 

 

A.H

Bạn có thể quan tâm