Hai ngày qua, tất cả học sinh lớp 6-12 tại tỉnh Sóc Trăng đến trường học trực tiếp. Từ 14/2, các trường mầm non và tiểu học bắt đầu đón học sinh.
Trao đổi với Zing, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng Châu Tuấn Hồng cho biết trong ngày đầu dạy và học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giáo viên, học sinh thực hiện tốt việc phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông Hồng, hơn 95% học sinh đến lớp học trực tiếp trong ngày đầu tiên. Các trường chưa phát hiện trường hợp học sinh bất thường về sức khỏe.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, giáo viên chủ nhiệm của các lớp nhắc nhở học sinh khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt trước khi đến trường. Giáo viên chủ nhiệm kết hợp phụ huynh theo dõi sức khỏe của các em. Học sinh ăn uống tại nhà, cam kết không la cà hàng quán.
Giờ tan trường trưa 10/2 tại TP Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường. |
Thăm dò ý kiến phụ huynh
Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, thông tin đến ngày 14/2, học sinh lớp 7-12 của địa phương này đến trường. Ba ngày sau đó, học sinh lớp 4-5 đi học. Từ ngày 21/2, học sinh lớp 1-6 sẽ đến lớp.
“Đối với cấp học mầm non, các bé 5 tuổi đến trường ngày 21/2. Ngày 28/2, trẻ 3-4 tuổi đi học theo tinh thần tự nguyện và thăm dò ý kiến của phụ huynh”, bà Diễm nói.
Tại Cà Mau, học sinh lớp 6-12 đã đi học từ ngày 7/2. Theo thông tin từ sở này, hơn 95% học sinh đến lớp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Lớp 1-5 sẽ đi học từ đầu tuần sau. Trẻ mẫu giáo cũng đi học cùng thời điểm này. Chúng tôi đang tập trung thăm dò ý kiến phụ huynh”, ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho hay học sinh ở địa phương này đang học trực tuyến. Từ ngày 14/2, các khối lớp 5, 9, 12 bắt đầu học trực tiếp. Những khối lớp còn lại học trực tiếp từ 21/2.
Đối với cấp mầm non, tỉnh Bạc Liêu cho các em đến trường vào đầu tháng ba.
Xây dựng tiêu chí phòng, chống dịch cho các trường
Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết học sinh mầm non và cấp một, hai, ba đều đi học từ 7/2. Trước khi các em đến trường, UBND TP Cần Thơ xây dựng 16 tiêu chí để các trường áp dụng, nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch.
"Các trường thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, tổ an toàn phòng dịch, giáo viên phải được tiêm vaccine đủ liều... Khi thực hiện đầy đủ tiêu chí sẽ được CDC và địa phương kiểm tra, xác nhận. Hiện, 100% trường học đạt tất cả 16 tiêu chí", ông Hiển khẳng định.
Cũng theo ông Hiển, trước khi học sinh đến lớp, các trường đều được cơ quan y tế phun khử khuẩn, họp phụ huynh để tuyên truyền cho gia đình các em về phương pháp phòng, chống dịch Covid-19. Phụ huynh sàng lọc, kiểm tra sức khỏe của con em mình tại nhà.
Học sinh miền Tây đến trường sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Việt Tường. |
Bước sàng lọc cuối cùng là tổ an toàn làm việc tại cổng trường. Lực lượng này đo thân nhiệt, SpO2 và tư vấn, hỏi thăm sức khỏe các em để kịp thời test nCoV nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ. Từ việc kiểm tra này, 3 trường hợp F0 được phát hiện trong những ngày đầu học sinh đến lớp.
"Trong tuần học đầu tiên sau Tết Nguyên đán, tỷ lệ học sinh THPT đến trường đạt 97%, THCS 95%, tiểu học 88%. Mầm non do mới cho học một buổi nên các em đến trường chỉ gần 40%. Phụ huynh mầm non rất muốn gửi con 2 buổi, nên từ 15/2, chúng tôi cho các bé học nguyên ngày", lãnh đạo UBND TP Cần Thơ chia sẻ.
Ngày 11/2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Văn Tuấn ký văn bản gửi một số sở và địa phương về việc điều chỉnh kế hoạch dạy, học tại cơ sở giáo dục. Theo đó, từ 14/2, học sinh tất cả cấp học từ giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp, cao đẳng và đại học đều học trực tiếp.
Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu được cấp trên giao kết hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan rà soát, nắm số lượng học sinh, sinh viên, học viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên trong các cơ sở giáo dục, trường học để có giải pháp cụ thể, sát thực tế để tổ chức đi học trực tiếp hiệu quả, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.